📞

Ảnh ấn tượng tuần (2-8/2): Điều tra nguồn gốc Covid-19, ông Navalny thả tim và nụ hôn ngọt ngào của Tổng thống Mỹ Joe Biden

Dương Liễu 06:38 | 08/02/2021
TGVN. Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden hôn tạm biệt vợ trước khi có chuyến công du đầu tiên bằng chuyên cơ riêng, điều tra nguồn gốc Covid-19 tại Vũ Hán, chính trị gia đối lập Navalny bị kết án… là những ảnh ấn tượng trong tuần được NBC, CNN, The Guardian… tổng hợp.

Bức ảnh ấn tượng chụp Tổng thống Mỹ Joe Biden hôn tạm biệt Đệ nhất phu nhân Jill Biden trước khi lên chuyên cơ Marine One, bắt đầu chuyến công du đầu tiên bằng trực thăng riêng với tư cách là Tổng thống của nước Mỹ, ngày 29/1. (Nguồn: AP)

Quan tài quàn hài cốt hỏa táng của sĩ quan cảnh sát Brian Sicknick được đặt ở trung tâm Điện Capitol, Washington D.C, Mỹ, ngày 3/1. Các nhà lập pháp tại Quốc hội đã dành phút tưởng niệm sĩ quan Sicknick, người đã thiệt mạng trong vụ bạo loạn ở Điện Capitol, ngày 6/1. (Nguồn: AP)

Tân Bộ trưởng Giao thông vận tải Mỹ Pete Buttigieg được chồng của mình, Chasten, ôm hôn sau khi Phó Tổng thống Kamala Harris đọc quyết định bổ nhiệm chính thức tại Nhà Trắng, Washington D.C, ngày 3/2. Bộ trưởng Buttigieg là thành viên Nội các Mỹ thuộc cộng đồng người đồng giới (LGBTQ) đầu tiên được Thượng viện bổ nhiệm. (Nguồn: Reuters)

Các nhân viên của trung tâm kiểm soát dịch bệnh Thành Đô thu thập mẫu môi trường để kiểm tra Covid-19 trên thang cuốn tại một nhà ga đường sắt ở Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc, ngày 2/2. (Nguồn: Getty)

Nhân viên an ninh yêu cầu các nhà báo rời khỏi Viện nghiên cứu virus Vũ Hán, Trung Quốc sau khi một nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đến thăm thực địa. Nhóm nghiên cứu của WHO đã tới Vũ Hán nhằm điều tra về nguồn gốc của đại dịch Covid-19. (Nguồn: AP)

Người phục vụ rót bia cho khách hàng tại một nhà hàng ở Johannesburg, Nam Phi, ngày 2/2. Quốc gia châu Phi đã tuyên bố chấm dứt lệnh cấm bán rượu bia vào ngày 1/2 trong nỗ lực phục hồi các lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế quốc gia. (Nguồn: Getty)

Người phụ nữ chơi vĩ cầm để tưởng nhớ Đại úy Tom Moore tại Piccadilly Circus, London, Anh, ngày 2/2, người đã qua đời do Covid-19, hưởng thọ 100 tuổi. Sir Tom Moore, Cựu binh Thế chiến II của nước Anh được biết đến với thành tích quyên góp tiền từ thiện kỷ lục cho hệ thống y tế Anh trong đại dịch Covid-19 năm 2020. (Nguồn: AP)

Các nhân viên y tế thành phố đi thuyền dọc sông Solimoes để tiêm vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca/Oxford cho cư dân Manacapuru thuộc bang Amazonas, Brazil. (Nguồn: Reuters)

Các ống tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer-BioNTech bị vứt bỏ bên trong thùng rác độc hại tại bệnh viện Nurse Isabel Zendal ở Madrid, Tây Ban Nha. (Nguồn: AP)

Khách tham quan đi qua tác phẩm sắp đặt của Anselm Kiefer’s được trưng bày tại bảo tàng Hangar Bicocca ở Milan, Italy. Bảo tàng đã mở cửa trở lại trong tuần trước sau khi Chính phủ nới lỏng các hạn chế do Covid-19. (Nguồn: AP)

Bên trong Cung điện băng Krylatskoye, nơi đã được chuyển đổi thành bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Moscow, Nga. Tính đến tối 7/2, thế giới thi nhận hơn 106,4 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 2,32 triệu người tử vong và hơn 78 triệu trường hợp đã bình phục; 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh lần lượt là Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Nga và Anh. (Nguồn: AP)

