📞

AMM-49 và các Hội nghị liên quan: Nhiều kết quả đáng khích lệ

07:00 | 28/07/2016
Sau Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 49 (AMM-49) và các Hội nghị liên quan từ ngày 23-26/7 tại Vientiane, Lào, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả các Hội nghị này.

Xin Thứ trưởng cho biết những vấn đề được quan tâm, thảo luận và các kết quả chính tại các Hội nghị lần này?

Từ ngày 23-26/7, tại Thủ đô Vientiane của Lào, đã diễn ra 16 Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao, bao gồm: Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM-49); 10 Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+1 với từng bên Đối thoại ; Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3; Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và các hội nghị trong khuôn khổ hợp tác Mekong.

Đây được xem là loạt Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao quan trọng nhất trong năm bởi sự có mặt đầy đủ của các đối tác ASEAN, trong đó có những nước lớn tầm toàn cầu và khu vực. Năm nay, các Hội nghị càng có ý nghĩa quan trọng hơn bởi đây là lần đầu tiên Bộ trưởng các nước ASEAN và các đối tác nhóm họp sau khi Cộng đồng ASEAN (AC) chính thức đi vào hoạt động và triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025. Đây là dịp để các nước thành viên thảo luận các trọng tâm, ưu tiên trong hợp tác ASEAN, giữa ASEAN với các đối tác và trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Các hội nghị đạt kết quả tốt đẹp.

Nhằm thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước đối tác, bạn bè truyền thống, trong khuôn khổ Hội nghị AMM 49 và các hội nghị liên quan tại Lào, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã có các cuộc gặp gỡ, trao đổi và tiếp xúc với các Bộ trưởng Ngoại giao Lào, Brunei, Myanmar,Singapore, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc, Australia, Na Uy, New Zealand và Canada.

Về hợp tác ASEAN, các nước ASEAN đã cùng đánh giá những kết quả đạt được kể từ khi AC chính thức hình thành. Mặc dù mới chỉ hơn nửa năm, việc triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 cùng các Kế hoạch tổng thể trên 3 trụ cột đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Ở trụ cột Chính trị - An ninh, 140/290 dòng hành động đang được triển khai; ASEAN tiếp tục phát huy thế mạnh trong việc tăng cường đối thoại, chia sẻ, xây dựng và phát huy các chuẩn mực ứng xử. Dịp này, các nước đã thông qua Tuyên bố chung kỷ niệm 40 năm Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), tiếp tục đề cao giá trị, tầm quan trọng của Hiệp ước này là một trong những văn kiện nền tảng của ASEAN, quy định các chuẩn mực ứng xử cho quan hệ không chỉ giữa các nước ASEAN với nhau mà cả giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài.

Ở các trụ cột kinh tế và văn hóa-xã hội, ASEAN đã xây dựng được các chương trình hành động cụ thể để triển khai ở các kênh chuyên ngành; đang khẩn trương hoàn tất các Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN 2025 và Chương trình Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) giai đoạn III về thu hẹp khoảng các phát triển để thông qua dịp Hội nghị Cấp cao tháng 9/2016; gắn kết triển khai Tầm nhìn 2025 với Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững.

Một điểm nhấn tại hội nghị lần này là các nước đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, coi đây là yếu tố quyết định cho thành công, uy tín của Cộng đồng ASEAN, nhất là trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp, tác động sâu sắc tới ASEAN.

Toàn cảnh Hội nghị Cấp cao Đông Á ở Vientiane, ngày 26/7.

Tại các Hội nghị giữa ASEAN với các đối tác, các bên đánh giá tích cực kết quả triển khai các Kế hoạch Hành động hiện có, đề xuất tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực cùng quan tâm, trải rộng từ chính trị-an ninh, quốc phòng tới thương mại, đầu tư, kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển đến giáo dục, y tế, văn hóa, giao lưu nhân dân và cùng hợp tác ứng phó các thách thức đang nổi lên như khủng bố, bạo lực cực đoan, tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán người, biến đổi khí hậu, di cư, dịch bệnh...

ASEAN tiếp tục cam kết mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác với các đối tác, thể hiện vai trò chủ động, dẫn dắt tại các diễn đàn do ASEAN khởi xướng như ASEAN+1, ASEAN+3, ARF, EAS. Các đối tác tiếp tục bày tỏ ủng hộ ASEAN xây dựng Cộng đồng và phát huy vai trò trung tâm ở khu vực, thúc đẩy hợp tác hiệu quả và thực chất hơn.

