Người dân đổ xô đi mua các thiết bị chống nóng. |
Theo thống kê ban đầu của các siêu thị chuyên doanh hàng điện lạnh, trung bình lượng khách hàng tăng lên gấp hơn 2 lần so với ngày thường, thậm chí nhiều siêu thị không đủ lực lượng đi lắp đặt. Ông Ngô Thành Đạt, Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần PICO cho biết: riêng ngày nắng nóng cực điểm hôm 8/6, công ty bán ra 357 bộ điều hòa, trong khi ngày thường chỉ bán khoảng 100 bộ, quạt các loại bán tăng gấp 4-5 lần so với con số 100 cái của ngày thường, tủ lạnh những ngày thứ 7 và chủ nhật cũng bán từ 200-250 chiếc, tăng hơn 2 lần so với mức trung bình 80-90 cái mỗi ngày.
Tuy tình hình tiêu thụ các mặt hàng chống nóng ở Hà Nội đang “nóng” lên trong những ngày này, nhưng nhìn chung, giá cả các mặt hàng này tương đối ổn định, không xảy ra hiện tượng thừa cơ tăng giá bất thường. Hầu hết các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh đồ điện lạnh đều giữ giá để đảm bảo uy tín trong kinh doanh và quyền lợi khách hàng, mặc dù họ gặp rất nhiều sức ép đòi tăng giá điều hòa của các nhà cung cấp. Đến thời điểm này, các siêu thị điện máy chưa gặp một phản ứng nào từ phía khách hàng về giá cả cũng như chất lượng hàng hóa. Một mặt nguồn hàng cung cấp cho khách hàng cũng ổn định, không xảy ra hiện tượng khan hiếm, cháy hàng.
Những ngày qua, giá tôm sú, cá tra đều có xu hướng giảm mặc dù Bộ NN&PTNT và VASEP dự báo nguồn cung nguyên liệu thủy sản năm nay trong tình trạng thiếu hụt. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết giá tôm cá mấy ngày qua bị giảm gây dư luận không tốt trên thị trường. Riêng dự báo về khả năng cung ứng nguyên liệu cá năm nay, ông Hòe cho rằng tình hình giá thức ăn thủy sản còn cao, nông dân nuôi cá lỗ trong năm ngoái tới mức phải “treo ao” là có thật và tác động tới tình hình nguồn cung trong năm nay. Vừa bắt đầu bước vào vụ nên mặt hàng vải thiều rất được giá. Mỗi kg vải mua tại gốc khoảng 4-5.000 đồng, nhưng xuất bán tại thị trấn Hà Khẩu với giá khoảng 10-13.000 đồng. Nguyên nhân của việc vải được giá là do năm nay mất mùa, biểu thuế suất bằng không cộng với thủ tục cấp C/O (giấy tờ xuất xứ hàng hóa của phía Trung Quốc theo quy định của WTO) đã được cải tiến nhanh hơn trước, nên thương lái vải rất phấn khởi.
Thời gian qua, hàng loạt các công trình, dự án lớn đang bị “đóng băng” đã dần khôi phục trở lại nhờ các gói kích cầu của Chính phủ đã phát huy tác dụng. Chính điều đó đã góp phần không nhỏ “hâm nóng” thị trường thép hiện nay, đặc biệt là thép xây dựng. Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 5/2009 nhiều nhà máy cán thép đã hoạt động trở lại nên sản lượng sản xuất thép tháng 5 tăng đáng kể, chỉ tính riêng thép tròn ước đạt 451 nghìn tấn, tăng 49,5% so với tháng 5/2008; tính chung 5 tháng ước đạt 1,84 triệu tấn, tăng 13,2% so với cùng kỳ. Lượng thép tồn kho các loại ước khoảng 180 nghìn tấn. Tiêu thụ thép trong tháng 5 đã giảm nhẹ, nhưng vẫn ở mức cao.
Giá phôi thép nhập khẩu hiện đang tăng nhẹ (thị trường ASEAN nhích lên 420-430 USD/tấn). Ở trong nước, giá thép tăng chậm hơn mức tăng của tháng 4. Giá thép cuộn giao tại nhà máy giữ mức 10,24 triệu đồng/tấn, thép cây 10,76 triệu đồng/tấn (tăng 150.000 đ/tấn); Giá bán lẻ thép cuộn #6-#8 trên thị trường phía Nam khoảng 11,8 triệu đồng/tấn, phía Bắc khoảng 10,35 triệu đồng/tấn.
Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo, nếu không có biến động lớn về giá từ nay đến cuối năm, sản lượng tiêu thụ thép cả năm 2009 sẽ đạt khoảng 3,8 triệu tấn, tương đương với lượng thép tiêu thụ trong năm 2008.
Nguyễn Minh