📞

ADMM+ sau 10 năm (Kỳ I): Hành trình dài, thành tựu lớn

Vũ Đăng Minh 11:36 | 12/12/2020
TGVN. Trải qua 10 năm hình thành và phát triển, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) đã khẳng định được vị thế và đạt thành tựu đáng kể.
Lễ kỷ niệm 10 năm hình thành cơ chế ADMM+ tại Hà Nội ngày 10/12. (Ảnh: Minh Quân)

Sau một thập kỷ hình thành, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) đã trở thành thương hiệu, gắn liền với ASEAN và các nước đối tác. Nhưng 10 năm trước, đó là một sự kiện chưa từng có tiền lệ, bất ngờ và không ít băn khoăn về sự ủng hộ, đồng thuận, tính khả thi.

Đột phá, táo bạo, dũng cảm

Ý tưởng về ADMM+ hình thành từ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ nhất (ADMM-1) năm 2006. Qua nghiên cứu tình hình thế giới, khu vực, tham vấn các nước, đến ADMM-3 năm 2009, Việt Nam tuyên bố mong muốn tổ chức hội nghị ADMM+ lần đầu tiên tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cho biết: Đề xuất tổ chức ADMM+ lần đầu tiên tại Hà Nội là cần thiết, đúng thời cơ. Khi ấy, bối cảnh quốc tế những năm cuối thập niên đầu của thế kỷ XXI rất phức tạp: Các nước lớn tăng cường can dự, tranh giành ảnh hưởng, lợi ích chiến lược, lôi kéo, chia rẽ các nước ASEAN.

Tình hình đó đặt ra nhiều thách thức đối với ASEAN, Việt Nam, trong đó có vấn đề Biển Đông. ASEAN không thể giải quyết được các vấn đề của khu vực, giữ được vai trò trung tâm nếu không tính đến sự can dự của các nước lớn, không mở rộng hợp tác quốc phòng, an ninh với các đối tác, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc.

ASEAN cần khai thác mặt tích cực, hạn chế tác động tiêu cực từ sự hiện diện và chiến lược của các nước lớn ở khu vực. Để làm được điều đó, ASEAN cần một cấu trúc mới, cơ chế mới, một diễn đàn mới, quy tụ các đối tác hàng đầu, với ASEAN làm trung tâm.

Muốn hiện thực hóa ý tưởng, phải được sự đồng thuận, ủng hộ của các nước ASEAN và thuyết phục đối tác lớn chấp nhận tham dự. Định hình ADMM+, xác định nội dung, lợi ích an ninh chung… đều là những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, trong khi thời gian chuẩn bị là không nhiều. Tuy nhiên, nhận thức rõ tầm quan trọng của ADMM+, với quyết tâm chính trị cao, tư duy mới, chủ động, sáng tạo, hành động linh hoạt, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định khó mấy cũng phải làm.

Vạn sự khởi đầu nan. Nếu chờ đến ADMM-4, tháng 5/2010 thì rất khó hoàn tất công tác chuẩn bị. Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh đảm nhiệm vai trò “con thoi” với nhiều vòng tham vấn, gặp gỡ, thuyết phục các đối tác từ châu Á đến châu Âu, châu Mỹ. Trong Đối thoại Shangri-La tháng 6/2010 tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã có hơn 20 cuộc gặp song phương để vận động ủng hộ ADMM+.

Tuy nhiên, nhận thức rõ tầm quan trọng của ADMM+, với quyết tâm chính trị cao, tư duy mới, chủ động, sáng tạo, hành động linh hoạt, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định khó mấy cũng phải làm.

Tại Diễn đàn An ninh Khu vực (ARF) tháng 7/2010, xuất hiện quan điểm trái ngược giữa một số nước đối tác (nhất là Mỹ và Trung Quốc), gay gắt đến khó dung hòa. Nếu không hóa giải được, Việt Nam khó tổ chức thành công hội nghị ADMM+.

Trong bối cảnh đó, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chủ động thông tin, tiếp xúc, trao đổi cụ thể, rõ ràng đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, quan điểm của Việt Nam về vai trò của các đối tác, cũng như lợi ích chung của ASEAN và 8 đối tác.

Bằng nỗ lực của Việt Nam, ADMM+ lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội ngày 2/10/2010, với sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Nga (Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng).

Các nước đánh giá cao và ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc tổ chức sự kiện ADMM+ lần đầu tại Hà Nội tháng 10/2010. (Nguồn: Reuters)

Tuyên bố chung Hà Nội đã định hình ADMM+ là một diễn đàn an ninh thường xuyên, mở ra một cơ chế đối thoại chính thức và hợp tác quốc phòng ở cấp Bộ trưởng; xác định các lĩnh vực, nội dung, đề ra nguyên tắc hợp tác quốc phòng, góp phần đưa quan hệ quốc phòng giữa ASEAN và các đối tác sang một giai đoạn mới, tạo tiền đề để ASEAN gia tăng hội nhập, hợp tác quốc phòng an ninh sâu rộng hơn, vì lợi ích chung của ASEAN và của các đối tác.