Dịp này, ASEAN đã trao Quy chế Đối tác Đối thoại theo lĩnh vực cho Thụy Sỹ và Đối tác Phát triển cho Đức, chấp thuận đề nghị của Iran, Chile, Morocco và Ai Cập tham gia TAC. Những tiến triển này một mặt khẳng định chính sách đối ngoại rộng mở của ASEAN, cho thấy hình ảnh, vai trò và uy tín ngày càng cao của ASEAN, đồng thời phản ánh quan tâm và mong muốn của cộng đồng quốc tế về mở rộng quan hệ với ASEAN.    

Trong trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế, các nước cùng nhau chia sẻ đánh giá, quan điểm về nhiều vấn đề thuộc quan tâm chung như khủng bố, bạo lực cực đoan, an ninh hàng hải, tội phạm xuyên quốc gia, ... cũng như trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức.

Về Biển Đông, nhiều nước chia sẻ quan ngại về diễn biến phức tạp, trong đó có việc bồi đắp, quân sự hóa, các hoạt động làm gia tăng căng thẳng và những hệ lụy đối với hòa bình, an ninh khu vực. Các nước tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; các nguyên tắc về giải quyết hòa bình các tranh chấp, kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Nhiều nước khẳng định lại lập trường về Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Kết thúc các Hội nghị, nhiều văn kiện quan trọng đã được thông qua, gồm Thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49, Tuyên bố chung ASEAN về duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc về thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, một số Tuyên bố ARF về một số vụ khủng bố gần đây và tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển. Đối với các Hội nghị lần này, Chủ tịch Lào đã nỗ lực hoàn thành vai trò của Chủ tịch, bảo đảm thành công của sự kiện quan trọng này.

Với một chương trình nghị sự dày đặc và thảo luận đến nhiều vấn đề quan trọng như vậy, xin Thứ trưởng cho biết về sự tham gia, đóng góp của Việt Nam tại các Hội nghị lần này?

Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu tham dự các Hội nghị; trước đó, đã diễn ra các cuộc họp SOM trù bị của ASEAN, ASEAN+3 và EAS.

Với phương châm chủ động, tích cực và có trách nhiệm, đoàn Việt Nam đã có nhiều đóng góp hiệu quả và thực chất vào các kết quả của Hội nghị dưới nhiều hình thức. Đây là đợt công tác triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XII. Việt Nam tham gia các Hội nghị lần này cũng nhằm thúc đẩy đoàn kết, thống nhất, cùng các nước ASEAN xây dựng AC vững mạnh, tăng cường hợp tác giữa ASEAN với các đối tác và cũng qua đó, tăng cường quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước ASEAN và đối tác của ASEAN.

Tại tất cả các Hội nghị, đoàn Việt Nam đều có tham luận, chia sẻ đánh giá của ta và đưa ra nhiều đề xuất để tăng cường hợp tác ASEAN, thúc đẩy hợp tác ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác cũng như nêu quan điểm về các vấn đề khu vực, quốc tế quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Trước và trong quá trình diễn ra Hội nghị, đoàn Việt Nam tích cực phối hợp chặt chẽ với nước Chủ tịch, tham vấn các nước, đóng góp vào nội dung các văn kiện, thúc đẩy đồng thuận của ASEAN, bảo đảm thành công cho các Hội nghị cũng như uy tín và vai trò của ASEAN. Hội nghị Bộ trưởng ARF thông qua Tuyên bố về tăng cường hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển; đây là sáng kiến quan trọng của Việt Nam, được cả 27 nước thành viên ARF đánh giá cao trong bối cảnh tình hình an ninh biển trở nên phức tạp, cần nỗ lực tầm khu vực trong phối hợp ngăn ngừa và xử lý các sự cố phát sinh.

Về Biển Đông, đoàn Việt Nam đã chia sẻ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây và đang diễn ra, tái khẳng định lập trường của mình về bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và quan điểm về Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Trước những diễn biến gần đây nhất liên quan đến tiến trình ngoại giao và pháp lý, đoàn Việt Nam bày tỏ mong muốn các nước sẽ nỗ lực cùng nhau ổn định và lành mạnh hóa tình hình ở Biển Đông, bước sang một giai đoạn mới, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình; kêu gọi các bên liên quan triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin và ngăn ngừa sự cố trên biển, thúc đẩy đối thoại và thương lượng song phương đi đến kết quả mới, thực chất, phấn đấu đạt tiến bộ có ý nghĩa trong công việc giữa ASEAN và Trung Quốc về thực hiện hiệu quả DOC, sớm thông qua COC; đồng thời, kêu gọi các đối tác, cộng đồng quốc tế ủng hộ các nỗ lực giải quyết hòa bình tranh chấp, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và phát huy đóng góp của các cơ chế của ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Những đóng góp của đoàn Việt Nam nhận được sự hoan nghênh và đánh giá cao của các nước ASEAN và các đối tác.

PV.