Nhỏ Bình thường Lớn

Ấn Độ: Cường quốc kinh tế thế kỷ XXI

Thủ tướng Narendra Modi tự tin Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong năm năm tới, ngay trong nhiệm kỳ thứ ba của ông.
Ấn Độ bổ sung gần 55.000 km mạng lưới đường cao tốc quốc gia trên toàn quốc, tăng 60% về chiều dài tổng thể, trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2023. (Nguồn: Reuters)
Ấn Độ bổ sung gần 55.000 km mạng lưới đường cao tốc quốc gia trên toàn quốc, tăng 60% về chiều dài tổng thể, trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2023. (Nguồn: Reuters)

Thủ tướng Narendra Modi đã ghi dấu ấn vào lịch sử Ấn Độ, khi trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên nắm giữ ba nhiệm kỳ liên tiếp, kể từ thời Thủ tướng đầu tiên Jawaharlal Nehru. Dưới sự điều hành của ông, Ấn Độ - quốc gia đông dân nhất thế giới, đã đạt được vị thế nổi bật mới trên trường quốc tế, cải tổ kết cấu hạ tầng quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu của 1,4 tỷ người.

Khát vọng "Viksit Bharat” năm 2047

Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới với GDP khoảng 3.700 tỷ USD, đang nổi lên là nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới vào năm 2022, 2023 và được dự báo tiếp tục duy trì trong năm 2024. Năm 2023, Ấn Độ đạt tăng trưởng ấn tượng 7,6%, trong khi tăng trưởng toàn cầu chỉ 2,6%. Quyết giữ vững mục tiêu phát triển nhanh chóng và ổn định, Thủ tướng Modi hoài bão đưa đất nước thành quốc gia phát triển vào năm 2047.

“Thế giới của thế kỷ XXI đang hướng về Bharat (Thủ tướng Modi sử dụng tên Bharat như tên gọi chính thức của Ấn Độ thay cho India) với nhiều hy vọng. Chúng ta cần thay đổi tư duy truyền thống về cải cách. Bharat không thể giới hạn cải cách chỉ ở kinh tế, mà phải tiến trên mọi mặt của đời sống xã hội theo hướng đổi mới. Những cải cách phải phù hợp với khát vọng về một "Viksit Bharat" (Ấn Độ phát triển) vào năm 2047”, Thủ tướng Modi kêu gọi.

Tại sự kiện mừng chiến thắng nhiệm kỳ thứ ba (tháng 6/2024), Thủ tướng Modi không quên nhắc lại lời hứa thực hiện cam kết khi tranh cử là đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, từ vị trí thứ năm hiện tại và tiếp tục thực hiện thành công chương trình nghị sự.

Theo ước tính của Bộ Tài chính Ấn Độ vào cuối tháng 1/2024, kinh tế quốc gia Nam Á này được dự đoán sẽ bùng nổ trong những năm tới, trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2028, với GDP đạt 5.000 tỷ USD, vượt qua Đức và Nhật Bản.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hồi tháng 5/2024 nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong năm tài chính 2024-2025 từ 6,5% (được đưa ra hồi tháng Một) lên 6,8%, chủ yếu nhờ đầu tư công. Báo cáo của IMF còn nhấn mạnh, “Ấn Độ là nguồn gốc của những bất ngờ tăng trưởng tích cực liên tục, được hỗ trợ bởi nhu cầu nội địa mạnh mẽ, ổn định”.

Thực tế cho thấy, để biến Ấn Độ thành một cực tăng trưởng mới, trong thời gian qua, quốc gia này chú trọng thu hút FDI, đẩy mạnh nền sản xuất, từ máy móc, dây chuyền sản xuất và cơ sở hạ tầng trong nước, đồng thời tăng chi tiêu xây dựng đường sá, bến cảng và sân bay…

Theo kế hoạch, trong năm 2024 và xa hơn, Ấn Độ tập trung phát triển cơ sở hạ tầng logistics, tiếp tục tiệm cận mục tiêu trở thành một trung tâm sản xuất lớn tiếp theo của thế giới. Chính phủ chuẩn bị mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các công ty toàn cầu thành lập các trung tâm nghiên cứu sáng tạo và sản xuất khổng lồ ở Ấn Độ. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới như Amazon và Microsoft đổ hàng tỷ USD vào “thung lũng Silicon” Bangalore, trong khi các tập đoàn khổng lồ khác như Verizon, Nokia và Cisco đang đầu tư gấp đôi vào cường quốc kinh tế mới nổi này.

Ngoài ra, những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tiếp tục giữ vị trí xương sống trong nền kinh tế Ấn Độ, chiếm 95% số doanh nghiệp, tạo ra 30% GDP, chiếm hơn một nửa giá trị xuất khẩu và sử dụng 110 triệu lao động trực tiếp.

