Thủ tướng Malaysia Najib Razak (trái) trao tài liệu đã ký kết về việc thành lập Cộng đồng ASEAN cho Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh, ngày 22/11 tại Kuala Lumpur. |
Được thành lập ngày 8/8/1967, vào thời điểm đỉnh cao của cuộc Chiến tranh Lạnh, ASEAN lúc đó chỉ gồm năm quốc gia Đông Nam Á. Trong năm thập kỷ qua, ASEAN đã vượt qua nhiều chặng đường đầy thách thức để mở rộng lên mười thành viên. Với tầm nhìn chiến lược, ASEAN dần gây dựng được lòng tin của tất cả mười nước thành viên, phát triển cơ chế đối thoại và thúc đẩy đồng thuận, dựa trên những lợi ích cùng chia sẻ để tạo ra một môi trường hòa bình, hòa hợp trong khu vực, thông qua đẩy mạnh quan hệ chính trị giữa các nước thành viên và tình hữu nghị giữa người dân. Với sự tin tưởng lẫn nhau và tình hữu nghị, các nước ASEAN đã có thể tập hợp nguồn lực để phát triển kinh tế, kết nối nền kinh tế nội khối và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.
ASEAN được công nhận rộng rãi là một mô hình hiệu quả của xu hướng liên kết khu vực trên ba khía cạnh: Duy trì hòa bình và ổn định khu vực, hội nhập khu vực và xây dựng thể chế khu vực. ASEAN đã thành công khi trở thành một nhân tố bảo đảm cho hòa bình, ổn định, hòa hợp và thịnh vượng không những ở Đông Nam Á mà rộng hơn là khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cùng với Liên minh châu Âu (EU), ASEAN được đánh giá là một trong hai tổ chức khu vực thành công nhất trên toàn cầu.
Ý tưởng về thành lập Cộng đồng ASEAN (AC) là một sáng kiến chưa có tiền lệ, đã phá vỡ nếp suy nghĩ truyền thống và tạo ra mô hình mới của hội nhập và phát triển khu vực. Nỗ lực chung này, đặc biệt là việc xây dựng AEC, là nhằm thiết lập trong khu vực một nền tảng vững chắc cho sự cạnh tranh kinh tế mạnh mẽ trong môi trường toàn cầu hóa. AEC được cho là sẽ biến ASEAN trở thành một thị trường và cơ sở sản xuất duy nhất, một khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao, một khu vực kinh tế phát triển đồng đều và hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu. Ý tưởng đó xuất phát từ nhận thức rằng hội nhập sâu sắc hơn sẽ hỗ trợ kinh tế phát triển và bằng cách phối hợp cùng với nhau, ASEAN sẽ trở thành một nền kinh tế “đáng gờm” trong khu vực châu Á mới nổi.
Quá trình xây dựng AEC đã góp phần thay đổi bộ mặt của ASEAN như chúng ta thấy ngày hôm nay: một trong những khu vực kinh tế lớn và năng động nhất thế giới. Là một tổ chức đa quốc gia, ASEAN có tổng GDP hơn 2,5 nghìn tỷ USD và 625 triệu người tiêu dùng, tạo ra nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, thứ bảy thế giới và được dự báo sẽ đứng thứ tư thế giới trước năm 2030. Sức mua của ASEAN được dự đoán là tăng gấp đôi trước năm 2030 với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu.
Mặc dù cũng chịu những tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu và khủng hoảng khu vực đồng Euro, mức tăng trưởng GDP của ASEAN trong những năm gần đây vẫn duy trì ổn định ở mức trung bình 5,5%. ASEAN đã trở thành nhà sản xuất hàng hóa quan trọng, đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng của toàn cầu về nguyên liệu thô. Dòng chảy đầu tư nước ngoài (FDI) vào khu vực đạt mức cao chưa từng thấy với 136 tỷ USD năm 2014, thương mại đạt mức 2,53 nghìn tỷ USD, gần bằng tổng GDP của ASEAN. Xu hướng này có thể còn tiếp tục tăng trong thập kỷ tới.
Tính đến tháng 11/2015, khi các nhà lãnh đạo ASEAN tuyên bố thành lập AC và AEC tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27, ASEAN đã thực hiện 92,7% trong tổng số 506 kế hoạch hành động ưu tiên của AEC. Tiến bộ đáng kể đã được thực hiện trong các tiểu trụ cột như:
Thuận lợi hóa thương mại: Tiến hành các bước cụ thể để xử lý các hàng rào phi thuế quan (NTB) và áp dụng Cơ chế một cửa ASEAN (ASW). Là nền tảng được thiết kế để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, giảm thời gian và chi phí giao dịch, cải thiện việc thực thi pháp luật tại biên giới, ASW không chỉ nâng cao hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh mà còn tạo điều kiện cho sự tham gia của ASEAN vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Hiệp định Hải quan ASEAN cũng đã có hiệu lực vào tháng 11/2014.
