Kết thúc lịch trình tham dự Phiên họp cấp cao Khóa 55 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sỹ), sau hơn một giờ bay từ sân bay Zurich, đoàn chúng tôi đã đặt chân tới Dublin, thủ đô của nước Cộng hòa Ireland. Trong hai ngày thăm chính thức, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã có buổi làm việc ở cấp cao nhất với lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội Ireland.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn thăm Thư viện cũ và sách của Kells. (Ảnh: Nhất Phong) |
Cổ kính và hiện đại
Thủ đô Dublin hình thành từ cách đây hơn 1.000 năm dọc hai bên bờ sông Liffey. Với lịch sử truyền thống lâu đời, nơi đây thường xuyên được nhiều tạp chí du lịch nổi tiếng bình chọn là một trong những thành phố đẹp nhất châu Âu.
Màu sắc chủ đạo của nhiều tòa nhà ở đây là gạch đỏ hồng xưa cũ, thỉnh thoảng xen những khu phố được quy hoạch nhiều màu sắc vui mắt nhưng không kém phần tinh tế. Pha trộn hài hòa giữa nét truyền thống và hiện đại, bên cạnh vẻ đẹp thanh bình, hiền hòa vốn có, Dublin còn tạo sức hút bởi nhịp sống sôi động, vui vẻ, rộn ràng mỗi khi tan sở. Các quán cà phê san sát nhau luôn đông đúc người ra vào sau giờ làm và những con phố náo nhiệt dưới ánh đèn màu.
Nói âm nhạc là một phần trong hơi thở của Dublin quả không sai bởi hầu như lần nào đi dạo trong thành phố, đoàn chúng tôi đều bắt gặp những giai điệu dân ca Ireland, vang lên khắp mọi ngõ ngách, thổi bùng sức sống cho những con phố hàng trăm năm tuổi. Điều này dễ hiểu khi nơi đây là quê hương của rất nhiều nhóm nhạc nổi tiếng thế giới như U2, The Cranberries, Boyzone, Westlife, The Corrs…
Niềm nở, thân thiện và mến khách có lẽ sẽ là ba từ miêu tả đúng nhất đặc điểm của người dân Dublin nói riêng và Ireland nói chung. Trong suốt thời gian lưu lại thủ đô, từ anh nhân viên khách sạn cho tới bác lái xe trong đoàn luôn chào đón chúng tôi với nụ cười ấm áp, dễ mến và sẵn lòng chỉ dẫn những địa điểm tham quan thú vị, những món ăn ngon và phong tục văn hóa của địa phương.
Có dịp trò chuyện với bác lái xe của đoàn tên Patrick, tôi mới biết người dân Ireland vốn nổi tiếng với văn hóa craic (vui vẻ) – một từ rất phổ biến trong văn hóa của quốc đảo này và thường được sử dụng cùng với câu “What’s the craic?” để chào hỏi nhau, có nghĩa là “Bạn khỏe không?” hoặc “Điều gì đang xảy ra vậy?”.
Thời tiết là điều khiến chúng tôi bất ngờ và ấn tượng nhất khi đến với Ireland, đặc biệt bởi sự biến đổi nhanh ngoài sức tưởng tượng! Một buổi chiều nắng đẹp vàng như mật ngọt không gợn mây có thể được thay thế bằng một cơn mưa phùn với mây đen kín đặc bầu trời trong vòng chưa đến 10 phút.
Có lẽ vì sự thất thường và “đỏng đảnh” này mà đoàn chúng tôi luôn được dặn mang theo ô mỗi khi đi ra đường. Và cũng theo như lời “bật mí” của bác Patrick, văn hóa craic cũng được bắt nguồn từ thái độ của người dân Ireland đối với thời tiết “sáng nắng chiều mưa” nơi đây, khi đón nhận mọi thứ trong cuộc sống một cách nhẹ nhàng như họ đón nhận tính thất thường của thời tiết.
