Nhỏ Bình thường Lớn

AK-47 do Đức sáng chế?

Gần đây ở Nga có một số thông tin cho rằng nhà chế tạo vũ khí người Đức Hugo Schmeisser có đóng góp rất lớn trong việc chế tạo súng tiểu liên AK-47. Thậm chí, có người còn cho rằng chính nhà thiết kế vũ khí người Nga Kalashnikov đã “đánh tráo” bản thiết kế của Schmeisser. Vậy sự thực thế nào?
Mikhail Kalashnikov, người xưa nay vẫn được coi là “cha đẻ” của khẩu AK-47.

Theo Life.ru, với tư cách là “người trong cuộc”, nhà phát minh người Nga Mikhail Kalashnikov, người xưa nay vẫn được coi là “cha đẻ” của khẩu AK-47, vừa thừa nhận rằng ông từng làm việc với kỹ sư vũ khí người Đức Hugo Schmeisser ở thành phố Izhevsk (Nga) ngay sau Thế chiến II. Ông Kalashnikov cũng công nhận ông Schmeisser đã tham gia vào việc chế tạo loại súng tiểu liên nổi tiếng nhất thế giới AK-47 và có công rất lớn trong việc giúp người Nga giải quyết vấn đề dập nguội các chi tiết máy.

Ở khía cạnh lịch sử, nhà sử học Aleksey Korobeynikov kể rằng, Schmeisser đã đến Izhevsk ngay sau chiến tranh. Bấy giờ, thành phố Suhl ở Đông Đức, nơi ông sinh sống, nằm trong vùng chiếm đóng của quân đội Liên Xô, vì vậy Schmeisser cùng với các kỹ sư và nhà thiết kế Đức khác được mời chuyển đến vùng Ural lánh nạn một vài năm. Chuyến tàu hỏa đặc biệt chở các kỹ sư Đức đến Nga vào ngày 24/10/1946. Tuy nhiên, hiện rất khó đánh giá một cách chính xác công lao của Schmeisser trong việc chế tạo AK-47 của Kalashnikov vì các nhà sử học không được tiếp cận các văn bản chính thức về công việc của họ. Những văn bản này đến nay vẫn chưa được công bố.

Bản thân Schmeisser, khi được hỏi về công việc của mình trong thời gian ở Liên Xô, ông chỉ nói ngắn gọn: “Tôi có mang đến cho người Nga một số lời khuyên”. Ngoài một số bức thư và ảnh, ông Schmeisser không để lại tư liệu gì về hoạt động của mình tại Liên Xô. Hơn nữa, ngôi nhà nơi các nhà chế tạo vũ khí Đức sống lúc bấy giờ, hiện đã bị phá hủy và cũng không còn ai sống ở đó. Theo ông Ermakov, cán bộ Bảo tàng Kalashnikov ở thành phố Izhevsk, bảo tàng hiện vẫn còn lưu giữ một số bức thư của ông Schmeisser viết gửi Bộ Quốc phòng Liên Xô. Những bức thư này là nguồn văn bản duy nhất được tiếp cận trong các kho lưu trữ, song đó chỉ là những dòng ông phàn nàn về điều kiện sinh hoạt, xin tăng lương và xin về nước nghỉ phép.

Trong khi đó, kỹ sư Mikhail Kalashnikov đến Izhevsk năm 1948 để đưa vào sản xuất mô hình AK-47 do ông thiết kế ở thành phố Izhmash. Vì vậy, không có cơ sở để nói rằng ông Kalashnikov đã “đánh tráo” bản thiết kế của người Đức. Nhưng việc hai kỹ sư Schmeisser và Kalashnikov có gặp nhau tại cơ sở sản xuất là chính xác. Kỹ sư Schmeisser giúp cơ sở này nắm vững thiết bị mới và áp dụng các quá trình công nghệ để sản xuất hàng loạt loại tiểu liên này.

Nhìn bề ngoài súng tiểu liên của Schmeisser STG 44 rất giống AK-47. Sự giống nhau này, theo nhà sử học Ermakov, dựa trên các nguyên tắc hoạt động của chúng giống nhau. Nhưng việc so sánh cấu tạo bên trong và các chi tiết nói lên rằng hai loại súng này khác nhau về cơ bản. Hơn nữa, kỹ sư Kalashnikov bắt đầu chế tạo súng tiểu liên của mình vào năm 1943 và vào năm 1946, mô hình của ông đã trải qua thử nghiệm. Vì thế sẽ là sai lầm nếu ai đó gán cho các kỹ sư quốc xã chế tạo nguyên mẫu AK-47.

Tuy nhiên, nhà sử học Korobeynikov nhấn mạnh: “Chúng ta không nên phủ nhận sự đóng góp của người Đức trong việc đưa AK-47 vào sản xuất hàng loạt”. Ông cho biết, kỹ sư Schmeisser đã nghiên cứu công nghệ dập nguội đến năm 1952 và công lao sản xuất hàng loạt ổ đạn và bao nòng súng phần lớn thuộc về Schmeisser.

Trần Thanh Hằng (Theo Life.ru)