Những quan điểm trái ngược
Khác với Hiệp Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận thương mại RCEP không được đánh giá cao về chất lượng. Nhiều ý kiến cho rằng, Hiệp định này chỉ tập trung vào việc giảm thuế giữa các nước trong ASEAN và các nước láng giềng của khối mà không chú ý đến các tiêu chuẩn khác.
Hiện RCEP là đàm phán thương mại tự do lớn nhất và thu hút mối quan tâm của các nước. (Nguồn: Aseantuc.org) |
Là một trong những nền kinh tế lớn trong Hiệp định, thành viên Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy đàm phán RCEP càng nhanh càng tốt. Trong khi đó, các quan chức Nhật Bản và ASEAN lại cho rằng RCEP không nên để cho Trung Quốc dẫn dắt. Có ý kiến cho rằng, sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Bắc Kinh đang muốn vươn tới vai trò như người bảo vệ cho tự do thương mại toàn cầu. Còn Nhật Bản và Australia lại muốn có một thỏa thuận thương mại "chất lượng cao" bao gồm cả các lĩnh vực như dịch vụ - đầu tư, nên vẫn nuôi hy vọng Mỹ sẽ quay trở lại với TPP.
Những quan điểm trái ngược trên đã dẫn tới một cuộc ganh đua giữa một bên là Nhật Bản, Australia và bên kia là Trung Quốc trong việc tạo ra một thỏa thuận có khả năng kiến tạo khuôn mẫu thương mại toàn cầu, hội nhập kinh tế tại khu vực đông dân nhất thế giới và khiến các chuỗi cung ứng của khu vực này trở nên cạnh tranh hơn.
Giới quan sát đánh giá rằng, điều này sẽ gây ra những hậu quả nặng nề cho chiến lược và hoạt động kinh doanh của Mỹ tại khu vực. Một chuyên gia tham gia đàm phán Nhật Bản cho rằng, nếu như những năm trước mọi người đều hướng tới TPP thì bây giờ RCEP là đàm phán thương mại tự do lớn nhất và thu hút mối quan tâm của các nước.
Món quà lớn của ông Trump
Làm thế nào để đàm phán có hiệu quả sẽ là chủ đề quan trọng tại một cuộc họp ở Chile trong tuần này. Các nền kinh tế là thành viên TPP, Trung Quốc và một số nước khác sẽ bàn về tương lai chương trình nghị sự thương mại trên vành đai Thái Bình Dương. Mỹ trước đây là nước dẫn dắt cho cuộc thương thảo này, đã quyết định không cử quan chức cấp cao mà chỉ cử đại sứ tham dự.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh rút khỏi TPP. (Nguồn: Reuters) |
TPP trải dài Thái Bình Dương từ Mỹ đến Australia, Nhật Bản và Việt Nam, còn RCEP chỉ xây dựng trên những thỏa thuận thương mại đang có giữa 10 nước ASEAN với 6 nước láng giềng, gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ. Vì mục tiêu hàng đầu của TPP là đưa ra những nguyên tắc thương mại chất lượng cao trong các lĩnh vực như đầu tư hay sở hữu trí tuệ nên khi ông Trump tuyên bố từ bỏ TPP một số quan chức Trung Quốc đã không giấu nổi sự hân hoan.
Jin Yi’nan - Cựu giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc từng nói rằng, “ông Trump đã cho chúng tôi một món quà lớn”. Ông Jin cho rằng, TPP được đưa ra là để kiềm chế Trung Quốc về phương diện kinh tế, các nước tham gia TPP phối hợp với nhau để nhắm vào Trung Quốc. Còn đối với Bắc Kinh, có được RCEP sẽ là một cách để loại trừ ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực.
Hiện tại, Trung Quốc đang muốn đạt được thỏa thuận sớm vào cuối năm 2017, nhưng Nhật Bản và Australia thì không muốn vội vàng như vậy. Một quan chức Nhật Bản tham gia đàm phán cho rằng, nếu không để các nước ASEAN có đủ thời gian thì thỏa thuận này sẽ chỉ có chất lượng thấp. Cả hai bên đều đang ra sức thuyết phục lôi kéo các nước ASEAN, đặc biệt là Philippines - nước sẽ giữ ghế chủ tịch năm nay, và Indonesia - nước đứng ra tổ chức các cuộc hội đàm.
Nếu như các nước ASEAN đưa ra quyết định của mình, Nhật Bản và Trung Quốc sẽ phải đi theo hướng của ASEAN để đạt được thỏa thuận. Còn theo một chuyên gia Việt Nam từng tham gia đàm phán TPP, quan điểm của Trung Quốc không phải là vấn đề đối với Việt Nam, bởi “RCEP là một hiệp định đa phương, Trung Quốc không thể đóng vai trò độc quyền, áp dụng luật của mình lên các đối tác khác, đặc biệt với các nước như Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc".
Ấn Độ, có những mối quan tâm khác nhau đối với các nước tham gia RCEP. Ấn Độ có thể miễn cưỡng để cho các nhà sản xuất Trung Quốc có được những điều khoản nhập khẩu giống như các nước ASEAN áp dụng cho Trung Quốc, vì nhắm tới những cơ hội tăng cường thương mại dịch vụ tại các nước ASEAN. Bên cạnh đó, nếu như thỏa thuận RCEP đạt được, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể có những lợi thế hơn để tiến vào thị trường ô tô của Việt Nam và đó cũng là điều mà Mỹ từng nhắm tới khi tham gia TPP. Trong kịch bản này, Nhật Bản và Australia hy vọng các công ty của Mỹ có thể tăng sức ép lên chính quyền Trump để Mỹ cân nhắc và quay trở lại với TPP.
Rajiv Biswas, nhà kinh tế tại IHS Global Insight tại Singapore cho rằng, mặc dù đứng về phương diện chính trị thì RCEP dường như là nơi tụ hội tốt nhất cho tự do thương mại, nhưng trên thực tế điều này rất khó đạt được vì thành phần, mục đích tham gia của các nước quá khác nhau.