Hãng tin TOLO News dẫn nguồn thạo tin ngày 2/9 cho biết, Taliban đang lên kế hoạch giáng "đòn cuối cùng" vào lực lượng kháng chiến ở tỉnh Panjshir.
Các binh sĩ mới được tiếp nhận trong lực lượng an ninh Afghanistan tham gia huấn luyện ở khu vực Bandejoy của huyện Dara, tỉnh Panjshir ngày 21/8. (Nguồn: Getty) |
Theo đó, Taliban được cho là sẽ sử dụng những tay súng thiện chiến nhất, những khí tài tốt nhất để thực hiện đợt tổng tấn công nhằm giành quyền kiểm soát vùng lãnh thổ cuối cùng ở Afghanistan này.
Thông tin được đưa ra giữa lúc cả Taliban và Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan (NRF) ở tỉnh Panjshir đều công bố tổn thất của đối phương trong các cuộc giao tranh khốc liệt hai ngày qua.
Người phát ngôn NRF Fahim Dashti ngày 2/9 cho biết, lực lượng này đã bàn giao 40 thi thể tay súng Taliban thông qua các già làng ở Gulbahar - cửa ngõ Panjshir.
Ông Fahim Dashti cũng cho biết, Taliban đã thực hiện một số đợt tấn công và tìm cách xâm nhập vào Panjshir nhưng đều bị đẩy lùi. Ông khẳng định thêm, hiện tại phe kháng chiến vẫn kiểm soát tất cả các lối vào Panjshir.
Người phát ngôn NRF nói: "Kẻ thù (Taliban) đã nhiều lần tìm cách từ Jabul-Saraj xâm nhập Shotul nhưng đều thất bại. Những tổn thất nặng nề cho thấy Taliban không thể giải quyết vấn đề này thông qua chiến tranh".
Trong khi đó, người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid cho biết, các cuộc tấn công ngày 1-2/9 của Taliban khiến ít nhất 34 thành viên phe kháng chiến thiệt mạng. Taliban cũng tuyên bố chiếm giữ 11 tiền đồn ở phía bắc tỉnh Panjshir và hiện Panjshir đã bị bao vây từ mọi phía.
Những con số tổn thất mà hai bên đưa ra hiện tại đều chưa thể kiểm chứng.
Taliban bao vây Panjshir hơn một tuần qua, nhưng các cuộc giao tranh chỉ bắt đầu khốc liệt khoảng hai ngày trở lại đây khi các cuộc hòa đàm nhằm thành lập một chính phủ toàn diện mới ở Afghanistan rơi vào bế tắc.
Trong khi Taliban đề xuất cho phe kháng chiến nắm một đến hai vị trí trong nội các, chỉ huy NRF Ahmad Massoud yêu cầu phải có 30% đại diện của phe kháng chiến trong chính phủ mới. Ngoài ra, NRF cũng đưa ra một số yêu cầu khác, trong đó có việc lực lượng kháng chiến được giữ lại vũ khí.
Giới chuyên gia nhận định, các cuộc giao tranh sẽ không có lợi cho cả hai bên và điều quan trọng lúc này là Taliban và phe kháng chiến ở Panjshir nên nối lại đàm phán.
Ông Ishaq Gailani, người đứng đầu Phong trào Đoàn kết Dân tộc Afghanistan, nói: "Theo tôi, Taliban nên đưa ra thêm một số nhượng bộ, kéo dài đàm phán và tránh đưa ra những quyết định xung đột vội vàng".
Taliban giành quyền kiểm soát hầu hết Afghanistan từ hôm 15/8 sau một chiến dịch tiến công nhanh chóng. Ngoài thách thức từ phong trào kháng chiến Panjshir, Taliban hiện phải đối mặt với hàng loạt thách thức như lập một chính phủ toàn diện để được quốc tế công nhận và khôi phục nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột, đại dịch.
Ông Gunnar Wiegand, Giám đốc điều hành khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Ủy ban châu Âu (EC), hôm 1/9 cho biết, EU "sẽ không vội vàng công nhận chính quyền Taliban, cũng như thiết lập quan hệ chính thức".
Quan chức này cho rằng điều kiện quan trọng cho các mối quan hệ chính thức giữa EU với Taliban đó là lực lượng này phải lập ra chính phủ chuyển tiếp có tính đại diện và toàn diện cho người dân Afghanistan.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 2/9 cũng tuyên bố, Moscow sẽ cân nhắc công nhận chính quyền mới của Afghanistan khi một chính phủ toàn diện được lập ra tại quốc gia này.
Bà Zakharova nói: "Chúng tôi kêu gọi lập ra một chính phủ toàn diện ở Afghanistan bao gồm tất cả các thành phần dân tộc, lực lượng chính trị".