📞

Afghanistan: Trung Quốc trước lựa chọn mới

Đức Khải 09:45 | 18/07/2021
Việc Mỹ ngậm ngùi rút khỏi Afghanistan sau cuộc chiến 20 năm sẽ để lại khoảng trống chiến lược cho nhiều “ông lớn”, đặc biệt là Trung Quốc. Nhưng ở một xứ sở vốn khốc liệt như Afghanistan, sẽ không chỉ có niềm vui cho những người thay thế Mỹ.
Việc Mỹ rút khỏi Afghanistan sẽ để lại khoảng trống chiến lược cho nhiều nước lớn, trong đó có Trung Quốc. (Nguồn: CNBC)

Sau vụ tấn công tàn khốc ngày 11/9, Mỹ bắt đầu đưa quân đến Afghanistan nhằm tiêu diệt khủng bố và dựng lên một chính quyền thân Mỹ. Nhưng nước Mỹ đã quên rằng, Afghanistan bí ẩn và khốc liệt đã từng là tử địa cho các siêu cường trong lịch sử, từ Alexandar Đại đế đến đế chế Anh rồi Liên Xô và giờ đây là Mỹ.

Lợi mới lo cũ

Việc Mỹ sa lầy tại Afghanistan hơn hai thập niên có thể là kịch bản mà Trung Quốc và một vài quốc gia khác vừa muốn kéo dài lại vừa muốn kết thúc. Trung Quốc muốn kéo dài để “nhường” sự ác liệt ở Afghanistan cho Mỹ và đồng minh nhằm rảnh chân tập trung vào hạn chế sự lớn mạnh của các nhóm khủng bố vốn “ghét” Bắc Kinh, thuận lợi cho việc triển khai Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Nhưng mở rộng BRI qua Afghanistan thì nỗi lo lớn nhất của Trung Quốc lại là an ninh, là các nhóm thánh chiến ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Việc giữ chân Mỹ và đồng minh tại Afghanistan đã mang lại lợi ích cho Trung Quốc về nhiều mặt, cho phép Trung Quốc mở rộng BRI tới khu vực bộ lạc Balochistan của Pakistan và khu vực Trung Á và giảm thiểu áp lực khủng bố từ các phần tử thánh chiến.

Nhưng giờ đây, việc Mỹ rút khỏi Afghanistan sẽ tạo điều kiện cho Taliban và các nhóm thánh chiến có không gian hoạt động rộng hơn, hồi sinh sức mạnh nhanh hơn. Taliban tuyên bố đã chiếm được hơn 85% lãnh thổ Afghanistn chỉ trong vòng 60 ngày từ khi Mỹ rút quân.

Điều này khiến Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với nguy cơ khủng bố cao hơn và phải tính lại kế hoạch Afghanistan hậu Mỹ.

Nhóm ly khai Baloch và Sindhi ở Pakistan đã gia tăng tấn công vào lợi ích Trung Quốc, đặc biệt là các dự án thuộc Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) – dự án trọng điểm của BRI ở Nam Á, thậm chí tấn công cả Đại sứ Trung Quốc tại Pakistan khi ông này đi thị sát CPEC tại tỉnh Balochistan.

Thủ lĩnh phong trào Hồi giáo Turkestan cũng đã bắt đầu chuyển các chiến binh Duy Ngô Nhĩ từ tỉnh Idlib của Syria đến sát Tân Cương.

Thế chân vạc mới

Một trong những hạn chế trong quan hệ Trung Quốc - Afghanistan là chưa có kết nối đường bộ. Nếu giữa hai nước có kết nối như vậy thì tình hình chính trị và an ninh hiện nay ở Afghanistan đã khác rất nhiều và phong trào cánh tả ở Afghanistan vốn nghiêng về Trung Quốc cũng đã không biến mất từ những năm 1980. Mỹ có thể cũng không bị cầm chân ở Afghanistan lâu như vậy.

Tuy Trung Quốc và Afghanistan có chung đường biên giới dài trên 74 km nhưng chỉ có thể kết nối qua con đèo duy nhất ở độ cao 5.000 mét là Wakhjir. Tuy nhiên, đèo Wakhjir lại không phải là một điểm giao cắt chính thức và không có đường dẫn từ phía Afghanistan cho dù đây là một phần của Con đường Tơ lụa.

Để chuẩn bị cho một Afghanistan hậu Mỹ, Bắc Kinh đã bắt đầu mở rộng BRI trên lãnh thổ Afghanistan với sự hậu thuẫn của Pakistan. Chính phủ Afghanistan cũng đã nhanh chóng làm một con đường dài 50 km, trị giá 5 triệu USD trên địa hình gồ ghề để lần đầu tiên kết nối được với Trung Quốc bằng đường bộ.

Afghanistan ban đầu không nằm trong BRI do lo ngại về an ninh. Nhưng giờ đây, Bắc Kinh đã có thể mở rộng BRI đến Afghanistan thông qua CPEC với sự hậu thuẫn của Pakistan. Năm 2016, Trung Quốc và Afghanistan đã ký thỏa thuận về ba lĩnh vực mà Afghanistan có lợi thế đặc biệt cho BRI là vận chuyển hàng hóa, năng lượng và dữ liệu số.

Đến nay, hai bên đã thực hiện một số dự án như Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số, Dự án Vận tải Đường sắt đặc biệt Trung Quốc - Afghanistan, hành lang hàng không Kabul - Urumqi… Thủ lĩnh Taliban gần đây cũng tuyên bố có quan hệ tốt với Bắc Kinh, hoan nghênh Trung Quốc đầu tư vào Afghanistan và sẵn sàng đàm phán, đảm bảo an ninh cho các lợi ích của Trung Quốc.

Sức hấp dẫn của Afghanistan

Bên cạnh lợi ích về kinh tế, khi Afghanistan kết nối trực tiếp với Trung Quốc, mối quan hệ chính trị giữa Kabul với Bắc Kinh cũng sẽ được cải thiện. Khi đó, môi trường an ninh và ổn định chính trị ở Afghanistan sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Afghanistan với chỉ khoảng 1,19 tỷ USD nhưng con số này sẽ tăng gấp ba mỗi năm nếu an ninh được bảo đảm.

Afghanistan là quốc gia giàu tài nguyên được ước tính có giá trị trên ba nghìn tỷ USD. Các tài nguyên này có thể trở thành nguồn FDI lớn và đóng góp đáng kể như một nguồn nguyên liệu lớn cho tất cả các thành viên BRI. Afghanistan có vị trí địa chính trị nằm giữa Nam Á, Trung Á, Trung Quốc và Trung Đông, có thể liên kết tất cả các khu vực này và đặc biệt thuận lợi trong vận chuyển từ Trung Á giàu năng lượng sang Nam Á nghèo năng lượng.

Nhưng để có được những lợi thế đó, Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt về an ninh bởi khi ảnh hưởng của Taliban lớn mạnh trở lại, có thể Bắc Kinh sẽ phải đương đầu với những cuộc tấn công của Taliban và các phong trào Hồi giáo cực đoan khác.