Những bảo tàng độc đáo
Xen kẽ giữa lịch trình làm việc bận rộn, đoàn được bố trí ghé thăm một số bảo tàng nổi tiếng tại Dublin như Thư viện cũ và sách của Kells (The Book of Kells), Bảo tàng bia Guinness (Guinness Storehouse) và Bảo tàng Di cư Ireland (EPIC the Irish Emigration).
Nằm trong khuôn viên của Đại học danh tiếng Trinity College Dublin, Thư viện cũ và sách của Kells liên tục được các tổ chức uy tín trên thế giới bình chọn là một trong những thư viện đẹp nhất thế giới. Đây cũng là thư viện lớn nhất ở Ireland, và là “thư viện bản quyền” duy nhất, sở hữu tất cả những đầu sách có bản quyền xuất bản ở Ireland và Vương quốc Anh.
Bên trong thư viện là căn phòng The Long Room, với chiều dài 65m, nơi chứa đựng khoảng 200.000 thư tịch cổ nhất của thư viện. Ngoài những giá sách đồ sộ có tuổi đời hàng trăm năm, đoàn chúng tôi còn được tận mắt chiêm ngưỡng “báu vật” của thư viện - hai trong số bốn quyển sách kinh Tân ước Book of Kells có từ thế kỷ IX, hiện đang được trưng bày tại đây.
Với những người vốn yêu thích bia và lịch sử thì Bảo tàng bia Guinness sẽ là điểm đến tuyệt vời trong chuyến hành trình khám phá thủ đô của Ireland. Nằm ở trung tâm của Nhà máy bia St. James's Gate huyền thoại, tòa nhà Guinness Storehouse có từ năm 1904 và được xây dựng theo phong cách của Trường Kiến trúc Chicago. Nơi đây từng là nhà máy lên men của nhà máy bia, sau đó được thiết kế thành không gian trải nghiệm sáng tạo gồm bảy tầng dành riêng cho du khách muốn tìm hiểu về lịch sử sản xuất loại bia nổi tiếng thế giới này.
Hướng dẫn viên của Bảo tàng, cho biết, kỷ lục Guinness và bia Guinness đã trở thành niềm kiêu hãnh của người dân Dublin. Lý do chủ nhân và là sáng lập viên Hãng bia Guinness, ông Arthur Guinness là người khởi xướng ấn hành văn phẩm tượng trưng cho văn hóa hiện đại ghi các kỷ lục thế giới - hay còn được biết đến là kỷ lục Guinness hiện nay. Kết thúc hành trình, đoàn thăm Gravity Bar trên tầng bảy, nơi có thể ngắm nhìn toàn cảnh Dublin từ trên cao và được thưởng thức bia miễn phí.
Điểm cuối trong chặng hành trình khám phá thủ đô Dublin của chúng tôi là Bảo tàng Di cư Ireland. Vào cuối những năm 1840, do khoai tây mất mùa trong nhiều năm liên tiếp, nạn đói khủng khiếp xảy ra: một triệu người chết do nạn đói và bệnh dịch và khoảng hai triệu người di cư trong 10 năm từ năm 1845 đến năm 1855, vì vậy di cư đã trở thành nét đặc trưng chi phối xã hội Ireland.
Trong vòng hơn một giờ đồng hồ với tấm “hộ chiếu đặc biệt”, chúng tôi có dịp ghé thăm 20 phòng trưng bày được do công ty Event Communications thiết kế. Toàn bộ lịch sử về quá trình di cư của người Ireland được kể lại một cách sống động và sáng tạo dưới những hình ảnh, hiệu ứng, trò chơi tương tác, trải nghiệm thực tế ảo… Giống như một chuyến phiêu lưu du hành ngược thời gian, khách tham quan được biết lý do tại sao người Ireland lại di cư, nơi họ đến và cách họ duy trì mối quan hệ với gia đình, tổ tiên; câu chuyện về những nhân vật nổi tiếng thế giới có nguồn gốc Ireland trong nhiều lĩnh vực khác nhau như âm nhạc, văn học, mỹ thuật, khoa học…
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chụp ảnh lưu niệm với đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Ireland. (Ảnh: Nhất Phong) |
Tấm lòng người Việt
Một trong những điểm nhấn của chuyến công tác lần này là buổi giao lưu, gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn với cộng đồng người Việt Nam tại Ireland trong không gian ấm cúng của Nhà hàng ẩm thực Việt Hanoi Hanoi. Mặc cơn mưa to bất chợt trước đó, rất đông bà con người Việt đã đội mưa có mặt từ rất sớm để được đón tiếp và trò chuyện cùng Bộ trưởng.
