📞

Adenovirus gây bệnh gì, nguyên nhân và cách phòng tránh bệnh?

13:40 | 25/09/2022
Adenovirus có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời như: suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng.
Khi trẻ có biểu hiện nghi ngờ mắc Adenovirus sẽ được làm các xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán. Ảnh minh họa. (Nguồn: SKĐS)

Adenovirus là các virus DNA được phân loại theo 3 chất kháng nguyên vỏ protein chính (hexon, penton và sợi). Có 7 loài adenovirus ở người (từ A đến G) và 57 tuýp huyết thanh. Các tuýp huyết thanh khác nhau liên quan đến các tình trạng bệnh lý khác nhau.

Nhóm adenovirus thường gây bệnh bằng cách tiếp xúc với các chất tiết từ người bị nhiễm bệnh hoặc do tiếp xúc với một đồ vật bị nhiễm bẩn.

Các tổn thương thường gặp nhất do mắc Adenovirus là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, nôn, buồn nôn,…), viêm bàng quang, viêm não màng não,… Bệnh do Adenovirus gây ra xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa Xuân - Hè hoặc Thu - Đông.

Đường lây truyền Adenovirus

Adenovirus lây truyền qua đường giọt bắn, qua đường hô hấp giữa người với người. Bệnh có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm, hoặc lây truyền khi người lành sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8-12 ngày.

Adenovirus có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi (trẻ em hay gặp ở độ tuổi từ 6 tháng - 5 tuổi). Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao nhiễm virus này do có sức đề kháng kém.

Trẻ nhiễm Adenovirus có nguy hiểm không?

Trẻ nhiễm Adenovirus thường có các biểu hiện như: Sốt cao, ho, khò khè, có thể kèm theo viêm kết mạc mắt và rối loạn tiêu hóa. Với trẻ có biểu hiện nặng thì xuất hiện tình trạng khó thở.

Virus Adeno có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời như: suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng.

Bệnh còn có thể để lại các biến chứng lâu dài, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như: hội chứng viêm tiểu phế quản bít tắc sau nhiễm trùng, giãn phế quản, xơ phổi.

Chẩn đoán nhiễm Adenovirus

Khi trẻ có biểu hiện nghi ngờ mắc Adenovirus sẽ được làm các xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán như: xét nghiệm máu, chụp X-Quang tim phổi, xét nghiệm xác định căn nguyên bằng kỹ thuật Realtime PCR.

Phương pháp điều trị Adenovirus

Trẻ bị nhiễm Adenovirus khi nhập viện sẽ được cách ly tại các phòng bệnh riêng biệt.

Hỗ trợ hô hấp (thở oxy hoặc thở máy) khi cần.

Dùng kháng sinh trong trường hợp bị bội nhiễm viêm phổi.

Điều trị các triệu chứng bằng cách: hạ sốt khi trẻ sốt cao, bù nước điện giải, bổ sung dinh dưỡng, sử dụng thuốc kháng virus đặc hiệu với những trường hợp nặng, suy giảm miễn dịch (thuốc kháng virus không được chỉ định thường quy cho tất cả bệnh nhân).

Những lưu ý cha mẹ cần biết để phòng tránh cho trẻ

Cho trẻ bú sớm, ngay sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 2 tuổi.

Chế độ ăn dặm của trẻ hợp lý, đủ các thành phần dinh dưỡng

Giữ gìn môi trường sống của trẻ sạch sẽ, thoáng mát, không có khói, bụi, khói thuốc lá.

Vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên: nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý (với trẻ nhỏ), trẻ lớn hơn cho súc miệng nước muối sinh lý.

Vệ sinh thân thể, rửa tay thường xuyên, cho trẻ mặc quần áo phù hợp với nhiệt độ môi trường, tránh để trẻ bị nhiễm lạnh.

Cần đeo khẩu trang khi trẻ ra ngoài, tránh tiếp xúc với trẻ em bị ốm, bệnh.

Tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Biện pháp chống dịch

Thành lập Ban chống dịch do lãnh đạo chính quyền làm trưởng ban, lãnh đạo y tế địa phương làm phó ban thường trực và các thành viên khác có liên quan như: Y tế, Giáo dục, Công an, Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ...

Thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân. Những trường hợp mắc bệnh nhẹ có thể cách ly, theo dõi và điều trị tại nhà dưới sự giám sát của cán bộ y tế xã.

Những trường hợp mắc bệnh nặng, bị bội nhiễm và có biến chứng cần được cách ly và điều trị tại trạm y tế xã hoặc bệnh viện.

Tại cơ sở khám chữa bệnh, nếu có bệnh nhân nghi ngờ hoặc khi có dịch adenoviruss thì phải thực hiện triệt để vô khuẩn khi khám bệnh để tránh lây bệnh qua đường hô hấp, kết mạc mắt, mí mắt và phải đảm bảo sát khuẩn bàn tay và dụng cụ khám bệnh để tránh lây lan.

Không được dùng chung các đồ dùng của bệnh nhân, nhất là khăn mặt và các đồ dùng có thể bị nhiễm các chất xuất tiết của bệnh nhân như bát, thìa, cốc, chén, giường chiếu...

Phải sát trùng, tẩy uế đồng thời các đồ dùng của bệnh nhân trong giai đoạn mắc bệnh cấp tính và sát trùng, tẩy uế lần cuối khi khỏi bệnh bằng các thuốc sát khuẩn thông thường.

(theo SK&ĐS)