Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết MPATGM có thể hoạt động hiệu quả trong cả điều kiện ngày và đêm. (Nguồn: India Today) |
Nhằm tăng cường đáng kể khả năng tự lực của Ấn Độ về công nghệ phòng thủ, Lục quân Ấn Độ đã kết thúc thành công các cuộc thử nghiệm trên thực địa đối với hệ thống tên lửa chống tăng vác vai có điều khiển (MPATGM) bản địa.
Trước thành công này, Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh đã ca ngợi việc Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Vũ khí (DRDO) và Lục quân Ấn Độ trong nỗ lực tiến hành các cuộc thử nghiệm thành công, đồng thời ca ngợi đây là một bước quan trọng hướng tới việc đạt được khả năng tự lực về công nghệ quốc phòng tiên tiến.
Hệ thống MPATGM do DRDO thiết kế và phát triển, bao gồm tên lửa, bệ phóng, thiết bị phát hiện mục tiêu và bộ phận điều khiển hỏa lực.
"MPATGM đã trải qua quá trình đánh giá nghiêm ngặt, thể hiện hiệu suất vượt trội trong nhiều hình thức bay khác nhau, bao gồm cả các cuộc thử nghiệm bay mang đầu đạn được thực hiện tại Trường bắn Pokhran ngày 13/4", Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông tin ngày 14/4.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã nhấn mạnh khả năng hoạt động hiệu quả của MPATGM trong cả điều kiện ngày và đêm, với thiết bị tìm kiếm mục tiêu giúp nâng cao hiệu quả tấn công xe tăng. Các cuộc thử nghiệm đã khẳng định MPATGM có khả năng đánh bại các xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại.
Chủ tịch DRDO Samir V Kamat chúc mừng các nhóm tham gia thử nghiệm thành công. Hệ thống này hiện đang chờ các bước đánh giá cuối cùng để đưa vào Lục quân Ấn Độ, đánh dấu một bước tiến đáng kể về năng lực công nghệ quốc phòng của Ấn Độ.
(theo Hindustan Times)