Để phục vụ tốt nhu cầu tham quan, vui chơi của du khách, thành phố Châu Đốc sẵn sàng cho mùa hành hương năm 2024.
Tượng Bà Chúa Xứ núi Sam trong chính điện. (Ảnh: Phương Nghi) |
Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lễ hội có thời gian kéo dài nhất, nhì cả nước (từ đầu tháng Giêng đến cuối tháng 4 âm lịch hàng năm). Lễ hội chính diễn ra từ ngày 19 đến 27/4 âm lịch, thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và cúng viếng.
Là lễ hội truyền thống được giữ gìn và thực hành qua nhiều thế hệ tại Châu Đốc, ngày 19/12/2014, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình lễ hội truyền thống.
Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, thu hút đông đảo khách hành hương từ mọi miền đất nước. Những ngày này, Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam luôn tấp nập, đông đúc, người lẫn xe nhích từng chút một. Dòng xe đổ về khu vực núi Sam đa số là khách hành hương đến từ các tỉnh lân cận đến cúng trả lễ và xin lộc đầu năm.
Khu vực phía trước chánh điện là nơi để lễ vật cúng, trả lễ bà, với đủ loại trái cây, gạo, muối, heo quay, nhang đèn, trầu cau, áo mão... được bày biện trang trọng trên những chiếc bàn cùng với hoa ly ly, huệ, cúc thơm nức. Tùy vào khả năng của mỗi người mà khách hành hương dâng lễ, cúng bà. Có khi đơn giản chỉ là bó nhang, người có điều kiện thì cúng heo quay, áo mão, khánh vàng, tiền mặt…
Lễ phục hiện rước tượng Bà Chúa Xứ từ đỉnh núi Sam xuống miếu tại Lễ hội vía Bà Chúa Xứ. (Ảnh: Phương Nghi) |
Anh Nguyễn Thanh Hoàng (ở TP. Hồ Chí Minh) đã có mặt ở Châu Đốc từ sáng sớm. Anh tâm sự: “Cứ đến đầu tháng 2 âm lịch hằng năm, gia đình tôi lại đến viếng Bà Chúa Xứ núi Sam để “trả lễ” và cầu mong một năm bình an, mua may bán đắt. Năm nào không tới viếng Bà, cảm thấy lòng bất an và tiếc lắm. Vì vậy, dù công việc bận đến đâu, tôi cũng cố gắng đến An Giang một chuyến. Nếu có thời gian thì đến bái Phật ở những ngôi chùa nổi tiếng vùng Bảy Núi và thăm cảnh vật yên bình nơi này. Mỗi lần thắp nén hương dâng lên Bà Chúa Xứ, tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng và tin tưởng cho chặng đường dài trong năm mới".
Không kém phần đông đúc, quá tải là khu vực phát lộc bà miễn phí (bên phải khu vực chánh điện). Hầu như khách hành hương đến đây sau khi dâng hương, khấn vái xong cũng đến quầy phát lộc để xin lộc bà. Dù mồ hôi đầm đìa trên mặt nhưng khi nhận được miếng lộc đỏ, người nào cũng tươi rói.
Trưởng ban Quản trị lăng miếu núi Sam, ông Nguyễn Phúc Hoan cho biết, tâm lý chung của mọi người đến cúng bà là cầu mong cho năm mới được bình an, làm ăn thuận lợi, gia đình khỏe mạnh, sung túc, hạnh phúc. Do đó, lượng khách hành hương năm sau cao hơn năm trước. Sau khi cúng bà, du khách sẽ đến thắp hương ở lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An… - những điểm tham quan nổi tiếng trong quần thể di tích núi Sam.
“Hiện nay, lượng khách đến viếng Bà tăng lên khá cao, bình quân 30.000 – 40.000 người/ngày và có thể tăng lên hơn 80.000 người/ngày vào dịp cuối tuần. Do đó, chúng tôi đã tăng cường đảm bảo an ninh trật tự và thường xuyên phát thanh cảnh báo du khách, giúp người hành hương yên tâm hơn; vệ sinh cảnh quan môi trường để phục vụ du khách...”, ông Hoan nói.
Kiến trúc độc đáo ở Tây An cổ tự. (Ảnh: Phương Nghi) |
Điểm đến đầu tiên không nên bỏ qua là khu du lịch núi Sam, địa điểm không chỉ lý tưởng cho chuyến du lịch hành hương, mà còn là nơi để bạn có thể tận hưởng không khí trong lành của núi Sam ở độ cao gần 300m. Trên đỉnh núi Sam, có bệ đá sa thạch, nơi đặt tượng Bà Chúa Xứ lúc xưa, ở đây, du khách có thể nhìn toàn cảnh thành phố Châu Đốc và kênh Vĩnh Tế. Dưới chân núi Sam, có chùa Tây An (còn được gọi là Tây An cổ tự). Năm 1980, ngôi chùa được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích “kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia”.
Cách Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam 50m là lăng Thoại Ngọc Hầu, với kiến trúc cổ đặc trưng vừa mang đậm dấu ấn tâm linh, vừa lưu giữ nhiều huyền thoại gắn liền với các nhân vật hào kiệt thời khẩn hoang mở đất.
Rời lăng, du khách đến với chùa Hang (còn gọi là Phước Điền tự) để ngắm nhìn toàn cảnh thành phố. Nét độc đáo của ngôi chùa không chỉ ở kiến trúc cổ, mà còn ở thế đứng. Chùa được chia thành nhiều tầng dọc theo lối cầu lộ thiên như được “treo” bên vách núi.
Tiếp đến, một trong những ngôi chùa thu hút đông đảo du khách, dân địa phương là chùa Bồ Đề, còn có tên gọi “Bồ Đề Đạo Tràng (Châu Đốc)”. Đây là điểm du lịch tâm linh quý của Việt Nam, bởi chùa là một trong những chùa trên thế giới có đến 3 Phật tích.
| Tháng Ramadan - Tháng yêu thương của đồng bào dân tộc Chăm An Giang Tháng Ramadan, đối với người Chăm tại An Giang có ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những lễ lớn nhất trong năm... |
| An Giang: Chính sách dân tộc làm đổi thay đời sống đồng bào dân tộc thiểu số Thời gian qua, tỉnh An Giang thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, từ đó đời sống vật chất và tinh thần của ... |
| Độc đáo văn hóa truyền thống của người Chăm An Giang Cộng đồng người Chăm tỉnh An Giang sống tập trung nhiều ở 2 huyện An Phú, Châu Thành và thị xã Tân Châu, hầu hết ... |
| Phụ nữ Chăm An Giang bằng tất cả tâm huyết giữ nghề truyền thống Khi nhắc đến người Chăm An Giang, không khó để liên tưởng ngay đến hình ảnh những phụ nữ thoăn thoắt bên khung dệt thổ ... |
| Lễ hội truyền thống làng cổ Bát Tràng: Hành trình khám phá miền di sản và nghệ thuật gốm độc đáo Ngày 23/3, Lễ hội truyền thống làng cổ Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội chính thức khai hội với nhiều hoạt động ... |