Phần đông số khỉ đeo mặt nạ ở Kampung Monyet thường chết vì kiệt sức, dịch bệnh hay bị bạo hành. |
Khi đi qua các đường phố ở khu ổ chuột Kampung Monye, các vị khách du lịch sẽ không khỏi kinh ngạc khi thấy những chú khỉ đeo mặt nạ đang diễn xiếc xin tiền. Từ xa, trông chúng chẳng khác nào những đứa trẻ nhỏ. Đó là lý do vì sao khu vực này có tên Kampung Monyet, theo tiếng Java tức là “Làng Khỉ”.
Từ trò giải trí của trẻ em nghèo
Những con khỉ của khu ổ chuột này được gọi là Topeng Monyet, có nghĩa là “khỉ bịt mặt”. Những màn biểu diễn xiếc khỉ mặt nạ này được xem như một loại hình nghệ thuật truyền thống có nguồn gốc từ thập niên 1980. Ban đầu, đó chỉ là một trò giải trí của trẻ em nghèo trong khu vực. Dần dần, nó trở nên phổ biến và bị thương mại hóa.
Những con khỉ bị bắt đeo mặt nạ được huấn luyện để diễn xiếc chuyên nghiệp với mục đích kiếm tiền từ khách du lịch. Những người huấn luyện khỉ có thể kiếm được 175 USD/tháng, cao hơn rất nhiều lương trung bình của một công nhân nhà máy.
Có một thời gian, loại hình xiếc này ở Indonesia rất “hút khách”, tương tự như cưỡi voi ở Thái Lan. Tuy nhiên, sau khi quá trình huấn luyện khỉ bị giới truyền thông phơi bày, loại hình này đã không còn nhận được sự ủng hộ của mọi người.
Huấn luyện khắc nghiệt
Ngay từ khi còn nhỏ, những “diễn viên” khỉ tội nghiệp đã học cách đứng thẳng, mặc quần áo và đeo mặt nạ sặc sỡ hay hình đầu búp bê nhựa. Chính vì thế mà nhiều người nhầm lẫn chúng với những đứa trẻ con khi nhìn từ xa.
Ngoài ra, để phục vụ cho các màn biểu diễn, những chú khỉ còn được dạy cách khiêu vũ, đi cà kheo, cưỡi xe đạp, chơi nhạc cụ, chồng cây chuối... nhằm mô phỏng các hoạt động của con người. Thậm chí, một số con còn bị chủ nhân bắt hút thuốc lá. Trong suốt quá trình biểu diễn, các “diễn viên” khỉ đều bị buộc một sợi dây quanh cổ để người chủ tiện ra lệnh và trông chừng.
Nghe có vẻ đơn giản nhưng quá trình huấn luyện các chú khỉ này vô cùng khắc nghiệt. Thay vì được tự do leo trèo vui chơi, những “diễn viên” khỉ đeo mặt nạ thường xuyên bị chủ nhân đánh đập và phải tập luyện liên tục. Để có thể tập cho khỉ đi bằng hai chân, những người huấn luyện trói tay chúng ra sau lưng và thòng một sợi dây từ trên cao vào cổ. Khi đó, khỉ sẽ phải học cách giữ thăng bằng để không bị nghẹt thở. Quá trình tập luyện này diễn ra trong khoảng hai tháng. Tuy nhiên, phần lớn các con khỉ không thể hoàn thành hết các bài tập, một số chết vì kiệt sức, số còn lại chết vì dịch bệnh hoặc bị chủ bạo hành.
Trả về với tự nhiên
Dù biết rằng việc ngược đãi khỉ để kiếm tiền là độc ác nhưng xét cho cùng, cuộc sống nghèo đói khốn khổ tại khu ổ chuột Kampung Monyet đã đẩy các chủ gánh xiếc khỉ đến con đường này. “Cả nhà tôi đều dựa vào nguồn thu từ việc kinh doanh xiếc khỉ. Chúng là hy vọng sống của chúng tôi”, ông Hardian Mahendra - một người dân kinh doanh xiếc khỉ tâm sự.
Hiện nay, chính quyền thành phố Jakarta đang nỗ lực mua lại tất cả số khỉ biểu diễn trên đường phố và mang đến vườn thú Ragunan để chăm sóc. Đồng thời, họ ra sức thuyết phục và tạo điều kiện cho những người chủ của chúng tìm việc làm.
Trên thực tế, tình trạng những con khỉ đeo mặt nạ diễn xiếc ở đây vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn nếu cuộc sống của người dân chưa thực sự được cải thiện.
Duy Phương (tổng hợp)