Ảnh ấn tượng (29/7-4/8): Mỹ-Nga trao đổi tù nhân phức tạp nhất lịch sử, ông Putin ra tận sân bay đón người; Kiev muốn Bắc Kinh làm điều này với Moscow
Dương Liễu
07:55 | 05/08/2024
Xung đột ở Ukraine, Nga-Mỹ trao đổi tù nhân phức tạp nhất lịch sử, Tổng thống Putin đích thân ra sân bay đón người, thủ lĩnh Hamas bị ám sát, căng thẳng Hezbollah-Israel, Thế vận hội Paris 2024… là những ảnh ấn tượng trong tuần do CNN, Reuters, The Guardian… tổng hợp.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni gặp nhau tại Bắc Kinh, ngày 29/7. Tại cuộc gặp, hai bên đề cập "các vấn đề ưu tiên trong chương trình nghị sự quốc tế, từ xung đột ở Ukraine đến những rủi ro về tình hình leo thang hơn nữa ở Trung Đông. Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về "những căng thẳng gia tăng" ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cùng một số vấn đề quản trị toàn cầu quan trọng nhất vì lợi ích chung, từ trí tuệ nhân tạo đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và tiến trình cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Nguồn: EPA)
Tổng thống Nga Vladimir Putin ra sân bay Vnukovo-2 ở ngoại ô Moscow đón những tù nhân được trả tự do từ các nhà tù phương Tây trong cuộc trao đổi hôm 1/8. Theo thỏa thuận trao đổi tù nhân giữa Nga và Mỹ, 8 công dân Nga bị giam giữ tại Mỹ, Đức, Na Uy và Ba Lan vì nhiều tội danh khác nhau đã được thả và đổi lại, Moscow đã trả tự do cho 16 người. Nhà Trắng coi đây là thỏa thuận trao đổi tù nhân phức tạp nhất trong lịch sử giữa Mỹ và Nga và là cuộc trao đổi lớn nhất kể từ Chiến tranh lạnh. (Nguồn: Sputnik)
Tổng thống Mỹ Joe Biden ôm Miriam Butorin, con gái 12 tuổi của nhà báo người Mỹ gốc Nga Aslu Kurmasheva, khi ông phát biểu về cuộc trao đổi tù nhân với Nga, tại Washington, ngày 1/8. Aslu Kurmasheva là 1 trong 16 người được Moscow trả tự do lần này. Tại đây, nhà lãnh đạo Mỹ cùng các đại biểu hát chúc mừng sinh nhật cô bé Miriam Butorin. (Nguồn: AFP/Getty Images)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto trong cuộc gặp ngày 31/7 tại Điện Kremlin, Moscow. Nhà lãnh đạo Indonesia tuần qua có chuyến thăm tới Nga, khẳng định sẵn sàng hoan nghênh sự tham dự tích cực hơn của Moscow vào nền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á, đồng thời nhấn mạnh mong muốn phát triển quan hệ song phương khi chính thức nhậm chức. (Nguồn: Reuters)
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trả lời phỏng vấn các hãng truyền thông Pháp, tại Rivne, ngày 30/7. Ông Zelensky cho biết, Kiev không muốn Trung Quốc hành động với tư cách là một nhà trung gian hòa giải trong cuộc xung đột với Nga mà muốn Bắc Kinh gây sức ép với Moscow để chấm dứt xung đột. (Nguồn: AFP)
Tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian tuyên thệ nhậm chức tại trụ sở Quốc hội ở thủ đô Tehran, ngày 30/7. Sau lễ tuyên thệ, ông Pezeshkian có bài phát biểu được phát trực tiếp trên truyền hình quốc gia, trong đó cam kết sẽ "bảo vệ tôn giáo chính thức, hệ thống Cộng hòa Hồi giáo Iran và hiến pháp của đất nước". (Nguồn: Reuters)
Rachel Scott, phóng viên nghị trường cấp cao của ABC News, nhìn đi chỗ khác khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong phiên hỏi đáp tại hội nghị của Hiệp hội nhà báo da màu quốc gia, ngày 31/7. Ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Trump khẳng định ông không biết Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris của đảng Dân chủ là người da đen (black) cho tới vài năm gần đây. (Nguồn: Reuters)
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại một sự kiện vận động tranh cử ở Atlanta, ngày 30/7. Ngày 2/8, Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ (DNC) thông báo, bà Harris đã giành được nhiều hơn đa số phiếu bầu từ các đại biểu và sẽ trở thành ứng viên của đảng này tham gia cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 năm nay. (Nguồn: WABE)
Từ trái sang phải: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro tại đối thoại 2+2 ở Manila, ngày 30/7. Hãng tin AFP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố: "Chúng tôi hiện đang phân bổ thêm 500 triệu USD tài trợ quân sự cho Philippines để thúc đẩy hợp tác an ninh với đồng minh hiệp ước lâu đời nhất của chúng tôi trong khu vực". (Nguồn: AFP)
