📞

Ấn Độ phê duyệt Quỹ 75 triệu USD phát triển dự án tại CLMV

10:42 | 08/09/2016
5 tỷ Rupee (khoảng 75 triệu USD) đã được Chính phủ Ấn Độ phê duyệt với mục tiêu tăng cường sự hiện diện của thương nhân Ấn Độ tại các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV).

Cùng với việc phê chuẩn, Chính phủ của Thủ tướng Modi vừa ra thông cáo về việc chấp thuận đề xuất dùng số tiền 5 tỷ Rupee trên để xây dựng Quỹ Phát triển Dự án (PDF) trị giá 5 tỷ Rupee.

“Được đánh giá là thị trường tiềm năng và là cửa ngõ để tiếp cận các thị trường khổng lồ như Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, sự hiện diện của Ấn Độ tại khu vực này còn hạn chế do thiếu thông tin, điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và những rủi ro tiềm ẩn”, thông cáo nêu rõ.

Hội nghị hợp tác Ấn Độ - các nước CLMV lần thứ ba (ngày 11-13/1), tại thành phố Chennai, bang Tamil Nadu, Ấn Độ. (Nguồn: Vietnam+)

Ấn Độ đang muốn tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực với mong muốn tận dụng lợi thế về nguồn nguyên liệu thô dồi dào, là đầu vào cho các ngành sản xuất.

Các nước thuộc CLMV đều là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ký nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các nước như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Australia. Khi các nhà đầu tư của Ấn Độ đầu tư vào các nước CLMV sẽ được hưởng các điều kiện thuận lợi về thuế quan do FTA mang lại.

Quỹ Phát triển dự án được điều phối bởi Hội đồng liên bộ do Thứ trưởng Thương mại đứng đầu, đặt trong Bộ Thương mại. Quỹ được giải ngân thông qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Exim Bank) Ấn Độ.

Chính phủ Ấn Độ kỳ vọng, Quỹ sẽ hỗ trợ tốt để phát triển thương mại trong khu vực, giúp cho cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ duy trì lợi thế cạnh tranh và mở rộng chuỗi cung ứng, đồng thời tăng cường hội nhập với mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Quỹ này lần đầu tiên được giới thiệu trong bản ngân sách năm 2015-2016 do Bộ trưởng Tài chính Ajun Jaitley trình bày tại Quốc hội vào tháng 3/2015. Sau đó, Bộ Thương mại và Exim Bank đã thực hiện nhiều đoàn khảo sát tiền khả thi tại các nước và đưa ra bản đề xuất, kiến nghị vào đầu năm 2016.

Nhiều chuyên gia Ấn Độ đánh giá, Việt Nam đang là nước có nhiều lợi thế nhất để các nhà đầu tư Ấn Độ triển khai dự án này, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may do Việt Nam là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu, Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP)…

Nội các đã phê duyệt Quỹ này ngay trước chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Modi đến Việt Nam, là một cam kết mạnh mẽ nữa để thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ.

(từ New Delhi)