📞

Ai Cập chứng tỏ vai trò then chốt trong khu vực, hối thúc rút mọi lực lượng nước ngoài khỏi Libya

Bảo Minh 11:34 | 15/07/2024
Ngày 14/7, Bộ trưởng Ngoại giao, di cư và các vấn đề kiều dân Ai Cập Badr Abdelatty đã kêu gọi rút tất cả lực lượng nước ngoài và lính đánh thuê ra khỏi lãnh thổ Libya trong một khung thời gian cụ thể.
Bộ trưởng Ngoại giao, di cư và các vấn đề kiều dân Ai Cập Badr Abdelatty (phải) gặp Đại biện lâm thời Phái đoàn hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) Stephanie Khoury ở Cairo, ngày 14/7. (Nguồn: Ahram Online)

Tờ Ahram Online cho hay, lời kêu gọi trên được ông Abdelatty đưa ra trong cuộc gặp với Đại biện lâm thời Phái đoàn hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) Stephanie Khoury ở Cairo, nhấn mạnh rằng, việc rút các binh sĩ nước ngoài khỏi Libya sẽ đảm bảo sự thống nhất, an toàn và ổn định của quốc gia Bắc Phi này.

Ông khẳng định, Ai Cập sẽ tiếp tục nỗ lực giúp các đảng phái ở Libya đạt được sự hòa giải và thúc đẩy một giải pháp dựa trên sự đồng thuận của các phe phái ở nước này, cho đến khi các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội ở Libya được tổ chức.

Theo Ngoại trưởng Abdelatty, Cairo mong muốn tăng cường hợp tác với bà Khoury để góp phần vào sự thành công của UNSMIL cũng như giúp đạt được một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Libya.

Về phần mình, bà Khoury đánh giá cao vai trò then chốt của Ai Cập trong khu vực, đặc biệt là các vấn đề liên quan cuộc khủng hoảng Libya. Bà cũng bày tỏ mong muốn phối hợp chặt chẽ với Cairo để thiết lập sự ổn định bền vững trên khắp lãnh thổ Libya.

Libya vẫn đang vật lộn để phục hồi sau nhiều năm xung đột và hỗn loạn sau cuộc chính biến lật đổ nhà độc tài Moamer Kadhafi vào năm 2011.

Kể từ khi các cuộc bầu cử quốc gia của Libya, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 12/2021, bị hủy vào phút cuối, các phe phái ở quốc gia Bắc Phi chưa thể giải quyết được những điểm còn tồn tại để mở đường cho tiến trình lập pháp quan trọng này.

Libya hiện bị chia rẽ giữa một chính phủ được Liên hợp quốc công nhận có trụ sở tại Tripoli và một chính quyền đối địch ở miền Đông. Quốc gia giàu dầu mỏ đã chứng kiến nhiều cuộc đụng độ giữa các nhóm vũ trang.