Chỉ huy sư đoàn pháo binh Vlad với biệt danh Kalyna điều khiển máy tính bảng để bắn khẩu lựu pháo ở Toretsk, Ukraine trong bối cảnh xung đột giữa nước này và Nga. (Nguồn: Getty Images)
Người dân tham dự lễ tưởng niệm thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh, tại Tehran, Iran, ngày 1/8. Ông Haniyeh bị ám sát tại thủ đô Iran hôm 31/7 bởi một thiết bị nổ được giấu trong nhà khách nơi ông đang lưu trú để tham gia lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran. Tehran và Hamas cáo buộc Israel thực hiện vụ ám sát. Israel không xác nhận cũng không phủ nhận sự liên quan của mình. (Nguồn: Getty Images)
Các thành viên thuộc phong trào Hezbollah khiêng quan tài của chỉ huy cấp cao Fu’ad Shukr ở vùng ngoại ô phía Nam của Beirut, Lebanon, ngày 1/8. Ông Shukr thiệt mạng trong một cuộc không kích có chủ đích của Israel tại Beirut. (Nguồn: Reuters)
Người dân Palestine di chuyển về phía Đông Khan Younis ở phía Nam Dải Gaza, ngày 30/7 sau khi lực lượng Israel rút khỏi khu vực này. Trước đó, Israel đã tiến hành cuộc đột kích tại đây. (Nguồn: Reuters)
Lễ rút Lực lượng biên phòng Nga ở Sân bay quốc tế Zvartnots tại thủ đô Yerevan của Armenia. Hồi tháng 3 năm nay, Hội đồng An ninh Armenia thông báo, họ đã gửi cho Nga một công hàm yêu cầu rút lực lượng biên phòng khỏi Zvartnots. (Nguồn: Sputnik)
Người dân đặt hoa tưởng nhớ các nạn nhân của vụ tấn công bằng dao ở Southport, Anh, ngày 30/7. Nghi phạm là một thiếu niên đã bị buộc tội giết người sau khi sát hại 3 bé gái tại một lớp học khiêu vũ theo chủ đề Taylor Swift. 8 trẻ em khác và 2 người lớn bị thương trong vụ việc. (Nguồn: Getty Images)
Người dân đốt pháo sáng trong cuộc tuần hành kỷ niệm 80 năm Cuộc nổi dậy Warsaw chống lại quân chiếm đóng Đức Quốc xã tại Warsaw, Ba Lan, ngày 1/8. Cuộc nổi dậy vũ trang nổ ra vào ngày 1/8/1944 và kéo dài trong hai tháng trước khi bị dập tắt. Gần 200.000 người, chủ yếu là dân thường, đã thiệt mạng trong 63 ngày chiến đấu, và thủ đô Ba Lan đã bị biến thành một đống đổ nát. (Nguồn: AFP/Getty Images)
Vận động viên thể dục dụng cụ người Mỹ Simone Biles thi đấu nội dung toàn năng tại Thế vận hội Paris 2024, ngày 1/8. Biles đã đoạt HCV trong nội dung này, sau khi góp công lớn vào HCV đồng đội nữ của đội nhà. Đây là chiếc HCV Olympic thứ 6 trong sự nghiệp của “nữ hoàng thể dục dụng cụ" người Mỹ. Cô hoàn toàn có thể tái lập kỳ tích ở Rio de Janeiro 2016 khi giành 4 HCV các nội dung đồng đội, toàn năng, nhảy chống và thể dục trên sàn. (Nguồn: AFP/Getty Images)
Vận động viên lướt sóng người Brazil Gabriel Medina nhảy khỏi ván và giơ ngón tay lên không trung để ăn mừng một động tác gần như hoàn hảo với điểm số 9,9 trong ngày thi đấu 29/7 tại Thế vận hội Paris 2024. Đây là số điểm lướt sóng cao nhất trong lịch sử Olympic. (Nguồn: AFP/Getty Images)
Các vận động viên bắt đầu nội dung thi 3 môn phối hợp cá nhân dành cho nữ trên sông Seine trong khuôn khổ Thế vận hội Paris, Pháp, ngày 31/7. (Nguồn: Reuters)
Lính cứu hỏa theo dõi vụ đốt có kiểm soát được thực hiện dọc theo Đường cao tốc 32 gần Chico, California, Mỹ, ngày 29/7. Giới chức đang cố gắng cắt nguồn nguyên liệu của đám cháy Park, hiện là đám cháy rừng lớn thứ năm trong lịch sử của tiểu bang. (Nguồn: The New York Times/Redux)
Lực lượng cứu hộ băng qua một con sông tại địa điểm xảy ra lở đất ở Chooralmala, Ấn Độ, ngày 31/7. Theo cơ quan chức năng, mưa lớn ở bang Kerala, miền Nam Ấn Độ đã gây ra các trận lở đất nghiêm trọng, cuốn trôi nhiều ngôi nhà, khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người bị mắc kẹt. (Nguồn: AP)
Bức ảnh chụp từ trên không vào ngày 29/7 cho thấy vệt dầu loang từ tàu MT Terra Nova trên vùng biển Vịnh Manila, gần làng ven biển Santa Cruz, Philippines. Các nhà chức trách nước này cho biết, tàu chở dầu bị lật úp trong điều kiện gió mạnh và sóng lớn do bão Gaemi gây ra. (Nguồn: Getty Images)
Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương lần thứ 53 sắp diễn ra tại Nuku'alofa, Tonga là cơ hội để khu vực tập trung giải quyết những thách thức đang nổi lên.
Tổng thống Venezuela quyết định tổ chức Giáng sinh sớm vào ngày 1/10 bất chấp lo ngại về khủng hoảng nội bộ do kết quả bầu cử hồi tháng 7.