Ảnh ấn tượng tuần (13-19/3): Lính Ukraine bắn lựu pháo huyền thoại D-30, Tổng thống Nga Putin bất ngờ thị sát Mariupol, lời cầu hôn ở Donetsk
Dương Liễu
07:44 | 20/03/2023
Xung đột Nga-Ukraine, Tổng thống Putin bất ngờ thị sát thành phố cảng Mariupol, Thụy Điển-Đức, Nhật Bản-Hàn Quốc tăng cường hợp tác, người gốc Á đầu tiên giành giải Oscar Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất… là những ảnh ấn tượng trong tuần do CNN, Reuters, The Guardian… tổng hợp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói chuyện với người dân trong chuyến thăm bí mật tới Mariupol ở vùng Donetsk do Nga kiểm soát, ngày 19/3. Theo cơ quan báo chí Điện Kremlin, ông Putin đến thành phố Mariupol bằng trực thăng, sau đó tự lái ôtô đi qua nhiều quận nội thành và dừng chân tại một số khu vực để gặp gỡ người dân. (Nguồn: AP)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) hội đàm với người đồng cấp Syria Assad tại Điện Kremlin, ngày 15/3. Hãng tin TASS dẫn thông báo của Điện Kremlin cho biết, trong cuộc hội đàm kéo dài 3 tiếng, hai nhà lãnh đạo đã hoan nghênh những tiến triển trong quan hệ song phương, đồng thời đề cập triển vọng giải quyết một cách toàn diện các vấn đề của Syria và khu vực xung quanh. Tổng thống Putin khẳng định, những nỗ lực chung của Moscow và Damacus đã mang lại những kết quả rõ rệt trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria. (Nguồn: TASS)
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tham dự cuộc họp báo chung tại Dinh thủ tướng ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 16/3. Tại Hội nghị thượng đỉnh song phương trước đó, hai nhà lãnh đạo đồng ý tăng cường hơn nữa hợp tác an ninh để đối phó các mối đe dọa ngày càng tăng của Triều Tiên. (Nguồn: Getty)
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) và người đồng cấp Thụy Điển Ulf Kristersson trong cuộc gặp tại Berlin, Đức, ngày 15/3. Hai nhà lãnh đạo thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hai bên cũng thảo luận sâu về xung đột ở Ukraine, những tác động đối với an ninh khu vực, cũng như hợp tác an ninh, quân sự và chính trị chặt chẽ hơn giữa Đức-Thụy Điển. (Nguồn: Reuters)
Vua Charles III của Hoàng gia Anh phong tước Hiệp sĩ cho nghệ sĩ guitar nhạc rock Brian May tại Cung điện Buckingham ở London, ngày 14/3. Sau buổi lễ tấn phong, thành viên sáng lập của ban nhạc Queen sẽ được gọi là Ngài Brian. (Nguồn: AP)
Quân nhân Ukraine Volodymyr cầu hôn bạn gái Viktoriia sau khi cô đến thăm anh, tại nhà ga xe lửa ở Kramatorsk, Donetsk, ngày 15/3. (Nguồn: Reuters)
Quân nhân Ukraine thuộc Lữ đoàn 10 bắn lựu pháo D-30 về phía quân bộ binh Nga dọc chiến tuyến bên ngoài Soledar, Ukraine. Pháo này có từ thời Liên Xô (1971) nhưng đạn 122mm do các nước phương Tây cung cấp. (Nguồn: Getty)
Người dân băng qua sông Siversky Donets ở Bohorodychne, Ukraine trên cây cầu đã bị phá hủy để nhận lương thực cứu trợ. (Nguồn: Getty)
Du khách cầm mô phỏng súng phun lửa tại triển lãm ExpoTechnoStrazh về các công nghệ và thiết bị tiên tiến đảm bảo an toàn và an ninh, tại Saint Petersburg, Nga, 15/3. Đây là sự kiện được tổ chức bởi chính quyền địa phương và Lực lượng Vệ binh quốc gia Liên bang Nga. (Nguồn: Reuters)
Hình ảnh cắt từ clip do Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ công bố cho thấy cuộc chạm trán giữa một máy bay không người lái giám sát của Mỹ và các máy bay chiến đấu của Nga trên Biển Đen, ngày 14/3. Theo Bộ này, máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ khi đang bay trên vùng biển quốc tế thì một trong các máy bay phản lực Su-27 của Nga cố tình bay phía trước và nhiều lần đổ nhiên liệu lên chiếc máy bay không người lái. Su-27 sau đó đã va vào cánh quạt của MQ-9 Reaper, khiến máy bay này rơi xuống Biển Đen. Tuy nhiên, phía Nga phủ nhận sự việc trên. (Nguồn: Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ)
Người biểu tình cầm ô để tránh hơi cay trong cuộc biểu tình ở Nantes, Pháp, ngày 15/3. Tuần qua, nhiều người đã tham gia các cuộc biểu tình nhằm phản đối đề xuất cải cách lương hưu của chính phủ. Ngày 16/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ đạo Thủ tướng dùng quyền đặc biệt được quy định trong Hiến pháp để vượt qua Quốc hội nhằm thông qua dự luật nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64, bất chấp làn sóng biểu tình phản đối kéo dài. (Nguồn: Getty)
