Các đại biểu dự lễ khởi công xây dựng lò phản ứng thứ 2 của dự án El-Dabaa - nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Ai Cập. (Nguồn: Ahram) |
Ông Mohamed Shaker, Bộ trưởng Điện lực Ai Cập và ông Alexey Likhachov, Tổng giám đốc Công ty Rosatom của Nga - đơn vị xây dựng nhà máy hạt nhân El-Dabaa, Alexey Likhachov tham dự buổi lễ.
Phát biểu tại lễ khởi công, Bộ trưởng Shaker cho biết, các chuyên gia Ai Cập và Nga chịu trách nhiệm thực hiện dự án đã thể hiện mức độ chuyên nghiệp cao nhất và hai bên rất mong đợi rằng dự án sẽ hoàn thành trước thời hạn.
Theo Tổng giám đốc Rosatom Likhachov, dự án El-Dabaa sẽ có tác động quan trọng đến đời sống kinh tế và xã hội của Ai Cập, đồng thời giúp quốc gia Bắc Phi dần chuyển sang các nguồn năng lượng ít carbon và mở đường cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Việc khởi công lò phản ứng hạt nhân thứ 2 của dự án El-Dabaa diễn ra chưa đầy 4 tháng sau khi Ai Cập và Nga đặt nền móng bê tông của lò phản ứng đầu tiên hôm 20/7 và trước 2 tháng so với kế hoạch.
Theo ông Amgad El-Wakil, Chủ tịch Cơ quan quản lý các nhà máy điện hạt nhân của Ai Cập, lò phản ứng hạt nhân đầu tiên sẽ đi vào hoạt động vào năm 2028.
Nằm cách thành phố Alexandria 135 km về phía Tây Nam và cách thủ đô Cairo 320 km về phía Tây Bắc, nhà máy El-Dabaa là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Ai Cập và được thiết kế để tạo ra năng lượng hạt nhân cho các mục đích hòa bình với sự hợp tác của Rosatom.
Theo kế hoạch, 4 lò phản ứng của nhà máy dự kiến sẽ hoạt động với công suất tối đa 4.800 MW - với mỗi lò phản ứng tạo ra 1.200 MW - vào năm 2030.
Theo nhiều báo cáo khác nhau, dự án nhà máy điện hạt nhân El-Dabaa có mức đầu tư khoảng 30 tỷ USD. Dự án này đang được tài trợ thông qua khoản vay trị giá 25 tỷ USD do Nga cung cấp, tương đương với 85% tổng giá trị dự án, trong khi 15% còn lại sẽ được chi bởi vốn đối ứng của Ai Cập.
Ai Cập sẽ bắt đầu hoàn trả khoản vay của Nga vào năm 2029, với lãi suất 3%/năm.