Bước hạ đài
Một trong số đó là việc em trai cựu Tổng thống Abdelaziz Bouteflika, Said Bouteflika, cùng hai cựu Tướng tình báo khác là Bachir Athmane Tartag và Mohamed Mediene cũng đã bị bắt giữ và xét xử tại tòa án binh ngày 5/5. Theo giới quan sát, ông Said Bouteflika đã tiếp quản việc điều hành đất nước kể từ khi anh trai bị đột quỵ năm 2013.
Trong khi đó, Thượng tướng Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Ahmed Gaid Salah từng nhiều lần tố cáo Tướng Mediene có hành động chống lại quân đội và nhân dân; tướng Tartag, người kế nhiệm ông Mediene, đã bị bãi nhiệm một tháng trước. Sự ra đi của ba nhân vật chủ chốt tại Algiers sẽ dọn đường cho những thay đổi mới sau 30 năm cầm quyền của ông Abdelaziz Bouteflika.
An ninh Algeria bắt giữ em trai của cựu Tổng thống Bouteflika. (Nguồn: Reuters) |
Người được chọn
Cùng lúc đó, phát biểu trong bài diễn văn của mình, Tổng Thư ký mới của Đảng Mặt trận Giải phóng Dân tộc (FLN) cầm quyền Mohamed Djemai đã thể hiện sự ủng hộ tuyệt đối với giới quân sự và tán thành với Thượng tướng Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Ahmed Gaid Salah, kêu gọi FLN khôn khéo, cảnh giác và đối thoại, hãy giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị mà đất nước đang trải qua. Tổng Thư ký Đảng FLN cũng đã đả kích cái mà ông cho là sự chiếm dụng bất hợp pháp những cơ quan thể chế lập pháp và đã đến lúc đảng viên phải “xiết chặt đội ngũ”.
Cũng trong cuộc họp ngày 4/5, tân Tổng thư ký của Đảng đã tiến hành xem xét tình hình hiện nay và đã đồng tâm nhất trí quanh việc soạn thảo phương hướng và chương trình hành động của Đảng: “Những chỉ thị chặt chẽ và nghiêm túc sẽ được đưa ra cho các đại biểu dân cử địa phương để thông qua một phương pháp mới nhằm trao đổi với người dân và bảo vệ những yêu sách của họ”. Ông cũng cam kết sẽ “dành sự dân chủ và minh bạch hoàn toàn trong những hoạt động của Đảng”.
Tổng Thư ký mới của FLN Mohamed Djemai. (Nguồn: Middle East Eyes) |
Tiếng nói của sự thay đổi
Trước đó, ngày 3/5, người dân đã xuống đường ở nhiều vùng trên cả nước để biểu tình hòa bình và đề nghị sự ra đi của những gương mặt cũ, nhất là những gương mặt có liên quan tới những vụ việc tham nhũng. Hàng nghìn người biểu tình đã tuần hành hòa bình tại các thành phố ở phía Đông đất nước, nhắc lại lời kêu gọi về sự thay đổi tận gốc của chế độ” và sự ra đi của những người đại diện.
Tụ tập tại trung tâm Tòa án Cách mạng Annaba, những người biểu tình đã lên án cái mà họ coi như là “những âm mưu làm thay đổi những yêu sách của nhân dân”. Họ phát đi những đề nghị để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng như: “giải pháp của nhân dân là: một Tuyên ngôn Hiến pháp, một Hội đồng Tổng thống, Một Chính phủ chuyển tiếp và một Cơ quan độc lập quốc gia phụ trách tổ chức các cuộc bầu cử”. Các cuộc tuần hành tương tự cũng đã được tổ chức ở Bordj Bou Arréridj, Tébessa, Biskra, M’sila, El Tarf, Sétif và Khenchela.
Người dân xuống đường biểu tình tại Thủ đô Algiers ngày 3/5. (Nguồn: Reuters) |
Ở Algiers, những người biểu tình cũng xuống đường đông đảo trong các cuộc tuần hành hòa bình, một tháng sau khi Tổng thống Abdelaziz Bouteflika từ chức, đòi thay đổi tận gốc chế độ, tiếp tục xét xử tất cả những người có liên quan đến tham nhũng, lãng phí công quỹ, đồng thời yêu cầu cụ thể hóa sự tự do báo chí...
Việc những nhân vật chủ chốt trong chính quyền cựu Tổng thống Abdelaziz Bouteflika dần hạ đài, cùng với nhiều cuộc tuần hành liên tiếp cho thấy, người dân Algeria đang mong muốn sự thay đổi toàn diện trong bộ máy cầm quyền. Sóng gió có thể tạm thời qua đi, song luôn chực chờ quay trở lại một khi Algers chưa thể tìm được nhà lãnh đạo có tâm và có tầm dẫn dắt đất nước.