Ảnh minh họa |
Dựa trên kết quả phân tích thành phần dinh dưỡng của các chuyên gia, những loài côn trùng ăn được thường rất giàu calcium, protein và có tỷ lệ cholesterol thấp, do đó rất tốt cho sức khỏe con người.
Lượng dinh dưỡng cao
Trong môt số loài, hàm lượng chất đạm có thể so sánh với với thịt bò nạc, hơn nữa nó lại có ít chất béo hơn thịt bò trong mỗi gram thức ăn. Ngoài ra những loài côn trùng ăn được còn chứa nhiều khoáng chất cần thiết cho cơ thể như sắt, magie, phốt pho, selen và kẽm. Theo một nghiên cứu, châu chấu cung cấp khoảng 20% protein và 6% chất béo, trong khi đó, thịt bò cũng chỉ chứa 24% protein và 18% chất béo. Dế cũng được cho là loại thực phẩm giàu calcium và sắt; ấu trùng tằm có thể cung cấp đồng và vitamin B2 cần thiết cho cả ngày hoạt động của cơ thể. Với giá trị dinh dưỡng cao như vậy, côn trùng có thể hỗ trợ giải quyết vấn đề thiếu lương thực ở một số quốc gia trên thế giới.
Hiệu quả kinh tế lớn
Việc nuôi côn trùng cũng tiết kiệm được nhiều chi phí khi mà chúng tốn ít thức ăn nhưng lại cho lượng thực phẩm cao hơn so với nuôi gia súc. Trung bình từ 2 kg thức ăn, côn trùng có thể chuyển đổi thành 1 kg thực phẩm. Trong khi đó, gia súc phải tốn tới 8 kg thức ăn để cung cấp cho chúng ta 1 kg thịt. Ở châu Phi, bốn chai lớn chứa đầy châu chấu có giá đến 20 USD. Một số loài sâu bướm ở miền nam Châu Phi và trứng kiến đan tơ ở Đông Nam Á được coi là món ăn đặc sản và có giá đắt đỏ. Trước đây, côn trùng được nuôi ở trang trại thường có kích thước nhỏ và chỉ phục vụ cho thị trường kinh doanh mồi câu cá. Nhưng từ khi côn trùng phát triển mạnh ở nhiều khu vực – từ sa mạc cho tới vùng núi cao và rất dễ thích ứng, các chuyên gia đã nhìn thấy tiềm năng rất lớn cho ngành công nghiệp nuôi côn trùng, đặc biệt là những loài côn trùng dùng làm thức ăn nuôi gia súc. Ngày nay nhu cầu về màu thực phẩm tự nhiên thay thế cho màu nhân tạo ngày càng tăng. Một số loài côn trùng có thể được dùng để chế tạo ra màu tự nhiên để chế biến thực phẩm. Loài cánh kiến thường có nguồn gốc từ Peru có thể chế tạo ra màu đỏ cho món rượu khai vị nổi tiếng của nước Ý hay tạo ra màu sắc đặc trưng cho một nhãn hiệu sữa chua dâu nổi tiếng thế giới. Rất nhiều các công ty dược phẩm cũng sử dụng màu tự nhiên chế tạo từ côn trùng để sản xuất thuốc.
Ít khí thải
Theo FAO, hầu hết các loài côn trùng dùng làm thức ăn đều tạo ra ít khí thải gây hiệu ứng nhà kính hơn so với gia súc. Các nhà khoa học so sánh mức độ thải chất ô nhiễm gây hiệu ứng nhà kính như methane và nitrous oxide - vốn làm nóng nhiệt độ toàn cầu cao hơn carbon dioxide - giữa súc vật nuôi và côn trùng. Chăn nuôi gia súc đóng góp 18% khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Giáo sư côn trùng học Arnold Van Huis tại Đại học Wageningen ở Hà Lan cho rằng nếu tính theo cân nặng thì so với các loại gia súc, lượng côn trùng tương đương thải ra ít hơn 80 lần khí methane và ít hơn 25 lần khí carbon dioxide, ví dụ như dế thải ra amoniac ít hơn từ 8 – 12 lần so với heo.
Với những giá trị vừa nêu trên, côn trùng được đánh giá là thân thiện với môi trường và có ích cho cuộc sống con người. Theo Ủy ban châu Âu ( EC), món súp bọ cạp và dế hầm nên sớm được đưa vào thực đơn hằng ngày của người dân. Họ đã quyết định chi 4 triệu USD để thực hiện dự án khuyến khích người dân ăn côn trùng. Tuy nhiên, một số người tỏ ra e ngại với nguồn thực phẩm mới này, vì hình dáng kinh dị của các loài côn trùng. Theo báo cáo của FAO, hiện nay có khoảng 2 tỷ người dùng côn trùng làm thực phẩm, phần lớn là ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ La tinh. Giáo sư Van Huis, một trong những tác giả của báo cáo cho biết, người Châu Âu có một thói quen nghĩ rằng bởi vì côn trùng chủ yếu đến từ các nước đang phát triển nên nó không hề tốt cho sức khỏe, vì vậy họ không có thói quen ăn côn trùng.
Giáo sư Marcel Dicke, chủ nhiệm nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Wageningen (Hà Lan) cho biết, người dân có thể mua côn trùng tại các siêu thị vào năm 2020 tới. Và sẽ chẳng có gì đáng kinh ngạc khi côn trùng được sử dụng trong chế biến các món ăn hằng ngày như thịt các loài gia cầm, gia súc khác.
Đoàn Ngọc