📞

AIIB: Nhiều kỳ vọng, không ít thách thức

16:01 | 28/12/2015
Đang nỗ lực chuẩn bị những thủ tục cần thiết, Ngân hàng AIIB dự tính sẽ bắt đầu chính thức cho vay từ giữa tháng 1/2016.

57 thành viên sáng lập AIIB. (Nguồn:AIIB)

Toan tính của Trung Quốc

Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) là sáng kiến được Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đưa ra gần hai năm trước. Đến nay, AIIB đã thu hút được 57 thành viên sáng lập, trở thành một trong những tổ chức kinh tế đa phương lớn nhất khu vực. Bất chấp việc định chế tài chính này được coi là công cụ thách thức quyền lực của Mỹ, nhiều đồng minh lớn của Mỹ như Australia, Anh, Đức, Italy, Philippines và Hàn Quốc đều đã gia nhập tổ chức này. Bởi vậy, đây còn được đánh giá là một trong những thành công lớn nhất về mặt chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Trước mắt, tổ chức này có vốn đăng ký 50 tỷ USD, song dự kiến, sẽ tăng lên 100 tỷ USD trong các năm sau. AIIB được coi là đối thủ tiềm năng của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), được xem là trở ngại đáng kể đối với Mỹ khi mở rộng ảnh hưởng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong việc cân bằng sức mạnh kinh tế và sự quyết đoán của Trung Quốc. AIIB cũng là mối quan ngại lớn nhất của Nhật Bản trong việc cạnh tranh ảnh hưởng kinh tế ở khu vực. Một số nhà phân tích cho rằng, chính sự ra đời của AIIB đã thúc đẩy Nhật Bản đưa ra cam kết đầu tư 110 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng các nước trong khu vực trong 5 năm tới.

Trung Quốc đã nhiều lần cam kết AIIB sẽ là đối tác của WB và ADB, tuy nhiên, việc Trung Quốc hào hứng thành lập AIIB, nắm giữ 30,34% cổ phần và 26,06% quyền biểu quyết, thì mục đích của Trung Quốc được cho là không đơn giản. Giới phân tích cho rằng, sáng kiến "một vành đai, một con đường" của Trung Quốc - kết nối hạ tầng giữa Trung Quốc với các nước, trong đó lấy Trung Quốc làm trung tâm, với nhiều tính toán về chính trị và kinh tế khác nhau, đang cần rất nhiều vốn. Thứ nữa, Trung Quốc đang bước vào giai đoạn phát triển, trở thành nước xuất khẩu nguồn vốn, cần tìm kênh đầu tư có hiệu quả ra bên ngoài trong khi việc tài trợ vốn qua các thỏa thuận song phương trước đây nhiều khi không được hoan nghênh vì lý do chính trị. Và lý do cuối cùng, việc thành lập AIIB cũng là một cách để Trung Quốc gia tăng vai trò trong hệ thống tài chính thế giới…

Nhìn nhận vấn đề ở một khía cạnh khác, một nhà Ngoại giao Phương Tây cho rằng, sau nhiều nỗ lực cải cách các định chế tài chính hiện thời như Tổ chức Tiền tệ Thế giới (IMF), nhằm khẳng định vai trò ngày càng lớn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vốn bị Mỹ ngăn cản, Trung Quốc nhận thấy rằng, họ không có sự lựa chọn nào khác là tự thành lập một ngân hàng cho riêng mình. Đây là lý do không thể tốt hơn để lý giải việc tại sao Trung Quốc lại quan tâm tới AIIB nhiều đến như vậy.

Thách thức từ những kỳ vọng

Hiện tại, nhu cầu về vốn đầu tư cơ sở hạ tầng của các nước trong khu vực ngày càng trở thành vấn đề không nhỏ. Dự báo, nhu cầu tài chính của các nước đang phát triển ở châu Á, trong đó có các nước ASEAN, sẽ lên tới khoảng 800 tỷ USD mỗi năm và các tổ chức tài chính quốc tế hiện nay khó đáp ứng được. Chính vì thế, nguồn vốn từ AIIB được kỳ vọng sẽ là một nguồn bổ sung quan trọng cho nhu cầu đầu tư của khu vực.

Sau khi chính thức ra đời vào ngày 26/12 vừa qua, tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), AIIB đang tiến hành thiết lập các quy tắc và tìm kiếm nhân sự cho những vị trí quan trọng nhất. Dự kiến, Ngân hàng này sẽ tổ chức Lễ thành lập vào giữa tháng 1/2016, và cũng chính thức bắt đầu xét duyệt cho vay. Trong những năm đầu hoạt động, AIIB được kỳ vọng cho vay khoảng 10-15 tỷ USD mỗi năm.

Theo Chủ tịch AIIB Jin Liqun, ban đầu, AIIB sẽ tập trung hỗ trợ vốn cho các dự án liên quan tới lĩnh vực năng lượng, giao thông, viễn thông và cơ sở hạ tầng nông thôn và đô thị, cung cấp nước, bảo vệ môi trường và hậu cần quân sự tại châu Á. Ngân hàng cũng đang cân nhắc về việc cho các nhà máy sản xuất điện bằng than hay hạt nhân vay vốn.

Tuy nhiên, nhận định về thách thức đối với AIIB, Giáo sư Song Guoyou của Đại học Fudan (Thượng Hải) cho rằng, thách thức thực sự đối với AIIB sẽ là thực tế kinh doanh, trong đó, thỏa thuận về khoản vay đầu tiên rất quan trọng. Nếu nó lớn và giá trị, sẽ mở đường cho những thành công trong tương lai. Nhưng sẽ rất khó xử, nếu dự án đầu tiên không như kỳ vọng. Còn Nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Malcolm Cook quan ngại về việc quá nhiều nước tham gia AIIB sẽ khiến khâu quản lý trở nên khó khăn. Ông này cho rằng, càng nhiều nước gia nhập, càng nhiều lợi ích được đặt ra và tất nhiên, mỗi nước đều muốn hệ thống phục vụ lợi ích của riêng mình, và điều đó sẽ khiến tổ chức trở nên phức tạp. Ngoài ra, với một tổ chức quá đa dạng và phức tạp như vậy, tính minh bạch và chuẩn mực quản trị trong AIIB cũng được nhiều người đặt câu hỏi.

Nhằm xoa dịu những đồn đoán trên, ông Jin Liqun cho biết, AIIB sẽ hoạt động trên nguyên tắc hiệu quả, cởi mở và công bằng. "Chúng tôi sẽ không tha thứ cho tham nhũng và sẽ giữ ngân hàng xanh, sạch. Các dự án mục tiêu của chúng tôi phải bền vững về mặt tài chính, môi trường và xã hội", ông cho biết. Tuy nhiên, ông Jin cũng khẳng định tổ chức này luôn chào đón các thành viên mới.

Trên thực tế, AIIB có vốn điều lệ chỉ hơn một nửa của ADB. Đây cũng là Ngân hàng đa phương đầu tiên do các nước đang phát triển giữ vai trò chủ đạo, nên hiệu quả sử dụng nguồn vốn như thế nào còn là một câu hỏi mà tương lai sẽ trả lời.