Đầu tư: Một quá trình đánh giá thường xuyên đã được thực hiện để giám sát việc loại bỏ các hạn chế và trở ngại đối với đầu tư hoặc cải thiện để tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy ASEAN là một điểm đến đầu tư duy nhất.
Dịch vụ: Hướng tới hoàn thành các dòng hành động cuối cùng của AEC 2015 để tăng cường hội nhập các ngành dịch vụ. Dòng hành động cuối cùng sẽ tự do hóa 100 phân ngành dịch vụ và cho phép nước ngoài được sở hữu đến 70% cổ phần.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME): Hoàn thành kế hoạch hành động chiến lược phát triển SME của ASEAN (giai đoạn 2016 - 2025), trong đó tập trung vào việc tiếp cận tài chính, công nghệ, tăng cường khả năng quản lý và tiếp thị nhằm hỗ trợ sự phát triển của các SME.
Dịch chuyển lao động có tay nghề: Sự dịch chuyển tự do của lao động có tay nghề được thể hiện thông qua thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN (MRA) về tám ngành dịch vụ chuyên nghiệp, trong đó có kế toán, kỹ thuật và kiến trúc.
Trên mặt trận kinh tế đối ngoại, ASEAN vẫn là tổ chức duy nhất trên thế giới có Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với tất cả các nền kinh tế lớn và trung bình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Thông qua các FTA, ASEAN đang khẳng định vai trò trung tâm của mình trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Để hài hòa tất cả các FTA của các nước thành viên, ASEAN đang đàm phán với các đối tác nhằm đạt được Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Một khi được thông qua, RCEP sẽ chiếm 30% GDP toàn cầu và sẽ biến khu vực Đông Á, Nam Á và châu Đại Dương thành một thị trường hội nhập của 3,3 tỷ người - một nửa dân số thế giới - cung cấp các lợi ích hữu hình cho các doanh nghiệp thông qua tiếp cận thị trường tốt hơn, thuận lợi hóa thương mại và tự do về quy tắc xuất xứ hơn. Hơn nữa, ASEAN chuẩn bị ký kết FTA với Hong Kong và sẽ khởi động các cuộc đàm phán về FTA giữa ASEAN - EU. Thành công của các cuộc đàm phán sẽ nâng tầm mối quan hệ kinh tế của ASEAN với các đối tác.
Tất cả sáng kiến hợp tác kinh tế khu vực mạnh mẽ đó thực chất đều nhằm khẳng định với cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong và ngoài khu vực rằng, ASEAN rất nghiêm túc trong quá trình hội nhập, đồng thời vẫn là một thị trường rộng mở đối với hoạt động kinh doanh. Trong cuộc khảo sát gần đây về hoạt động kinh doanh của các công ty nước ngoài trong khu vực, hầu hết nhà lãnh đạo và giám đốc doanh nghiệp đều ghi nhận, ASEAN đã trở thành một thị trường rất quan trọng trong doanh thu toàn cầu của họ. Nhiều công ty đã phát triển các chiến lược kinh doanh khu vực của họ dựa trên AEC.
Các nhà đầu tư cũng cho rằng, mặt bằng kinh tế hiện nay của ASEAN tương đối chất lượng với cơ sở hạ tầng kết nối tốt, chi phí sản xuất kinh tế hợp lý, nguồn nhân lực dồi dào được đào tạo chất lượng; nền chính trị ổn định cũng như hệ thống pháp luật phù hợp, đủ khả năng xúc tiến đầu tư và bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài; tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho sự phát triển một cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, khẳng định ASEAN là một thị trường lớn cho các doanh nghiệp gắn bó và mở rộng kinh doanh.
Thật vậy, hội nhập kinh tế ASEAN chính là một nhân tố thay đổi luật chơi trong khu vực Đông Nam Á. Hơn một thập kỷ trước, hầu như tất cả công ty nước ngoài lớn đến châu Á thường lựa chọn Trung Quốc và Ấn Độ để xây dựng nhà máy sản xuất hay cơ sở hoạt động. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xu hướng này đã bắt đầu thay đổi khi ASEAN đang ngày càng trở nên dễ tiếp cận hơn và cạnh tranh về giá cả hơn bằng việc đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực và các biện pháp xây dựng AC.
Với sự ra đời của AC, ASEAN đang bước vào một giai đoạn mới của hội nhập kinh tế khu vực trong 10 năm tiếp theo. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27, “Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC đến năm 2025” đã được đưa ra cùng với Kế hoạch xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC) và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC) đến 2025. Ba kế hoạch tổng thể định hướng cho ASEAN trong thập kỷ tới (2016-2025) tiếp tục đưa ASEAN trở thành một khu vực kinh tế hội nhập và gắn kết chặt chẽ ở mức độ cao; cạnh tranh, sáng tạo và năng động; hội nhập và hợp tác toàn diện hơn trên các lĩnh vực; kiên định hơn, bao trùm hơn, hướng về người dân, lấy người dân làm trung tâm hơn; hội nhập tốt hơn với các cộng đồng trên thế giới.