Hàng nghìn người Do Thái dòng Chính thống giáo tập trung để dự tang lễ giáo sĩ Meshulam Soloveitchik ở Jerusalem, ngày 31/1. Buổi lễ diễn ra bất chấp các quy định giãn cách xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục lây lan. (Nguồn: AP)

Một thiếu niên tham dự cuộc biểu tình ban đêm chống lại cuộc đảo chính quân sự ở Yangon, Myanmar. (Nguồn: Reuters)

Những người lính đi xe bọc thép ở Myitkyina, Myanmar, ngày 3/2, hai ngày sau khi quân đội nước này đảo chính. (Nguồn: Getty)

Lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny làm cử chỉ hình trái tim với vợ Yulia trong phiên tòa ở Moscow, Nga, ngày 2/2. Ông Navalny bị kết án 3 năm 6 tháng tù giam nhưng luật sư của ông cho biết, ông chỉ phải ngồi tù 2 năm 8 tháng vì đã bị quản thúc tại gia trước đó. Các luật sư của ông cho biết, họ sẽ kháng cáo. Phán quyết của tòa, kéo theo các cuộc biểu tình trên toàn quốc kêu gọi thả tự do cho ông này. (Nguồn: Getty)

Mohammed Olanyia, người đã mất cả gia đình trong một vụ thảm sát năm 2004, cùng với những người hàng xóm, nghe tin tức qua radio về việc Tòa án Hình sự Quốc tế đưa ra phán quyết về Dominic Ongwen, ở Lukodi, Uganda, ngày 4/2. Ongwen là cựu chỉ huy Quân đội Kháng chiến của Chúa (LRA), một nhóm phiến quân đặc biệt tàn bạo ở Uganda. Các chiến dịch tàn nhẫn của tổ chức này ở Uganda và ở các nước láng giềng kể từ cuối những năm 1980, bao gồm giết người, hãm hiếp và tra tấn. Tổ chức này cũng bị kết tội tuyển trẻ em làm lính và nô lệ tình dục. (Nguồn: Reuters)

Một phụ nữ bị cảnh sát bắt giữ trong cuộc biểu tình phản đối việc bổ nhiệm hiệu trưởng mới tại Đại học Bogazici, ngày 2/2 ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền địa phương cho biết, khoảng 600 người đã bị bắt giữ kể từ ngày 4/1 sau khi các cuộc biểu tình lan rộng ở Istanbul và Ankara. (Nguồn: Getty)

Các nhân viên an ninh đẩy lùi những người ủng hộ nông dân tham gia cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng ở New Delhi, Ấn Độ. Lực lượng cảnh sát đã phải nỗ lực để ngăn cản gần 200 người ủng hộ nông dân trên đường tuần hành đến một khu vực gần tòa nhà Quốc hội ở thủ đô quốc gia Nam Á. (Nguồn: AP)

Người đàn ông bế em bé rời khỏi hiện trường vụ nổ ở vùng Azaz của Syria, ngày 31/1. Theo thông tin từ giới chức địa phương, vụ tấn công bằng bom xe đã khiến 5 người thiệt mạng và 85 người khác bị thương. Vùng Azaz đã nằm dưới sự kiểm soát của phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn kể từ cuộc tấn công đầu tiên của Ankara vào Syria năm 2016, trong một chiến dịch nhằm đánh đuổi các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và lực lượng dân quân YPG người Kurd ở Syria khỏi biên giới với Syria. (Nguồn: Getty)

Con gái của German Blanco’s, July, chăm sóc bố khi ông được truyền oxy tại nhà riêng ở Callao, Peru. Kể từ tháng 5/2020, nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu oxy y tế trầm trọng khiến hàng trăm người dân phải xếp hàng dài tới 72 giờ, ngủ trên đường phố để mua. (Nguồn: Getty)

Một đoạn của Quốc lộ bị sạt lở, chia cắt gần Big Sur, California, Mỹ, ngày 31/1. Tình trạng mưa lớn kéo dài tại địa phương đã khiến cây cối đổ nát, các ngọn đồi, núi sạt lở và làm trôi một đoạn đường dài 150 foot (khoảng hơn 45m). (Nguồn: Getty)

Đoàn tàu đi qua tuyến đường bị ngập bởi nước lũ do mưa lớn và tuyết tan ở Nidderau, Đức, ngày 3/2. (Nguồn: AP)

(theo NBC, CNN, The Guardian...)