📞

Ẩn số Nhật Bản trong cuộc đua 4.0

13:30 | 21/01/2018
Khi so sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, Klaus Schwab - sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) - cho rằng, CMCN 4.0 đang tiến triển theo một hàm số mũ chứ không phải là tốc độ tuyến tính, sự đột phá của nó không có tiền lệ.

Gạt bỏ mọi thách thức, Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã nhanh chóng cuốn không chỉ các quốc gia có tiềm lực lớn về khoa học, kỹ thuật vào cuộc đua quyết liệt, bởi đơn giản “không đua là chết”. Trong khi đó, dù vẫn có những lợi thế nhất định, nhưng các doanh nghiệp của nền công nghiệp hàng đầu châu Á - Nhật Bản đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia mới nổi. Doanh nghiệp Nhật Bản vượt trội về công nghệ, nhưng không được đánh giá cao trong kinh doanh quốc tế.

“Không đua là chết”

Trong khi năng suất và năng lực cạnh tranh của các quốc gia mới nổi ở châu Á đang ngày một tăng cao, Nhật Bản cần phải có những giải pháp mới nhằm bù đắp cho những thiếu sót của cấu trúc công nghiệp hiện tại. Chính phủ Nhật Bản sớm nhận thức rằng CMCN 4.0 là cơ hội lớn để nước này có thêm sức cạnh tranh mới, thoát khỏi hai thập kỷ kinh tế phát triển chậm chạp.

CMCN 4.0 là cơ hội lớn để Nhật Bản có thêm sức cạnh tranh mới. (Nguồn: Sdasia)

Năm 2016, Chính phủ Nhật Bản lập ra danh sách những thách thức cản trở sự phát triển bền vững của các quốc gia lớn, bao gồm: dân số già, mất cân bằng giới tính, thiên tai, khủng bố, hạ tầng lỗi thời, mật độ dân đô thị cao, thiếu tài nguyên thiên nhiên... Đáng tiếc, nền kinh tế thứ ba thế giới hội tụ đầy đủ các thách thức đó.  

Trước thách thức lớn nhất là sự tất yếu của vòng quay lịch sử, không thể đảo chiều, năm 2013, Nhật Bản công bố “Chiến lược toàn diện cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, trong đó tập trung thúc đẩy công nghệ số, công nghệ nano và công nghệ môi trường. Đến năm 2015, “Chiến lược cách mạng hóa robot” được đưa ra, bao gồm 3 mũi nhọn: Trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo robot của thế giới; Dẫn đầu thế giới về sử dụng robot trong xã hội; và Trình diễn với thế giới những sáng kiến robot Nhật Bản bằng cách dẫn đầu thời đại robot mới với ứng dụng IoT (Internet of Things).

Tiếp đó, tháng 1/2016, Nhật Bản công bố “Kế hoạch cơ bản về Khoa học và Công nghệ lần thứ 5” giai đoạn 2016 - 2020, trong đó nước này phấn đấu xây dựng một xã hội “siêu thông minh” hay “Xã hội 5.0”, để đối phó với các vấn đề của kỷ nguyên kỹ thuật số và những thách thức cản trở sự phát triển bền vững.

Ý tưởng xã hội 5.0 do Liên đoàn kinh tế lớn nhất Nhật Bản - Keidanren khởi xướng, triệt để lợi dụng kết nối Internet, giúp xã hội ổn định trong hoàn cảnh dân số suy giảm mạnh và kéo mọi người dân tham gia tích cực vào cuộc sống. Nói cách khác, các nguyên tắc của “xã hội 5.0” là “phân tích dữ liệu nhờ sức mạnh trí tuệ nhân tạo (AI)”. Chẳng hạn, dữ liệu trong sản xuất, sẽ được chuyển vào không gian ảo, phân tích, rồi trả trở về thế giới thực dưới dạng giải pháp công nghệ mới.

Không chỉ là “xã hội 5.0”

Mới đây, trên Tạp chí Expert, Giám đốc bộ phận quan hệ Chính phủ và công chúng của Tập đoàn Mitsubishi - Noritsugu Uemura cho biết, ngay bây giờ đã có thể thấy những sáng kiến của dự án này lan rộng trong xã hội Nhật Bản. Mọi người dân chia sẻ chung một tầm nhìn, mỗi doanh nghiệp tự quyết định phần đóng góp của mình cho sự phát triển của “xã hội 5.0”.

Dữ liệu vốn đã tồn tại từ rất lâu, nhưng chỉ trên giấy hoặc trong file Excel và chỉ được phân tích thủ công bởi con người. Còn bây giờ, trí tuệ nhân tạo đã thay thế vai trò này. AI còn được phát triển lên một tầm cao mới, nhờ khả năng tự học hỏi. Nó có thể tìm ra giải pháp hiệu quả giúp tăng cường sản xuất. Đây là một ví dụ cho thấy cách vận hành hiệu quả của nền kinh tế kỹ thuật số. Và không chỉ trong sản xuất, nó còn có thể áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực tài chính, trợ giúp các luật sư...

Các chính sách liên quan đến công nghiệp 4.0 đang được hình thành tại Nhật Bản với sự hợp tác rất tập trung và chặt chẽ của các tổ chức và doanh nghiệp. Nhật Bản không chỉ dựa vào hợp tác trong nước giữa các doanh nghiệp, mà còn đẩy mạnh liên kết với Chính phủ Đức và Mỹ để hình thành các tiêu chuẩn toàn cầu trong các công nghệ liên quan. Nhật Bản hi vọng, thông qua sự hợp tác với các doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành công nghệ thông tin và công nghiệp 4.0, Nhật Bản có thể đóng vai trò lớn hơn, gây ảnh hưởng đến các tiêu chuẩn quốc tế trong tương lai, nhờ đó các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ có được lợi thế trong sản xuất so với các quốc gia khác.

Với công nghiệp 4.0 và xã hội 5.0, Nhật Bản kỳ vọng sẽ thổi một luồng gió mới vào ngành sản xuất bằng cách kết hợp công nghệ thông tin vào sản xuất. Với sự phát triển của công nghệ cảm biến và IoT, doanh nghiệp Nhật Bản có thể thu thập dữ liệu về các hoạt động thực tế của cá nhân và doanh nghiệp, bao gồm thông tin về sức khoẻ, dữ liệu giao thông và dữ liệu về tình trạng hoạt động của các thiết bị và cơ sở sản xuất. Những dữ liệu thực này có thể sẽ được sử dụng cho nhiều ứng dụng trong tương lai.

Hơn nữa, việc sử dụng các dữ liệu này sẽ giúp cải thiện nhanh chóng và hiệu quả hoạt động tại các nhà máy, đồng thời thúc đẩy tuỳ biến sản xuất hàng hoá và dịch vụ nhanh chóng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, mà không làm tăng chi phí sản xuất. Nhờ đó, các doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng sẽ đạt được lợi thế cạnh tranh quốc tế nhờ chiến lược sử dụng dữ liệu, để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo, có thể đáp ứng nhu cầu của “các thượng đế”, mà giới doanh nghiệp không thể nắm bắt được với cơ sở dữ liệu trước đây.