Tọa lạc tại xã Gia Thắng và xã Gia Tiến (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), Đền Thánh Nguyễn là ngôi đền cổ hiện thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không - một cao tăng có chức vị đứng đầu triều đại nhà Lý, được vua Lý Thần Tông phong làm Quốc sư.
Điều đặc biệt hơn là ngôi đền này đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1989...
Du khách địa phương tham Đền Thánh Nguyễn. (Ảnh: Phương Linh) |
Tin liên quan |
Ra mắt tour du lịch ‘Làng cá gỗ - sau ánh hào quang’ |
Vị Quốc sư lỗi lạc của nhà Lý
Thiền sư Nguyễn Minh Không tên húy là Nguyễn Chí Thành (1073-1141), người làng Điềm Xá, thuộc phủ Tràng An xưa.
Theo truyền thuyết, ông Nguyễn Minh Không là vị cao tăng đứng đầu của triều đại nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, cũng là người đầu tiên áp dụng phương pháp chữa bệnh bằng thuốc Nam và châm cứu.
Năm 1136, vua Lý Thần Tông hai mươi tuổi bị bệnh nặng. Lúc đó, trong cung không ai chữa khỏi, triều đình triệu nhà sư Nguyễn Minh Không vào cung và đã chữa khỏi bệnh lạ cho vua. Qua đó, được vua kính trọng phong là Quốc sư, chức vị cao nhất trong hệ thống tăng quan nhà Lý.
Theo ông Phạm Văn Lưu – người làm trong ban khánh tiết đền Thánh Nguyễn kể lại, thì vào khoảng năm 1121, ông Nguyễn Minh Không đã về quê Đàm Xá xây dựng một ngôi chùa nhỏ thờ Phật, tên là Viên Quang (Viên Quang tự) để tu tập và hành đạo cứu người.
Ông là người có công trong truyền bá đạo Phật, từng đi khắp nước Đại Việt, xây dựng hơn 500 ngôi chùa, có những ngôi chùa rất nổi tiếng còn tồn tại đến ngày nay: Chùa Bái Đính cổ, Địch Lộng, Non Nước (Ninh Bình); chùa Keo (Thái Bình); chùa Cổ Lễ (Nam Định); chùa Kim Liên (Hà Nội)…
Ông còn được nhân dân vinh danh là ông tổ của nghề đúc đồng, được thờ trang trọng ở nhiều làng nghề đúc đồng lâu đời ở Nam Định, Hà Nội, Thanh Hóa, Hưng Yên, Bắc Ninh...
Ông cũng là người có công đầu đúc tượng Phật chùa Quỳnh Lâm, đúc đỉnh đồng trên tháp Báo Thiên - hai báu vật trong “An Nam tứ đại khí” của Đại Việt thời bấy giờ.
Tháng 8/1141, Quốc sư Nguyễn Minh Không mất, người đời sau tôn ông là Đức Thánh, để tưởng nhớ công ơn, nhân dân đã chuyển chùa Viên Quang thành nơi thờ tự ông.
Kiến trúc cổ độc đáo
Ngôi đền cổ đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1989. (Ảnh: Phương Linh) |
Nằm trên mảnh đất dài 100m, rộng hơn 40m, Đền Thánh Nguyễn quay hướng Nam, nằm song song với đường Tiến Yết, hướng về Cố đô Hoa Lư nên được xem như một di tích thuộc "Hoa Lư tứ trấn".
Đền Thánh Nguyễn có bốn tòa, điển hình kiến trúc của thời Hậu Lê, vừa hài hòa, vừa trang nghiêm. Đầu tiên khi vào đền là Vọng Lâu được xây dựng trên nền chùa Viên Quang tự mà Nguyễn Minh Không đã lập.
Vọng Lâu kiến trúc mở nên không có các cánh cửa. Mặt trước và mặt sau đều có những bức Hoành phi và câu đối cổ. Ngoài ra, bên hồi trái Vọng Lâu là cây sách, bên phải là cây đèn đá đều là hình lục giác cao hơn 1m đặt trên bệ đá, là biểu tượng của trí tuệ.
Tiếp đến, tòa Tiền bái 5 gian có bốn hàng cột, mái lợp bằng ngói ta không có màu, mũi lượn tròn, phía dưới là ngói chiếu.
