📞

Ấm tình nhịp cầu Việt - Mỹ

15:00 | 01/05/2018
Hơn bảy thập kỷ qua, Hội Việt - Mỹ đã hoạt động tích cực để đóng góp ngày càng nhiều hơn cho việc tăng cường hữu nghị, giao lưu và hợp tác giữa hai nước.

Với Chủ tịch Hội Việt - Mỹ, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Tâm Chiến, lịch sử hoạt động của Hội là lịch sử của những nỗ lực không ngừng, đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau vì một tương lai ngày càng tốt đẹp hơn của mối quan hệ Việt – Mỹ.

Chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động

Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến cho biết, quan hệ Việt - Mỹ đã trải qua nhiều sóng gió, khó khăn nhưng nhờ những nỗ lực liên tục của hai phía, sự tham gia rộng rãi của nhân dân hai nước, quan hệ Việt - Mỹ đã từ thù địch trong những năm chiến tranh chuyển qua bình thường hoá và phát triển lên tầm cao mới với khuôn khổ “Đối tác toàn diện”.

Thời gian qua, hoạt động của Hội đã chuyển biến mạnh mẽ, góp phần tích cực vào việc tạo những bước đột phá mới trong quan hệ nhân dân giữa hai nước; vận động và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, nguồn lực hỗ trợ cho hợp tác nhân dân giữa hai nước trên các mặt văn hoá, giáo dục, khoa học kỹ thuật, du lịch; Chủ động tăng cường giao lưu nhân dân, trao đổi đoàn, tham gia các diễn đàn nhân dân Việt – Mỹ; tạo ra những lợi ích, quan tâm chung để thu hút sự tham gia của phía Mỹ và tạo điều kiện hỗ trợ cho các giao lưu của nhân dân Việt Nam, các địa phương Việt Nam với phía Mỹ...

Chủ tịch Hội Việt – Mỹ trao quà cho cựu chiến binh của Mỹ Vincent “B.J.” Lawrence đến từ Tổ chức VFW.

Chủ tịch Hội Việt – Mỹ cũng khẳng định, ưu tiên hoạt động của Hội thời gian tới là mở rộng hơn nữa giao lưu và thúc đẩy sự hợp tác cùng có lợi giữa các giới ở hai nước, đặc biệt là sự hợp tác về kinh tế, khoa học - công nghệ, văn hoá giáo dục. Hiện tại, Hội đang có mạng lưới bạn bè rộng lớn tại Mỹ là những tổ chức xã hội - chính trị phi chính phủ, phi lợi nhuận, cựu chiến binh, giáo dục như: Hội đồng các nhà lãnh đạo chính trị trẻ Mỹ (ACYPL), Sức mạnh hữu nghị quốc tế (FFI), Quỹ tưởng niệm Cựu chiến binh Việt Nam (VVMF), Cựu chiến binh Mỹ tham chiến Việt Nam (VVA), Cựu chiến binh các cuộc chiến tranh ở nước ngoài (VFW), Đại học Salibury, Đại học Colgate, Đại học Tổng hợp New York, Quỹ Hoà giải và Phát triển...

Nổi bật nhất là việc tổ chức các đoàn thăm Mỹ - một biện pháp hiệu quả để thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Thông qua dự án, nhiều cán bộ lãnh đạo, nhân viên và hội viên của Hội Việt-Mỹ đã có cơ hội để tìm hiểu thực tế đời sống văn hoá, xã hội Mỹ, bổ sung kiến thức và kinh nghiệm về lĩnh vực nghiên cứu, nâng cao năng lực, hiểu biết về Mỹ, gặp gỡ, trao đổi với các học giả, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội cũng như các cơ quan liên quan ở Mỹ về các chủ đề hai bên cùng quan tâm.

Hội Việt - Mỹ (tiền thân là Việt - Mỹ thân hữu Hội) ra đời không lâu sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945. Hội là tổ chức hữu nghị nhân dân song phương đầu tiên của Nhà nước Việt Nam được thành lập theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh với mục đích hoạt động ngay từ đầu của Hội là tăng cường giao lưu văn hóa giữa nhân dân hai nước.

Điểm hẹn của những cựu binh Mỹ

Những năm gần đây, Hội Việt - Mỹ đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Đặc biệt, Hội luôn tổ chức đón tiếp chu đáo và giúp đỡ các tổ chức cựu binh Mỹ sang thăm Việt Nam như Cựu chiến binh vì hòa bình (VFP), Cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam (VVA), Cựu chiến binh các cuộc chiến tranh ở nước ngoài (VFW)...

Tại nhiều cuộc gặp gỡ, cựu chiến binh hai nước đã trao đổi, chia sẻ về những mất mát, đau thương bởi chiến tranh trong quá khứ, cùng mong muốn một tương lai tốt đẹp hơn với sự phát triển mạnh mẽ của mối quan hệ hai nước.  Các đoàn sang thăm đã tìm hiểu hậu quả của chiến tranh, thăm một số địa điểm ô nhiễm bom mìn, chất độc da cam/dioxin, gặp gỡ các gia đình và nạn nhân chiến tranh.

Tại các cuộc tiếp, Chủ tịch Hội Nguyễn Tâm Chiến cũng luôn chú trọng đến vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, nạn nhân chất độc da cam/dioxin và các hoạt động nhằm giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam. Do đó, các cựu binh Mỹ đã có nhiều chương trình quan tâm kêu gọi Chính phủ, các tổ chức và nhân dân tiến bộ Mỹ cùng chung tay với Việt Nam để khắc phục hậu quả chiến tranh, nhất là các vấn đề về chất độc da cam/dioxin. Từ năm 1994 đến nay, VVA đã chuyển giao cho Bộ Quốc phòng Việt Nam 300 bộ hồ sơ về khoảng 12.000 trường hợp quân nhân hy sinh, mất tích trong chiến tranh, giúp tìm kiềm và quy tập hài cốt của khoảng 1.500 liệt sĩ.

Các cựu chiến binh Mỹ như ông Vincent “B.J.” Lawrence đều coi chuyến thăm Việt Nam là cơ hội để hiểu biết về đất nước, con người cũng như cách vượt qua chiến tranh, vươn lên phát triển của Việt Nam. Với họa sĩ George Burchett  - con trai nhà báo nổi tiếng từng tham gia chiến trường ở Việt Nam Wilfred Burchett thì: “Tôi lớn lên cùng với Chiến tranh ở Việt Nam. Đối với tôi, có hai cuộc chiến tranh: một cuộc chiến tranh của những người du kích anh hùng, thanh niên nam nữ, trong những khu rừng nhiệt đới của miền Nam Việt Nam. Một cuộc chiến đấu khác là những thanh niên trên đường phố thủ đô thế giới chống lại chiến tranh ở Việt Nam. Đó là cuộc chiến của những người trẻ tuổi trên khắp thế giới đã đồng cảm với những người anh em Việt Nam”.