Nhiều người không hiểu nổi việc làm của nam thanh niên này. Có người tỏ ra thương cảm nhưng cũng có ý kiến chê trách: "Sức dài vai rộng sao phải khổ sở tìm việc làm đến thế". Được biết, anh này bỏ học từ năm lớp 6, muốn đi làm nhưng luôn bị từ chối vì không có bằng cấp.
Theo quan điểm của cá nhân tôi thì anh chàng quỳ gối xin việc ở Hà Nội chẳng có gì đáng trách. Anh hạ mình vì tuyệt vọng trong quá trình đi xin việc. Nhưng đằng sau hành động ấy chính là khát khao được lao động. Anh khóc khi kể lại sai lầm bỏ học. Anh chẳng hề xin ai bố thí mà hiểu rất rõ rằng mình làm việc để kiếm tiền.
Cách đây ít lâu, đoạn video ghi lại cảnh một nhóm người tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP. Hồ Chí Minh cũng bị cộng đồng mạng phản ứng kịch liệt. Họ đứng thành vòng tròn rồi lần lượt hét lớn (với thái độ vô cùng nghiêm túc): “Tôi tên là... Mục tiêu của tôi là trở thành tỷ phú dollar trong năm 2016. Tôi xứng đáng đạt được điều đó vì tôi hành động bất chấp tất cả, bất chấp khó khăn".
Tôi đồng ý với việc phải luôn nhắc nhở bản thân để đạt được mục tiêu đề ra. Nhưng tại sao họ lại nghĩ rằng làm giàu là việc đơn giản đến thế? Đầu năm còn là sinh viên, cuối năm trở thành triệu phú... Việc làm giàu chỉ đơn giản như úp bát mỳ ăn liền thế ư?
Tôi không phủ nhận những kỹ năng sống, kỹ năng làm việc của các khóa học làm giàu, các cuốn sách làm giàu. Nhưng nếu không tỉnh táo, người đọc/người nghe có thể sẽ ngây thơ tin rằng bản thân mình hoàn toàn điều khiển số phận giàu nghèo bằng những bí quyết được đúc kết. Và thế là, cuộc sống với hàng nghìn mối quan hệ, hàng vạn yếu tố khách quan được giải mã dễ như toán đố tiểu học. Thêm vào đó, ý nghĩ phải vươn lên bằng mọi giá của các thanh niên ở phố Nguyễn Huệ dễ khiến con người giẫm đạp lẫn nhau để tranh giành tiền bạc. Đơn giản vì họ lấy đồng tiền làm lẽ sống và tin rằng mục tiêu tối thượng trong đời là làm giàu.
Chắc hẳn, ai trong chúng ta cũng ít nhất một lần phải nói chuyện với các nhân viên bán hàng đa cấp. Trong số những nhân viên này, rất nhiều người là cử nhân đại học. Dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng họ luôn thao thao bất tuyệt về thành công của cuộc đời với một công việc mà không phải làm lụng vất vả, không cần kinh nghiệm, không bị ràng buộc thời gian...
Quỳ gối để xin được đi làm và đứng thẳng để tuyên bố rằng mình không lao động mà vẫn kiếm được tiền. Theo các bạn, ai mới là người đáng trách? Ai mới là mối nguy cho xã hội?