Trong Tiền Bái, có 5 bức cửa võng, đều được sơn son thếp vàng, chạm lưỡng long chầu nguyệt và tứ linh rất sinh động. Gian giữa trên cao ở phía ngoài có cuốn thư chạm khắc 4 chữ Hán. Các cột trong Tiền bái đều được treo nhiều câu đối ca ngợi công đức của Nguyễn Minh Không.
Tòa đệ nhị với kiến trúc mang đậm kiến trúc dân gian độc đáo, hai mái giao nhau rất khớp về độ cao, ăn ý, hài hòa với nhau.
Trong cùng là Chính tẩm năm gian theo phong cách nghệ thuật điêu khắc thế kỷ thứ XVII. Ngoài các hiện vật cổ quý báu đền Thánh Nguyễn còn lưu giữ 50 bản sắc phong thời Lê và Nguyễn.
Kiến trúc ngôi đền thể hiện bàn tay khéo léo, tài hoa của người nghệ nhân xưa, hòa nhập với núi sông, mây trời ở vùng Cố đô Hoa Lư tạo thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Sản phẩm du lịch "về cội nguồn"
Không chỉ tìm hiểu về văn hóa lịch sử, đến thăm đền Thánh Nguyễn du khách còn được trải nghiệm làng nghề Sinh Dược - tương truyền là nơi Thánh Nguyễn Minh Không trong quá trình tu hành đã tìm ra cây thuốc để chữa bệnh "hóa hổ" cho vua Lý Thần Tông và chữa bệnh cứu dân độ thế.
Với mong muốn đó người dân địa phương đã hình thành nên Hợp tác xã sản xuất đầy đủ các sản phẩm tiện dụng có nguồn gốc tự nhiên, phục vụ nhu cầu thiết yếu và chăm sóc sức khỏe con người bằng các phương thức cổ truyền đậm đà bản sắc Việt Nam như: Xà bông, muối tắm, muối ngâm, kem đánh răng, nước giặt…
Cùng bài thuốc cứu người, quê hương của Thánh Nguyễn Minh Không còn nổi tiếng với những làng nghề truyền thống như làng nghề bánh đa, nghề mây tre đan.
Hiện nay, làng nghề làm bánh đa Điềm Giang cũng là điểm đến thu hút du khách trong hành trình độc đáo này. Đây là loại bánh được người dân làm thủ công từ khâu ngâm gạo, xay, giã, tráng, phơi, tạo ra những sản phẩm chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và hướng tới các tiêu chí là sản phẩm OCOP của địa phương.
Người dân giới thiệu sản phẩm nghề truyền thống tại địa phương tới du khách. (Ảnh: Phương Linh) |
Hiện tại, Lễ hội đền Thánh Nguyễn diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 8-10/3 âm lịch). Đây là dịp nhân dân địa phương tri ân đức Thánh Nguyễn Minh Không, người con của đất Gia Viễn.
Đặc biệt, huyện Gia Viễn đã tiến hành tu sửa, chỉnh trang một số cơ sở tạo nên nép đẹp độc đáo cho lễ hội như các nghề truyền thống đơm đó tre để làm đèn lồng, ghép tranh từ những sản phẩm mây tre đan hay trưng bày các món ăn dân dã bánh đa, bánh đúc, dưa Gia Viễn, cá nướng Đại Hữu...
Những hình ảnh và hương vị dân dã tại phiên chợ quê ngày càng thu hút du khách thập phương về với lễ hội đền Thánh Nguyễn.
| Độc đáo di sản âm nhạc của người Ba Na Sinh hoạt trên sàn gỗ, quây quần bên đống lửa bập bùng, khi chuếnh choáng với cơn say, những điệu nhạc, lời hát người Ba ... |
| Nâng tầm di sản văn hoá phi vật thể ở Việt Nam Được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 là một tín hiệu mạnh mẽ về sự ủng hộ, ghi ... |
| Ra mắt tour du lịch ‘Làng cá gỗ - sau ánh hào quang’ Một tour du lịch văn hoá-lịch sử độc đáo mang tên 'Làng cá gỗ - sau ánh hào quang' vừa được ra mắt tại xã ... |
| Giới trẻ Việt tìm về nghệ thuật chèo Ngày càng có nhiều bạn trẻ quan tâm đến nghệ thuật chèo, trong đó có những sinh viên giàu nhiệt huyết của Trường Đại học ... |
| Ngoại giao văn hóa phục vụ phát triển bền vững Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, tình hình thế giới và khu vực biến động phức tạp, ngoại giao văn hóa đã gắn chặt ... |