Thị trường tiêu dùng nội địa nước này cũng phát triển rất nhanh, cùng các ngành công nghiệp lớn mạnh, là yếu tố về lâu dài thu hút dòng vốn đầu tư toàn cầu. Minh chứng hướng đi tập trung phát triển nền công nghiệp là giải pháp bền vững của Ấn Độ.

Giải “bài toán cân não”

Ngày 30/7, phát biểu khai mạc Hội nghị Ngân sách liên bang 2024-2025: “Hành trình hướng tới Viksit Bharat”, Thủ tướng Narendra Modi tự hào khẳng định, Ấn Độ đang vững bước trên con đường trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

“Ấn Độ đang tăng trưởng nhanh và ngày mà đất nước trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, từ vị trí thứ năm hiện tại không còn xa nữa. Chính phủ của chúng tôi không thiếu ý chí chính trị và sẽ đưa ra mọi quyết định với phương châm 'lợi ích quốc gia là trên hết'”, Thủ tướng Modi phát biểu.

Tự hào về những thành tích đạt được trong thời gian qua, với tăng trưởng cao và lạm phát thấp, Ấn Độ trở thành ngọn hải đăng tăng trưởng ổn định, trong một thế giới đang phải đối mặt với lạm phát cao, tăng trưởng thấp, cùng hàng loạt thách thức địa chính trị. Thủ tướng Modi tin tưởng, “toàn thế giới đang để mắt đến Ấn Độ, các nhà đầu tư toàn thế giới đang háo hức đặt chân tới đây. Các nhà lãnh đạo thế giới tràn đầy quan điểm tích cực về Ấn Độ. Đây chính là cơ hội cho ngành công nghiệp Ấn Độ phát triển và chúng ta cần phải vươn lên mạnh mẽ để nắm bắt “cơ hội vàng”, đóng góp vào mục tiêu Viksit Bharat năm 2047!”, Thủ tướng Modi kêu gọi.

Trên thực tế, giới quan sát nhận định, Thủ tướng Modi bước vào nhiệm kỳ thứ ba với không ít “cơn gió ngược”, thậm chí những thách thức cần giải quyết cũng nhiều không kém thành tích mà ông đã đạt được.

Mặc dù kinh tế tăng trưởng ấn tượng, song phần lớn tài sản ngày càng tăng của đất nước lại được phân bổ không đồng đều. Dù có lợi thế về lực lượng lao động trẻ chất lượng và đông đảo (40% dân số Ấn Độ dưới 25 tuổi, nhiều người am hiểu công nghệ và nói tiếng Anh lưu loát), nhưng đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất là tầng lớp thượng lưu, trong khi phần đông người dân đang đối mặt với giá cả phi mã, tình trạng thất nghiệp tăng cao và bất bình đẳng thu nhập giãn rộng.

Với vị trí chiến lược ở châu Á và một nền kinh tế đang bùng nổ, những thành công của chính phủ Thủ tướng Modi được kỳ vọng vượt xa biên giới, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư hàng đầu thế giới. Mỹ từ lâu coi New Delhi là bức tường thành quan trọng trong khu vực nhằm đối trọng với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán. Nhưng Ấn Độ lại là đối tác gần gũi với Nga, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây...

Các nhà phân tích đánh giá, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đã sẵn sàng trở thành cường quốc kinh tế của thế kỷ XXI, nhưng việc cố gắng cân bằng lợi ích trong nước, cũng như “đi trên dây” trong quan hệ giữa các nước lớn vì lợi ích quốc gia tiếp tục là “bài toán cân não” trong nhiệm kỳ mới của nhà lãnh đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tỷ phú giàu nhất châu Á đang muốn đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tỷ phú giàu nhất châu Á đang muốn đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam

Ngày đầu tiên trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ, sáng 31/7, tại thủ đô New Delhi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ...

Doanh nghiệp Ấn Độ: Hợp tác với Việt Nam là một điều đáng tự hào

Doanh nghiệp Ấn Độ: Hợp tác với Việt Nam là một điều đáng tự hào

Chiều 31/7, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục dành thời gian tiếp một ...

Việt Nam-Ấn Độ: Hướng đến mục tiêu thương mại song phương đạt 20 tỷ USD

Việt Nam-Ấn Độ: Hướng đến mục tiêu thương mại song phương đạt 20 tỷ USD

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tiếp tục mở rộng hợp tác, đầu tư, ...

'Vũ khí bí mật' có thể giúp Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trong vài năm nữa

'Vũ khí bí mật' có thể giúp Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trong vài năm nữa

Ngày 12/7, Phó Thống đốc Ngân hàng dự trữ Ấn Độ (RBI - Ngân hàng trung ương Ấn Độ) Michael D Patra dự báo, quốc ...

Thủ tướng Modi: Ngày Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới không còn xa

Thủ tướng Modi: Ngày Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới không còn xa

Thủ tướng Narendra Modi tự tin rằng, Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới ngay trong nhiệm kỳ thứ ...