Cơ hội của Taliban
Gây ra những cuộc nội chiến liên miên, Taliban từng được biết đến như một thế lực thống trị cực đoan, độc đoán và tàn bạo. Dưới thời Taliban, người dân Afghanistan lâm vào cảnh khốn cùng, sống trong đói nghèo, bạo lực, bị tước đi những quyền cơ bản nhất và bị bóp nghẹt bởi những luật lệ Hồi giáo cực kỳ hà khắc.
Từ Afghanistan, tổ chức al-Qaeda đã được nuôi dưỡng và lớn mạnh. Taliban đã chứa chấp trùm khủng bố Osama bin Laden và chính tại đất nước Nam Á này, hắn đã cùng đồng minh Taliban đẻ ra kế hoạch thực hiện vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhất lịch sử thế giới ngày 11/9/2001.
Sau vụ việc này, Taliban nhanh chóng trở thành kẻ thù không đội trời chung của Mỹ và vào tháng 10/2001, Mỹ và các nước đồng minh tiến hành “cuộc chiến chống khủng bố” tại Afghanistan. Chỉ khoảng hai tháng sau, chính quyền Taliban ở Afghanistan đã chính thức bị loại bỏ.
Các binh sĩ Mỹ tại Afghanistan. (Nguồn: AFP). |
Sự sụp đổ của chính quyền Taliban mở ra một tương lai đáng hy vọng hơn cho Afghanistan, dù Taliban vẫn tiếp tục gây rối loạn đất nước bằng những cuộc tấn công chống phá. Các chỉ số kinh tế - xã hội ảm đạm đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc. Tình hình nhân đạo được cải thiện nhanh chóng. Người dân có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với giáo dục, y tế, điện năng… cùng với đó là cơ sở hạ tầng được nâng cấp từ thành thị đến nông thôn.
Tuy nhiên, những thành tựu mà Afghanistan cùng cộng đồng quốc tế gặt hái được một cách khó khăn trong 15 năm qua đang có nguy cơ bị phá vỡ, sau khi Mỹ rút quân và chấm dứt sứ mệnh chiến đấu vào tháng 12/2014, để lại một khoảng trống an ninh. Taliban đã nhanh chóng lợi dụng cơ hội này để nổi lên.
Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Mỹ, năm 2015, Taliban đã thực hiện 1.093 cuộc tấn công tại Afghanistan, cướp đi sinh mạng của hơn 4.400 người và làm bị thương 4.600 người khác. Taliban cũng đang kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn nhất tại Afghanistan kể từ năm 2001 đến nay.
Mỹ tiến thoái lưỡng nan
Mỹ từng tràn trề hy vọng khi tiêu diệt được thủ lĩnh tối cao của lực lượng Taliban - Mullah Akhtar Mansour trong một cuộc không kích ở Pakistan vào ngày 21/5 vừa qua. Khi đó, nhiều quan chức Mỹ cho rằng, cái chết của Mansour sẽ mở ra cánh cửa hoà bình cho Afghanistan. Tuy nhiên, hy vọng này nhanh chóng tan biến bởi thủ lĩnh mới của Taliban - Mullah Haibatullah Akhundzada còn tỏ ra hiếu chiến hơn.
Bản thân chính phủ của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani hiện nay cũng giữ lập trường cứng rắn với Taliban. Sau khi xảy ra vụ đánh bom tự sát đẫm máu ở thủ đô Kabul hồi giữa tháng 4/2016, Tổng thống Ghani quyết tâm phát động một cuộc chiến tranh toàn diện nhằm vào Taliban, thẳng thừng gạt sang một bên tiến trình hoà bình từng đạt được một số kết quả tích cực.
Trong bối cảnh này, Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải hành động để cứu vãn tình hình bởi nếu không, nguy cơ hơn một thập kỷ tham chiến của nước này ở Afghanistan với bao nhiêu xương máu và tiền bạc sẽ nhanh chóng đổ xuống sông, xuống biển.
Ngày 9/6, Tổng thống Barack Obama ra quyết định cho phép quân đội mở rộng vai trò tại Afghanistan nhằm ngăn chặn bước tiến đang hừng hực khí thế của Taliban. Theo đó, quân đội Mỹ giờ đây có thể tham gia vào các chiến dịch tấn công cùng với lực lượng an ninh Afghanistan nếu điều đó được cho là có “tác động chiến lược”. Nói thẳng ra, giờ đây quân Mỹ lại tiếp tục chiến đấu ở Afghanistan dù nhiệm vụ này bị hạn chế.
Quyết định của ông Obama không bất ngờ bởi tình hình an ninh ở Afghanistan đang thực sự nghiêm trọng và Taliban đạt được bước tiến trên khắp các chiến trường. Năm ngoái (2015), sự thất thủ của thành phố Kunduz trước các tay súng Taliban được xem là lời kêu gọi thức tỉnh đối với chính phủ Afghanistan và cả chính quyền Obama. Thất bại trên cũng là lời nhắc nhở với Mỹ về kế hoạch tiếp tục rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2017 có thể là quyết định không khôn ngoan.
Mỹ rõ ràng đang bị đẩy vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Washington muốn theo đuổi tiến trình hoà bình, kết thúc sứ mệnh chiến đấu ở chiến trường mà họ đã sa lầy suốt hơn một thập kỷ qua. Việc Mỹ phải mở rộng vai trò của lực lượng quân đội ở Afghanistan cho thấy, tiến trình đàm phán hoà bình giữa chính phủ Afghanistan và Taliban không thành công. Như vậy, con đường có thể lựa chọn ở đây chỉ là chiến tranh. Mỹ hoàn toàn không muốn tiếp tục mắc kẹt trong một cuộc chiến tranh đã từng khiến họ tổn thất rất nhiều về con người cũng như về tài chính này, nhất là khi cuộc chiến đó khó có thể thắng được.
Với những diễn biến như trên, tình hình Afghanistan rõ ràng là đang bế tắc mọi hướng. Tiến trình hoà bình đứng trước nguy cơ đổ vỡ, và Mỹ cùng Afghanistan sẽ quay về biện pháp quân sự. Triển vọng để biện pháp này thành công là khá mong manh, mà thay vào đó sẽ là một cuộc chiến kéo dài dai dẳng không hồi kết với tổn thất ngày một chất chồng.