Những người ủng hộ cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan ném đá về phía các sĩ quan cảnh sát chống bạo động trong cuộc biểu tình ở Lahore, Pakistan, ngày 15/3. Đụng độ giữa cảnh sát Pakistan và người biểu tình vẫn tiếp diễn bên ngoài nhà riêng của ông Khan ở thành phố miền Đông Lahore sau khi cảnh sát bắt giữ cựu Thủ tướng vì ông không ra hầu tòa với cáo buộc tham nhũng. (Nguồn: AP)
Quả bom xăng phát nổ gần cảnh sát chống bạo động khi họ đụng độ với người biểu tình trong cuộc đình công kéo dài 24 giờ trên toàn quốc nhằm phản đối thảm họa tai nạn tàu hỏa kinh hoàng nhất nước này vào tháng trước, tại Athens, Hy Lạp, ngày 16/3. (Nguồn: Reuters)
Thân tàu Al Mansur của cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein bị lật úp trên tuyến đường thủy Shatt al-Arab tại thành phố Basra, Iraq. Tàu Al-Mansur hiện nằm nghiêng, đã bị lật úp 20 năm trước khi nó bị tấn công vào năm 2003. (Nguồn: Getty)
Các giao dịch viên làm việc tại Sở giao dịch chứng khoán New York, Mỹ, ngày 13/3. Chứng khoán tiếp tục xu hướng giảm sau sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB). Đây là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ. (Nguồn: Getty)
Niềm vui của nữ diễn viên Dương Tử Quỳnh sau khi giành giải Oscar Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho vai diễn trong "Everything Everywhere All at Once", ngày 12/3. Chiến thắng này khiến Dương Tử Quỳnh trở thành người phụ nữ gốc Á đầu tiên và diễn viên gốc Malaysia đầu tiên giành giải Oscar hạng mục nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. (Nguồn: Shutterstock)
Nữ ca sĩ nổi danh Lady Gaga nhìn lại một nhiếp ảnh gia ngã trên sàn trước Lễ trao giải Oscar, ngày 12/3. Cô đã quay lại để giúp người đàn ông đứng dậy. (Nguồn: Reuters)
Tro bụi núi lửa phun ra từ núi Merapi của Indonesia, ngày 11/3, gây ra cột tro bụi cao khoảng 3.000 mét. Tuần qua, Merapi - một trong những núi lửa hoạt động nhiều nhất thế giới, đã phun trào trở lại, không ngừng đẩy ra những lớp tro bụi nóng cũng như các vật liệu núi lửa. Ngày 18/3, Cơ quan giám sát núi lửa quốc gia Indonesia đã phát đi thông báo không ngoại trừ khả năng hoạt động của núi lửa có thể gây gián đoạn các hoạt động xã hội hằng ngày, đồng thời kêu gọi người dân đề phòng nguy hiểm từ dòng nham thạch, đặc biệt khi có trời mưa. (Nguồn: Getty)
Bà Pamela Cerruti mang theo túi quần áo khi lội qua nước lũ tại một tiệm giặt là ở Hạt Monterey, California, Mỹ, ngày 14/3. Tuần qua, tiểu bang này phải đối mặt với đợt lũ lụt nghiêm trọng, xảy ra sau những trận bão lớn nguy hiểm. (Nguồn: AP)
Hình ảnh cực quang tuyệt đẹp thắp sáng bầu trời Lapland ở Rovaniemi, Phần Lan, ngày 15/3. (Ahr: Alexander Kuznetsov)
Nhà sư ném muối vào đống lửa lớn đốt bằng củi và lá cây bách Nhật Bản, tại lễ hội đi trên lửa, được gọi là Hiwatari maturi trong tiếng Nhật, tại Mt.Takao ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 12/3. Lễ hội được tổ chức vào Chủ nhật tuần thứ 2 của tháng 3 hằng năm ở một ngôi đền phía Tây Tokyo nhằm cầu nguyện cho hòa bình thế giới, sức khoẻ và may mắn. (Nguồn: Reuters)
Ảnh chụp từ trên cao cho thấy các máy móc thiết bị khai thác hoạt động tại một mỏ lộ thiên ở Khanbogd, Mông Cổ, ngày 14/3. (Nguồn: Getty)
Người phụ nữ cầm hóa thạch hổ phách con ốc sên 99 triệu năm tuổi tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Colmar ở miền Đông nước Pháp, ngày 14/3. (Nguồn: Getty)
Hình ảnh ngôi sao Wolf-Rayet WR 124 được chụp bằng ánh sáng hồng ngoại của kính viễn vọng James Webb thuộc Trạm Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), công bố vào ngày 14/3. Wolf-Rayet là những ngôi sao sáng và nặng nhất trong vũ trụ. (Nguồn: NASA)
Người dân thu hoạch lá trà Longjing ở Chiết Giang, Trung Quốc, ngày 13/3. (Nguồn: Tân Hoa Xã)
PetroVietnam đã trở thành tập đoàn kinh tế - kỹ thuật quan trọng hàng đầu của đất nước, làm chủ các công nghệ thăm dò, khai thác tiên tiến nhất ...
Trở lại Nhà Trắng một cách mạnh mẽ, áp đảo, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ 'đối đãi' với thế giới như thế nào trong nhiệm kỳ 2.0 vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.