Các Bộ trưởng Quốc phòng thành viên ADMM+ bày tỏ sự hài lòng với kết quả hội nghị, đánh giá cao nỗ lực và ghi nhận Việt Nam là đất lành để hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đánh giá: “Mục đích rõ ràng, chuẩn bị chu đáo, tầm nhìn chiến lược, quan điểm hài hòa”. Đó cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến thành công của ADMM+ 8 tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội. Dư luận quốc tế, khu vực đánh giá đây là một bước đột phá, táo bạo, dũng cảm của Việt Nam và ASEAN vì hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực.

Việc 18 quốc gia lần đầu tiên ngồi lại với nhau, bàn bạc giải quyết các vấn đề an ninh chung là một thắng lợi lớn. Hiện thực hóa ý tưởng, tổ chức thành công ADMM+ 8 lần đầu tiên tại Hà Nội là một sự kiện, dấu mốc quan trọng, khẳng định vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong lần thứ 2 làm chủ tịch ASEAN.

Một thập kỷ, nhiều thành tựu

Từ định hình, định hướng trong hội nghị lần đầu tại Hà Nội đến năm 2019, ASEAN đã 6 lần tổ chức ADMM+, đóng góp quan trọng vào xây dựng cộng đồng về chính trị-an ninh, một trong ba trụ cột.

ADMM+ càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh phức tạp của thế giới, khu vực trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI. Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn này là cạnh tranh chiến lược, mâu thuẫn lợi ích giữa các nước lớn, nhất là sự “va chạm” giữa chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của Mỹ với Bộ Tứ (Quad) làm hạt nhân và Sáng kiến Vành đai, Con đường (BIR) của Trung Quốc; hành động quân sự hóa, tranh chấp chủ quyền Biển Đông, vụ Philippines kiện Trung Quốc…

Các diễn biến tác động đến sự đồng thuận nội khối, cản trở hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, với biểu hiện cụ thể là mâu thuẫn, bất đồng quan điểm giữa một số nước trong ARF năm 2010, 2014, đặc biệt là Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2018 không ra được tuyên bố chung.

Trong bối cảnh đó, ADMM+ đã quy tụ được 8 đối tác hàng đầu, tạo điều kiện, cơ hội cho các đối tác, nhất là Mỹ và Trung Quốc đối thoại song phương và lắng nghe quan điểm, sự lo ngại của các nước ASEAN đối với quan hệ căng thẳng, đối đầu Mỹ-Trung.

ADMM+ là diễn đàn thực sự đi vào những vấn đề nóng, phức tạp mà các cơ chế, diễn đàn khác ít đề cập như đánh giá tình hình khu vực, các thách thức an ninh, tranh chấp chủ quyền, hành động quân sự hóa…

Qua đó, ADMM+ góp phần biến khu vực tiềm ẩn thách thức an ninh thành điểm đến để các bên cùng nhau trao đổi, thảo luận biện pháp hạn chế hiểu lầm, bất đồng, căng thẳng, xây dựng lòng tin, tham gia xây dựng cộng đồng, đối phó với các thách thức an ninh chung.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng ASEAN và đối tác tham dự Hội nghị ADMM+ lần thứ 7 theo hình thức trực tuyến tại Hà Nội. (Ảnh: Minh Quân)

Không dừng ở thảo luận, ADMM+ còn đề xuất nhiều nội dung hợp tác thiết thực như: an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, chống khủng bố, diễn tập đối phó thách thức an ninh phi truyền thống, quân y, gìn giữ hòa bình và nhiều vấn đề khác liên quan đến lực lượng vũ trang của các nước thành viên và đối tác.

Thực tế chứng tỏ ADMM+ là 1 cơ chế hợp tác về quốc phòng, an ninh cao nhất của khu vực, có khả năng thảo luận, đề ra biện pháp giải quyết vấn đề an ninh phi truyền thống. Hợp tác quốc phòng giữa các quốc gia thành viên là điểm nổi bật, hiệu quả của ADMM+.

Các đặc điểm, hoạt động, kết quả cho thấy ADMM+ có vai trò đặc biệt, song vẫn bổ sung, kết hợp hài hòa với các cơ chế, diễn đàn khác và là một cấu trúc an ninh khu vực mới, mở, linh hoạt. Diễn đàn là dấu mốc trong quá trình phát triển, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là cơ hội, vừa là thách thức, đánh dấu bước tiến mới trong hợp tác quốc phòng, an ninh ngày càng thực chất. Nhờ đó, hợp tác quốc phòng, an ninh từ chỗ là nội dung, lĩnh vực đi sau trở thành nội dung, lĩnh vực đột phá.

Sau một thập kỷ, việc tham dự thường xuyên, trao đổi, đóng góp, ủng hộ các nội dung do ASEAN đề xuất và kết quả của ADMM+ thể hiện sự coi trọng ADMM+ của các đối tác, kể cả các nước lớn, khẳng định vai trò trung tâm, chủ trì của ASEAN.

(Còn nữa)