Ảnh ấn tượng (20-26/11): Nga nhận định việc phương Tây độc quyền công nghệ AI, Ukraine-Lithuania bàn ‘công thức hòa bình’, tạm dừng chiến ở Gaza
Dương Liễu
08:02 | 27/11/2023
Xung đột Nga - Ukraine, Tổng thống Putin nói không chấp nhận được việc các nền tảng phương Tây giành độc quyền về công nghệ AI, bom đạn ở chiến sự Israel-Hamas, Lễ tạ ơn tại Mỹ… là những ảnh ấn tượng trong tuần do CNN, Reuters, The Guardian… tổng hợp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) và Giám đốc điều hành Sberbank German Gref (trái) tham quan triển lãm về trí tuệ nhân tạo (AI) ở Moscow, Nga, ngày 24/11. Ông Putin cho biết sẽ sớm phê chuẩn chiến lược mới về phát triển AI và nâng đáng kể số lượng các siêu máy tính, đồng thời cảnh báo rằng sẽ rất nguy hiểm và không thể chấp nhận được nếu cho phép các nền tảng phương Tây giành độc quyền về công nghệ AI. (Nguồn: Sputnik/AP)
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden thăm Trạm hải quân Norfolk ở Norfolk, Virginia, Mỹ, ngày 19/11, bắt đầu tuần Lễ tạ ơn, cùng thưởng thức bữa ăn “Lễ tạ ơn bên bằng hữu” với các quân nhân và người thân của họ. (Nguồn: CNN)
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (giữa), Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) Azali Assoumani (phải) và Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat tại buổi họp báo ở Berlin, Đức, ngày 20/11, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Đức-châu Phi. Tại Hội nghị, Đức thông báo sẽ cung cấp khoản viện trợ bổ sung trị giá 4,4 tỷ USD cho châu Phi đến năm 2030 để hỗ trợ đầu tư theo Sáng kiến năng lượng xanh châu Phi-EU. (Nguồn: Clean Energy Wire)
Thủ tướng Anh Rishi Sunak phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh an ninh lương thực toàn cầu tại tòa nhà Lancaster, London, Anh, ngày 20/11. Sự kiện được tổ chức theo sáng kiến của Thủ tướng Anh Rishi Sunak, đưa ra vào tháng 9/2023, sau khi Nga tuyên bố rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, với sự tham gia của đại diện từ 20 quốc gia, trong đó có Somalia, UAE, Brazil, Pakistan, Yemen, Ethiopia, Tanzania, Malawi, Mozambique, Indonesia... và các tổ chức quốc tế như Tổ chức Lương thực thế giới, Tổ chức Y tế thế giới thuộc Liên hợp quốc. (Nguồn: AP)
Vua Charles III của Anh trao tặng Huân chương đế chế Anh cho ban nhạc Blackpink vì những đóng góp của họ cho nghệ thuật và khoa học tại London, Anh, nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tới xứ sở sương mù, ngày 22/11. (Nguồn: Getty)
Thủ tướng Czech Petr Fiala (đeo kính) trong lễ đón người đồng cấp Slovakia Robert Fico thăm Prague, ngày 24/11. Phát biểu họp báo sau hội đàm, Thủ tướng Fico cho biết, hai bên có quan điểm giống nhau về hầu hết các vấn đề, ngoại trừ việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. (Nguồn: AP)
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal (phải) và người đồng cấp Lithuania Ingrida Simonyte ký kết thỏa thuận hợp tác tại Kiev, Ukraine, ngày 24/11. Hai bên thảo luận về việc tăng cường phòng không và ‘công thức hòa bình’ của Tổng thống Volodymyr Zelensky. (Nguồn: Ukrinform)
Ứng cử viên theo đường lối cực hữu Javier Milei phát biểu trước công chúng ở Buenos Aires sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Argentina, ngày 19/11. Theo kết quả chính thức, ông Milei giành được khoảng 56% phiếu bầu, trong khi đối thủ của ông, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Sergio Massa, giành được 44%. (Nguồn: Getty)
