📞

Airbus ngừng sản xuất A380: Chấm dứt kỷ nguyên của “chim sắt” khổng lồ

10:44 | 19/02/2019
Tập đoàn Airbus của châu Âu đã thông báo kế hoạch ngừng sản xuất “siêu máy bay” A380 chỉ sau 12 năm đưa vào hoạt động thương mại. Airbus cho biết sẽ phân phối 14 chiếc A380 cuối cùng cho hãng hàng không Emirates (Dubai) trong 2 năm tới và từ năm 2021 sẽ ngừng sản xuất dòng “siêu máy bay” này. 

Dù được hành khách và những người đam mê hàng không yêu thích, song do số lượng các đơn hàng đối với A380 không được như kỳ vọng của Airbus nên hãng này buộc phải chấm dứt kỷ nguyên của những “chú chim sắt” khổng lồ này.

Niềm tự hào của ngành công nghiệp máy bay châu Âu

Airbus A380, chiếc siêu phản lực (Super-Jumbojet) do Tổ hợp sản xuất máy bay Airbus của châu Âu chế tạo,bao gồm: Anh, Pháp, Đức, và Tây Ban Nha; trong đó Pháp giữ vai trò chính. Đây được coi là một công trình vĩ đại về mặt kỹ thuật và thiết kế, một cột mốc lớn trong lịch sử của ngành hàng không thế giới nói chung và của châu Âu nói riêng.

Theo các nhà chuyên môn, A380 là loại máy bay hoạt động hiệu quả với chi phí năng lượng tính theo đầu hành khách thấp, ít gây tiếng ồn và ít ảnh hưởng đến môi trường hơn những loại máy bay khác.

A380 từng được xem là máy bay chở khách lớn nhất thế giới, có tầm cỡ vượt ngoài quy ước: dài 73 mét, cao 24 mét, tương đương với một tòa nhà 8 tầng và gần 80 mét sải cánh với sức chứa 525 người trong cơ cấu 3 khoang hành khách hoặc 853 người ở dạng toàn bộ hành khách phổ thông. 

A380 có trọng lượng 273 tấn khi máy bay trống và 548 tấn khi máy bay chở khoảng 600 khách. Nội thất bên trong máy bay rất hiện đại với quầy bar, phòng bida, phòng tắm, thư viện… Nhờ kích thước lớn, A380 cho phép các hãng hàng không thoải mái bố trí các không gian sang trọng và riêng tư cho hành khách VIP. 

A380 được trang bị 4 động cơ phản lực “Trent 900” với bộ cánh quạt có đường kính là 1,95 m và sức hút 1,5 tấn không khí/1 giây.

Airbus bắt đầu nghiên cứu chế tạo A380 vào năm 1988 với chi phí 25 tỷ USD và dự án được chính thức công bố vào năm 1990. Năm 2005, A380 lần đầu tiên cất cánh và sau đó có chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 10/2007 với hãng hàng không Singapore Airlines, chặng bay từ Singapore đến Sydney (Australia).

Còn nhớ khi A380 mới ra mắt, người ta đã từng ca ngợi rất nhiều về sức chở lên tới gần 1.000 hành khách của loại máy bay hai tầng này. Tuy nhiên, cú "đặt cược" khổng lồ của Airbus rằng các hãng hàng không sẽ cần tới những chiếc máy bay có thể chở tới 853 hành khách ở những sân bay lớn như A380 thực tế đã không thể trở thành hiện thực.

Kết thúc một huyền thoại

Airbus đã gặp khó khăn với dòng máy bay A380 do đơn đặt hàng rất khiêm tốn. Dòng máy bay này khá "kén khách" vì các hãng hàng không trên thế giới chỉ sử dụng nó đối với các đường băng lớn và có đủ hành khách lấp đầy các ghế trên khoang.

Trong 12 năm kể từ khi có chuyến bay thương mại đầu tiên, Airbus chỉ nhận được chưa đến 320 đơn đặt hàng cho dòng máy bay A380, trong đó 234 chiếc đã được bàn giao, chưa đến 1/4 trong số 1.200 chiếc mà Airbus kỳ vọng ban đầu khi họ lần đầu tiên giới thiệu loại máy bay này.

Mới đây nhất, hãng hàng không Emirates có trụ sở tại Dubai, một trong những khách hàng chủ chốt của Airbus đã quyết định hủy đơn đặt hàng máy bay A380 để chuyển dòng tiền của mình sang 70 chiếc máy bay chở khách nhỏ hơn của Airbus như A320, A330 và A350.

Ở thời điểm hiện nay, những siêu máy bay như A380 đang dần mất đi vai trò của mình do không còn bảo đảm tính hiệu quả kinh tế. Các hãng hàng không đã chuyển sự quan tâm sang các loại máy bay chở khách nhẹ hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn, giảm lượng khí thải carbon, giúp tăng nhu cầu vận chuyển hành khách giữa các trung tâm lớn. 

Trong bối cảnh không nhận được đủ đơn đặt hàng để trang trải chi phí "khủng" cho hoạt động sản xuất, Airbus buộc phải quyết định “khai tử” việc sản xuất máy bay A380.

Trong một tuyên bố mới đây, Airbus cho biết: "Hãng hàng không Emirates đã giảm đơn đặt hàng máy bay A380 từ 162 chiếc xuống còn 123 chiếc. Việc này, cộng với tình trạng thiếu đơn đặt hàng từ các hãng hàng không khác đã buộc Airbus ngừng phân phối máy bay A380 vào năm 2021". Theo Giám đốc điều hành Airbus Tom Enders, quyết định của Emirates đồng nghĩa với việc Airbus "không có đơn đặt hàng A380 mới nào, và vì vậy không có lý do gì để duy trì sản xuất, bất chấp các nỗ lực chào hàng với các hãng hàng không khác trong vài năm trở lại đây". 

Như vậy, Airbus sẽ chỉ phân phối 14 chiếc A380 cuối cùng cho hãng hàng không Emirates trong vòng 2 năm tới. Quyết định tạm dừng sản xuất siêu máy bay A380  được xem là hành động cuối cùng trong “chuyến phiêu lưu” công nghiệp lớn nhất của châu Âu và phản ánh sự khan hiếm đơn đặt hàng từ các ông chủ hãng hàng không vốn không hài lòng với các máy bay phản lực lớn của Airbus, nó cũng đánh dấu sự kết thúc “Giấc mơ châu Âu” của Airbus kể từ khi ra mắt chiếc A380 đầu tiên.

Trong bối cảnh A380 đã bị “khai tử”, nhiều người dự đoán dòng máy bay Boeing 747 cũng có nhiều nguy cơ gặp số phận tương tự khi “Nữ hoàng bầu trời” này đã bị mọi hãng hàng không lớn của Mỹ từ chối và hãng Boeing chỉ bán được 8 chiếc Boeing 747 trong năm 2018.

(theo TTXVN)