Liên hợp quốc cảnh báo tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng tại Afghanistan. (Nguồn: OCHA) |
Trong thông báo, OCHA cho biết 16 triệu người Afghanistan sẽ cần viện trợ nhân đạo vào năm 2021. Trong hơn 5 năm qua, tình trạng an ninh lương thực tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá này ngày càng đi xuống. Tỷ lệ mất an ninh lương thực tăng gấp đôi từ 37% vào năm 2015 lên 76% vào năm 2020.
Số người rơi vào cuộc khủng hoảng hay tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp tăng từ 13,9 triệu người vào tháng 11/2019 lên 16,9 triệu người, tương đương 42% dân số, vào tháng 11/2020.
Theo OCHA, nhiều người dân Afghanistan đang cạn kiệt năng lực đối phó với các vấn đề tài chính, xã hội và tinh thần do xung đột kéo dài hoặc thiên tai liên tiếp xảy ra.
Trong khi đó, những hậu quả về kinh tế và xã hội do dịch Covid-19 gây ra lại làm gia tăng những rủi ro đối với các gia đình dễ bị tổn thương.
Bảng xếp hạng An ninh lương thực 2010 được LHQ công bố hồi cuối tháng 8 năm nay cho thấy Afghanistan và các nước châu Phi ở phía Nam sa mạc Sahara đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng vì hạn hán và lụt lội.
Theo cuộc khảo sát có tựa đề “Chỉ số nguy cơ an ninh lương thực năm 2010”, Afghanistan đứng đầu trong số 10 quốc gia có nguy cơ lớn nhất về an ninh lương thực, tiếp theo là 9 nước châu Phi như CHDC Congo, Burundi, Eritrea, Sudan, Ethiopia, Angola, Liberia...
Đánh giá rủi ro được dựa trên 12 yếu tố, bao gồm khả năng sản xuất thực phẩm có nguồn gốc từ ngũ cốc, khả năng phân phát lương thực và tác động của điều kiện thời tiết khắc nghiệt đối với việc sản xuất lương thực, nguy cơ xung đột, chất lượng hạ tầng nông nghiệp, tính hiệu quả trong hoạt động của chính phủ...