Theo Đại sứ Nguyễn Hoàng Long, cộng đồng người Việt Nam tại Ireland hiện có gần 6.000 người. Bà con đều thực hiện tốt pháp luật và hòa nhập tốt với cộng đồng sở tại; luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau và hướng về quê hương, đất nước. Đại diện cộng đồng, ông Đinh Đình Thủy, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ireland cho biết, hằng năm, Hội thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, phong trào vui chơi giải trí, quyên góp từ thiện, Tết cộng đồng, hội chợ ẩm thực giới thiệu văn hóa, món ăn Việt Nam tới nước sở tại…
Bà con mong muốn Đảng, Nhà nước có thêm nhiều chính sách và nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực hơn nữa để bà con có nhiều cơ hội hơn đóng góp cho quê hương; các hoạt động quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam ở sở tại, giúp bà con tự tin hơn trong cuộc sống, học tập, công tác, làm việc.
Đáp lại tình cảm của cộng đồng người Việt Nam tại Ireland, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ xúc động, gửi lời thăm hỏi ân cần và những tình cảm ấm áp, tốt đẹp nhất tới toàn thể bà con đang sinh sống, lao động, học tập, công tác tại Ireland. Bộ trưởng khẳng định: “Đảng và Nhà nước luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Bộ Ngoại giao, với tư cách quản lý Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và hệ thống Cơ quan đại diện, yêu cầu các cơ quan phải coi cộng đồng người Việt Nam như người thân trong gia đình, hỗ trợ, tạo điều kiện để bà con ổn định, hội nhập vào xã hội sở tại, giữ gìn ngôn ngữ, bản sắc văn hóa Việt Nam; đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Bộ trưởng đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Anh kiêm nhiệm Ireland tiếp tục quan tâm và làm tốt hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài; trước hết là thực hiện các thủ tục liên quan bà con thuận lợi nhất; có cơ sở dữ liệu đầy đủ để chăm lo đầy đủ đời sống vật chất và tinh thần của người Việt; thường xuyên có sự kết nối với bà con, hỗ trợ tích cực các hoạt động của cộng đồng và sớm thành lập Hội doanh nhân Việt Nam tại Ireland.
Kết thúc buổi gặp mặt, Bộ trưởng gửi lời nhắn nhủ, mong cộng đồng người Việt Nam ở Ireland ngày càng phát triển lớn mạnh, đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau; cố gắng giữ gìn tiếng Việt, văn hóa Việt Nam.
| Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn gặp Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện Ireland Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ireland, chiều 29/2 (giờ địa phương), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc gặp với ... |
| Việt Nam mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Ireland Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Ireland Micheal Martin, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đang ... |
| Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tiếp Lãnh sự Danh dự Việt Nam tại Dublin (Ireland) Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ireland, chiều 29/2 (giờ địa phương), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp ông Patrick Gerard McKillen, ... |
| Ireland ủng hộ EC sớm gỡ bỏ 'thẻ vàng' IUU đối với hàng thủy sản Việt Nam Trong khuôn khổ chương trình thăm chính thức Ireland, sáng 29/2 (giờ địa phương), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc hội ... |
| Mở cánh cửa mới cho hợp tác Việt Nam - Ireland Chuyến thăm Ireland của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh dấu giai đoạn phát triển mới trong quan hệ giữa hai nước… Đại ... |