Đà Nẵng hiện là trung tâm du lịch và công nghiệp đang tăng trưởng nhanh chóng ở miền Trung Việt Nam với dân số hơn 1 triệu người, thu gom khoảng 700 tới 750 tấn chất thải rắn mỗi ngày. Rác thải được đổ tại bãi chôn lấp hiện thời của thành phố, nhưng công suất còn lại sẽ được khai thác hết vào năm 2020. Việc xây dựng bãi chôn lấp và công trình xử lý chất thải mới là nhiệm vụ cấp bách của thành phố để giúp quản lý rác thải bền vững hơn và thân thiện hơn với môi trường.
Dự án sẽ sử dụng cơ chế đối tác công – tư (PPP), trong đó khu vực tư nhân sẽ thiết kế, xây dựng, tài trợ, vận hành và bảo trì các công trình chôn lấp và xử lý chất thải. Các công trình này sẽ đáp ứng nhu cầu của thành phố sau năm 2020 với các công nghệ phù hợp để xử lý chất thải. Giai đoạn nhượng quyền khai thác và các chỉ tiêu khác, gồm các công nghệ được áp dụng, sẽ được xác định dựa trên nghiên cứu khả thi.
Đà Nẵng hiện là trung tâm du lịch và công nghiệp đang tăng trưởng nhanh chóng ở miền Trung Việt Nam. (Nguồn: Tiền Phong) |
Ông Norio Saito, Phó Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, chia sẻ: “ADB luôn là một đối tác phát triển chủ chốt của Đà Nẵng. Hoạt động hỗ trợ tư vấn giao dịch cho nhà máy xử lý rác thải tại đây sẽ bổ sung cho những công việc mà chúng tôi đang tiến hành trong lĩnh vực phát triển đô thị ở Việt Nam và tạo ra khuôn mẫu để cung cấp các giải pháp xử lý chất thải thông qua hình thức đối tác công – tư cho các thành phố khác trên cả nước”.
Phát triển các hình thức đối tác công - tư, gồm cả lĩnh vực chất thải, là một ưu tiên then chốt trong “Chiến lược Đối tác Quốc gia 2016-2020” của ADB cho Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng trưởng bền vững về môi trường. Dự án sẽ là thỏa thuận hỗ trợ tư vấn giao dịch PPP thứ hai của ADB tại Việt Nam, và là thỏa thuận đầu tiên trong lĩnh vực rác thải.
Là nhà tư vấn giao dịch cho dự án, ADB sẽ phối hợp với thành phố để tìm kiếm công nghệ phù hợp nhất cho dự án, thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án, xây dựng các biểu mẫu tài liệu và hợp đồng mà có thể được sử dụng cho các dự án PPP tiếp theo trong lĩnh vực này và cho cả khu vực, cũng như tăng cường năng lực chuyên môn của địa phương trong quản lý và thực thi các dự án PPP.