📞

Ấn Độ-Australia: Cùng thuyền nhằm cùng hội

Dịch Dung 16:58 | 08/06/2020
TGVN. Ấn Độ-Australia vừa nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện. Bộ đôi này theo đuổi mục đích gì khi khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đang nổi lên nhiều bộ tam, bộ tứ quyền lực mới. Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.
Trao đổi trực tuyến ngày 4/6 giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Australia Scott Morrison, nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. (Nguồn: CP Ấn Độ).

Ở thời dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra cương toả cả thế giới, các nơi đều gặp khó khăn với việc thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác song phương cũng như đa phương hay với việc xử lý các vấn đề mới nảy sinh liên quan đến đối tác bên ngoài. Trong bối cảnh tình hình như thế, việc có được tiến triển mạnh mẽ về lượng cũng như về chất trong quan hệ song phương như giữa Ấn Độ và Australia nhờ cuộc trao đổi trực tuyến đầu tiên giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Australia Scott Morrison là chuyện rất hiếm thấy.

Cùng nhìn xa để vươn xa

Ông Modi và ông Morrison nhất trí nâng tầm vóc và bản chất mối quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Australia lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Trong số 9 thoả thuận hợp tác được ký kết, đáng được để ý đến hơn cả là thoả thuận về hợp tác quân sự và an ninh, trong đó có việc hải quân của bên này được phép cặp bờ và sử dụng dịch vụ hậu cần ở hải cảng và quân cảng của bên kia.

Hai bên không chỉ gắn bó và tin cậy nhau hơn trên mọi lĩnh vực của quan hệ hợp tác mà còn làm cửa ngõ cho nhau để cùng nhìn xa và vươn ra xa, Ấn Độ về phía Đông và Thái Bình Dương, còn Australia về phía châu Á và Ấn Độ Dương. Trên thế giới hiện tại, không có nhiều đối tác gây dựng được với Ấn Độ và Australia mức độ quan hệ song phương như giữa Ấn Độ và Australia.

Thời xa xưa, người sau này trở thành Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, ông Jawaharlal Nehru, đã coi Australia như là một "bộ phận tự nhiên của Châu Á". Mấy tháng trước khi Ấn Độ trở thành nhà nước quốc gia độc lập năm 1947, ông Nehru đã mời Australia tham dự Asian Relations Conference tổ chức ở Delhi. Ấn Độ hướng về Phương Đông nên coi Nhật Bản và Asean là trọng tâm, nhưng nếu muốn vươn tới khu vực Thái Bình Dương thì lại không thể không cần đến Australia. Trong khi đó, Australia hướng về châu Á nên phải coi trọng Nhật Bản và Indonesia, nhưng nếu muốn vươn tầm nhìn vượt châu Á ra tới tận Ấn Độ Dương thì Ấn Độ là đối tác lý tưởng nhất.

Từ cùng thuyền đến cùng hội

Cả hai đều ở trên cùng thuyền khi cùng tham gia các khuôn khổ diễn đàn đa phương quan trọng đối với khu vực và thế giới như Nhóm G20, khuôn khổ diễn đàn Cấp cao Đông Á, thành viên của Indian Ocean Rim Association (IORA) và Tứ giác kim cương cùng với Mỹ và Nhật Bản. Bộ tứ này đang từng bước hiện thực hoá tham vọng định hình cấu trúc, cục diện và trật tự quyền lực và ảnh hưởng mới ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Nét đặc biệt ở đây là sự kết hợp giữa các cặp quan hệ song phương (giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) với các tam giác quan hệ (Mỹ - Nhật Bản - Australia, Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ, Ấn Độ - Australia - Mỹ, Ấn Độ - Australia - Nhật Bản) và quan hệ hợp tác bốn bên. Cục diện quan hệ lồng ghép này hiện cũng độc nhất vô nhị trên thế giới.

Ấn Độ và Australia đi từ cùng thuyền đến cùng hội để rồi dùng việc cùng hội giữ nhau trên cùng thuyền. Những lợi ích chiến lược cơ bản chung của hai bên vượt xa khuôn khổ và phạm vi của quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương. Trên những phương diện này, hai bên là đối tác rất quan trọng nhưng lại chưa phải là đối tác quan trọng nhất của nhau. Điều thôi thúc họ mạnh mẽ nhất và khẩn thiết nhất phải cùng hội với nhau là dựa vào nhau để gây dựng vị thế, vai trò và ảnh hưởng trong Tứ giác kim cương và để đối phó Trung Quốc.

Liên thủ để ứng phó

Vùng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ không chỉ vẫn chưa yên bình mà mới vừa đây thôi lại bùng phát xô xát giữa binh lính hai bên. Ngoài chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ dai dẳng, hai nước này còn cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt ở khu vực Nam Á.

Giữa Trung Quốc và Australia hiện cũng rất trắc trở và trắc trở trong cặp quan hệ song phương này trở nên càng ngày càng thêm nhạy cảm về mọi phương diện và vì thế càng khó khắc phục. Liên thủ để tạo thành trục quan hệ trong Tứ giác kim cương nói riêng và ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung sẽ giúp cho cả hai như thế đứng trên vai nhau để trở thành kẻ khổng lồ.

Mỹ và Nhật Bản hài lòng bao nhiêu về tiến triển mới này của quan hệ giữa Ấn Độ và Australia thì Trung Quốc sẽ phải tăng cường dè chừng bấy nhiêu. Không phải vì nâng tầm vóc và chất lượng mối quan hệ song phương với nhau như thế mà mối quan hệ của Ấn Độ và Australia với Trung Quốc rồi đây sẽ xấu đi mà chẳng qua Ấn Độ và Australia chuẩn bị sẵn sàng ứng phó cho trường hợp mối quan hệ của từng bên với Trung Quốc bị xấu đi.

Khu vực lớn nay có thêm cặp bài trùng mới.