Tuy nhiên, WB lưu ý rằng tổng dân số của Ấn Độ vào khoảng 1,34 tỷ người, trong khi tổng dân số của Pháp ở mức 67 triệu người. Điều này đồng nghĩa với việc thu nhập bình quân đầu người tại Pháp vẫn cao hơn 20 lần so với Ấn Độ.
Nền kinh tế Ấn Độ đã phục hồi mạnh mẽ kể từ tháng 7/2017, sau vài quý sụt giảm. Hoạt động chế tạo và chi tiêu tiêu dùng được đánh giá là những động lực chính đối với kinh tế Ấn Độ trong năm ngoái.
Theo số liệu cập nhật của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2017 Ấn Độ đã vươn lên vị trí nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới, với tổng GDP khoảng 2.597 tỷ USD và đẩy Pháp xuống vị trí thứ bảy với GDP 2.582 tỷ USD. (Nguồn: Business Standard) |
Nền kinh tế Nam Á này đã chứng kiến GDP tăng gấp đôi trong một thập kỷ qua và dự kiến sẽ trở thành một trong những “đầu tàu” kinh tế tại châu Á, kể cả khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 7,4% trong năm 2018 và 7,8% trong năm 2019, nhờ những cải cách về thuế và chi tiêu của các hộ gia đình, cao hơn nhiều mức tăng trưởng trung bình của kinh tế thế giới (3,9%).
Cuối năm ngoái, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR), có trụ sở tại London (Anh) đã dự báo Ấn Độ sẽ vượt cả Anh và Pháp về tổng GDP trong năm 2018 và có khả năng sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2032.
Tính đến cuối năm 2017, Anh vẫn là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, với GDP 2.622 tỷ USD. Mỹ duy trì vị thế là nền kinh tế lớn nhất thế giới, tiếp theo lần lượt là Trung Quốc, Nhật Bản và Đức.