📞

Ai cần được đào tạo tiến sĩ?

08:56 | 10/12/2017
Gần đây, dư luận dậy sóng với đề án chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo 9.000 tiến sĩ. Trước hết, cần phải làm rõ nhiệm vụ của các tiến sĩ và những người nghiên cứu khoa học. 

Thứ nhất, những người nghiên cứu khoa học không nằm trong sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà thuộc sự quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ. Thế thì ngành giáo dục chỉ có nhiệm vụ đào tạo ra các tiến sĩ, còn sau đó họ làm gì là nhiệm vụ của ngành khoa học công nghệ. Cũng giống như việc ngành giáo dục đào tạo ra các y sĩ, bác sĩ nhưng lại không quản lý việc chữa bệnh của y bác sĩ.

Ai cần được đào tạo tiến sĩ?

Thứ hai, mục đích của nghiên cứu là đưa ra một đề xuất, một hướng nghiên cứu – hướng đó có thể thành công hoặc thất bại. Nhưng thất bại đó cũng không phải là vô giá trị bởi để người sau không làm việc đó nữa.

Nghĩa là họ có thể đưa ra rất nhiều sáng kiến khác nhau, để xem có phù hợp, có thực hiện được không? Một điều nữa, có rất nhiều nghiên cứu mà hiện tại là rất khó hiểu thế nhưng về sau lại có thể vô cùng hữu ích.

Như trường hợp hai nhà khoa học Nicolaus Copernicus và Galileo Galilei khẳng định Trái đất quay quanh Mặt trời. Họ đã vấp phải sự phản đối dữ dội, thậm chí bị nhốt vào ngục do thời đó, người ta thấy nghiên cứu của họ là vô bổ, gây xáo trộn vì đi ngược lại quan điểm “địa tâm”. Nhưng sau này, loài người đã phải cảm ơn và ghi nhận những sáng kiến của họ. 

Đề cập đến nghiên cứu của PGS. Bùi Hiền xôn xao thời gian qua bị dư luận đả kích và chỉ trích nặng nề do thấy vô lý và vô bổ. Mọi người cho rằng, bây giờ những nghiên cứu ấy không những không bảo tồn văn hóa dân tộc, không thực tiễn, không giá trị mà còn làm hỏng đi tiếng Việt. Thế nhưng, biết đâu đến một lúc nào đó trong tương lai, những nghiên cứu của ông lại có giá trị thì sao?

Dư luận vẫn thường lên tiếng chỉ trích chuyện ở ta có hàng chục nghìn tiến sĩ nhưng không nghĩ ra cái gì, thua sáng chế của các anh nông dân. Tôi khẳng định không phải như thế, các nhà nghiên cứu ở mọi lĩnh vực của ta cũng đã nghĩ ra rất nhiều thứ có ích. Ngoài những thứ mà mọi người cho rằng “trên mây trên gió” phải vài chục, vài trăm năm sau mới thấy có giá trị, thì còn có những cái mang giá trị ngay tức thời.

Chúng ta hãy nhìn lại những năm 80 của thế kỷ trước, nước mình đói như thế nào, bởi vì khi đó chỉ có một vài giống lúa. Ngành nông nghiệp đã sáng tạo ra nhiều giống lúa khác nhau, phù hợp với điều kiện khí hậu nước mình. Do vậy, Việt Nam đã vươn lên là đất nước đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo.

Mấy người biết rằng, người nghĩ ra chất nhét vào tim để chữa căn bệnh tim bẩm sinh là người Việt Nam? Tôi là một trong những bệnh nhân được thừa hưởng nghiên cứu khoa học ấy. GS. TS. Nguyễn Hoàng Trí - nhân tài đất Việt là người đã đưa Việt Nam vào danh sách các khu bảo tồn thiên nhiên thế giới. Như vậy để thấy rằng, các nhà khoa học Việt Nam không hề kém cỏi...

Quay lại câu chuyện đào tạo 9.000 tiến sĩ, tôi nghĩ, đấy không phải là chủ trương tệ mà quan trọng là chúng ta dành vị trí tiến sĩ ấy cho ai? Trước hết, những quan chức hoặc người làm công tác quản lý có cần phải trở thành tiến sĩ hay không? Chúng ta phải xem xét và quy định là số tiền này sẽ dành đào tạo tiến sĩ ở những vị trí nào?

Tôi cũng từng được tham gia chương trình học bổng 322 đi học ở nước ngoài. Có thể nói, số lượng các tiến sĩ đi và về rất cao. Điều đáng nói, người được đào tạo không phải chỉ đóng góp cho ngành giáo dục mà họ đóng góp cho tất cả các ngành.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, dư luận đang gom và biến nhiều vấn đề xã hội thành trách nhiệm của ngành giáo dục. Đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ là đề án liên quan đến nhiều ngành. Ngay cả đề xuất của PGS. Bùi Hiền cũng là nghiên cứu khoa học. Vì vậy, mọi người hãy nên sống chậm một chút, đừng vội “chụp mũ”, mà hãy tỉnh táo phân định kỹ hơn, rõ ràng hơn, trên tinh thần đóng góp ý kiến và phản biện một cách khoa học.