📞

Ẩm thực nối hai bờ Thái Bình Dương

10:41 | 30/07/2015
Trong bối cảnh Đại sứ quán Peru tại Việt Nam đang tất bật cùng Tuần lễ văn hóa ẩm thực nhân kỷ niệm Quốc khánh Peru (28/7) và kỷ niệm 21 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Peru - Việt Nam (1994-2015), Đại biện Peru tại Việt Nam Luis Tsuboyama khẳng định, quảng bá ẩm thực là một phần trong chiến lược ngoại giao mềm của Peru...

Tại sao Peru ưu tiên quảng bá ẩm thực tại Việt Nam, thưa ông?

Các hoạt động như Tuần lễ văn hóa ẩm thực là một phần chiến lược ngoại giao mềm của Peru, giúp chúng tôi xây dựng được cầu nối với những đất nước ở xa như Việt Nam.

Thông qua ẩm thực, chúng tôi có cơ hội thể hiện sự đa dạng về văn hóa, dân tộc của đất nước. Peru là “quê nhà” của khoai tây, cà chua, ngô. Các đầu bếp Peru sử dụng những nguyên liệu này để làm ra những món ăn đặc trưng của người dân bản địa cũng như người di cư từ châu Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Á. Tôi hy vọng, sau mỗi lần thưởng thức ẩm thực Peru, người Việt Nam sẽ hiểu hơn về chúng tôi.

Tuy ở cách xa nhau nhưng cùng là những quốc gia Thái Bình Dương, theo ông, Việt Nam và Peru có những điểm tương đồng gì? Đâu là những lĩnh vực hợp tác hàng đầu giữa hai nước?

Việt Nam và Peru có nhiều điểm đồng đáng trân trọng. Hai nước đều đang trong giai đoạn phát triển và là những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh trong khu vực. Chúng ta cùng có bề dày lịch sử trong đấu tranh dựng nước và giữ nước. Hai bên cũng luôn tin tưởng lẫn nhau và cùng hướng về tương lai.

Việt Nam là đất nước đa dạng với lịch sử phong phú và đã tạo ra được bản sắc riêng đáng ngưỡng mộ. Việt Nam có nền kinh tế năng động, người dân được giáo dục tốt, cơ hội đầu tư dồi dào. Đó là lý do quan trọng thúc đẩy chúng tôi mở Đại sứ quán tại Hà Nội (tháng 8/2013).

Trong hai năm qua, thương mại giữa hai nước đã tăng đáng kể. Năm 2013, tổng kim ngạch thương mại hai nước là 200 triệu USD nhưng tính đến đầu năm 2015 con số này đã tăng lên 300 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực như buôn bán bột cá, dệt may và điện thoại di động.

Trong thời gian tới, những sản phẩm thương mại được Peru ưu tiên tại Việt Nam là trái cây và thực phẩm chức năng. Người Việt có thể thưởng thức những những loại hoa quả chất lượng cao như nho, hồng, cam quýt hoặc bơ của Peru và hy vọng các sản phẩm chức năng nhiều dinh dưỡng làm từ diêm mạch, maca cũng được nhiều người Việt ưa chuộng.

Tôi mong rằng thời gian tới Chính phủ Việt Nam sẽ cân nhắc việc mở Đại sứ quán tại Peru. Khi đó, Việt Nam có thể dễ dàng thực hiện những hoạt động như chúng tôi đang làm ở Hà Nội.

Ông có nhận định gì về quan hệ Việt Nam - Peru trong các diễn đàn đa phương?

Chúng ta cùng tham gia nhiều diễn đàn như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Đông Á – Mỹ Latinh (FEALAC) và đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). và luôn là những đối tác tin cậy của nhau tại các diễn đàn quan trọng đó.

Peru đánh giá cao tầm quan trọng của ASEAN, tổ chức khu vực mà Việt Nam đóng vai trò quan trọng. Peru đã cử một Đại sứ chuyên trách tại ASEAN và đang làm việc trong khuôn khổ Liên minh Thái Bình Dương (PA) (bao gồm Mexico, Chile và Colombia) để có một cơ chế quan hệ gần gũi hơn với ASEAN, qua đó xác định những lĩnh vực hợp tác giữa hai khu vực như nông nghiệp, năng lượng, thương mại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ... Tôi hy vọng đây cũng sẽ là một kênh kết nối hiệu quả Peru và Việt Nam. Tôi hoàn toàn tin tưởng về tương lai tốt đẹp trong quan hệ giữa Peru và Việt Nam.

Phạm Hằng (thực hiện)