Người phụ nữ đi dạo tại công viên ở Kiev, Ukraine, trong đợt tuyết rơi đầu mùa, ngày 22/11. (Nguồn: Reuters)
Binh sĩ Ukraine bắn pháo về hướng Bakhmut, Ukraine, ngày 18/11. (Nguồn: Getty)
Nhân viên cứu hộ làm việc tại một bệnh viện ở Selydove, Ukraine, ngày 21/11, sau khi cơ sở này bị tấn công tên lửa trong xung đột với Nga. Cuộc xung đột nổ ra từ tháng 2/2022 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm căng thẳng. (Nguồn: Reuters)
Người dân Palestine tìm kiếm những người sống sót sau cuộc tấn công của Israel ở Rafah, Gaza, ngày 22/11. Theo Văn phòng truyền thông của phong trào Hamas, tính đến ngày 21/11, số người Palestine thiệt mạng do xung đột ở Dải Gaza đã vượt qua 14.000 người kể từ ngày 7/10. (Nguồn: AP)
Người dân Palestine chạy trốn khỏi miền Bắc Gaza, ngày 24/11. Tuần qua, Israel và Hamas đạt thỏa thuận ngừng bắn trong 4 ngày, bắt đầu từ 24/11. Theo đó, Israel ngừng chiến dịch trên không và trên bộ tại Dải Gaza; Hamas thả 50 phụ nữ và trẻ em để đổi lấy 150 phụ nữ và trẻ em Palestine phía Israel đang giam giữ. (Nguồn: Getty)
Người di cư vượt biên giới giữa Mexico và Mỹ ở Ciudad Juarez, Mexico. Được thúc đẩy bởi các tin đồn trên mạng về những thay đổi trong luật nhập cư, một số người đã cố gắng vượt biên và xin tị nạn nhân đạo. (Nguồn: Getty)
Lò nấu chảy vũ khí cũ tại một nhà máy thép ở Nobsa, Colombia, ngày 21/11. Khoảng 53.000 khẩu súng đã được nung chảy để luyện thép nhằm hỗ trợ các dự án xã hội vào năm 2024. (Nguồn: Getty)
Bức ảnh chụp từ trên không vào ngày 19/11 cho thấy một khu phố bị ngập lụt do mưa lớn ở Encantado, Brazil. Đợt lũ lụt và lở đất vừa qua ở miền Nam nước này đã khiến ít nhất 6 người thiệt mạng. (Nguồn: Getty)
Các tín đồ đạo Hindu thờ thần Mặt trời đứng giữa dòng sông Yamuna bị ô nhiễm nhân lễ hội Chhath Puja ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 20/11. (Nguồn: Reuters)
Người dân xem bóng bay khổng lồ Pillsbury Doughboy trong cuộc diễu hành nhân ngày Lễ tạ ơn của hệ thống cửa hàng bán lẻ Mỹ Macy's, ngày 23/11 tại New York. Cuộc diễu hành hằng năm của Macy's thường thu hút sự chú ý bởi bóng bay khổng lồ hình các nhân vật và tiết mục biểu diễn của các ban nhạc. (Nguồn: Getty)
Người hâm mộ chờ đợi bên ngoài sân vận động Nilton Santos để xem buổi biểu diễn của nữ ca sĩ Mỹ Taylor Swift, ở Rio de Janeiro, Brazil, ngày 20/11. (Nguồn: Reuters)
Các vận động viên dự lễ khai mạc Great Ethiopian Run, giải chạy đường trường 10km ở Addis Ababa, Ethiopia, ngày 19/11. Đây là sự kiện được tổ chức vào cuối tháng 11 hằng năm tại Addis Ababa. (Nguồn: Getty)
Công nhân trang trí cây thông Noel tại quảng trường Syntagma ở Athens, Hy Lạp, ngày 20/11. (Nguồn: Reuters)
Những chiếc khinh khí cầu bay qua công viên Metropolitano trong lễ hội khinh khí cầu quốc tế ở Leon, bang Guanajuato, Mexico, ngày 19/11. (Nguồn: Reuters)
Con chim bói cá săn mồi ở Hesse, Đức, ngày 17/11. (Nguồn: Shutterstock)
Trở lại Nhà Trắng một cách mạnh mẽ, áp đảo, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ 'đối đãi' với thế giới như thế nào trong nhiệm kỳ 2.0 vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Chuyên gia Trung Quốc: Bài viết 'Chống lãng phí' của Tổng Bí thư Tô Lâm nêu bật nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam trước cơ hội lịch sử của “kỷ nguyên vươn mình".