Ảnh ấn tượng tuần (20-26/2): Nga nói buộc phải 'đẩy mối đe dọa khỏi biên giới', ông Biden và chuyến thăm quan trọng nhất lịch sử quan hệ Ukraine-Mỹ
Dương Liễu
06:01 | 27/02/2023
Xung đột Nga-Ukraine, Tổng thống Mỹ Biden bất ngờ tới Kiev, ông Putin đọc thông điệp liên bang, tố phương Tây từ chối đề xuất, Lầu Năm Góc công bố ảnh khinh khí cầu Trung Quốc trước khi bị bắn hạ… là những ảnh ấn tượng trong tuần do CNN, Reuters, The Guardian… tổng hợp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc thông điệp liên bang đầu tiên sau một năm xung đột với Ukraine, ngày 21/2. Trong thông điệp, ông Putin tố phương Tây từ chối đề xuất của Nga: "Vào tháng 12/2021, Nga đã chính thức gửi dự thảo hiệp ước về đảm bảo an ninh cho Mỹ và NATO. Nhưng trên thực tế, chúng tôi đã nhận được sự từ chối công khai về tất cả". Bên cạnh đó, Tổng thống Nga khẳng định, nước này sẽ buộc phải "đẩy mối đe dọa ra khỏi biên giới" của mình nếu Ukraine nhận được các hệ thống vũ khí tầm xa hơn từ phương Tây. (Nguồn: TASS)
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và người đồng cấp nước chủ nhà Ukraine Volodymyr Zelensky trong chuyến thăm bất ngờ của ông tới Kiev, Ukraine, ngày 20/2. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Biden đến Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở quốc gia láng giềng gần một năm trước. Tại cuộc họp báo cùng ngày, ông Zelensky nhận định: "Đây là chuyến thăm quan trọng nhất trong toàn bộ lịch sử mối quan hệ Ukraine và Mỹ". Trong khi đó, ông Biden thông báo gói hỗ trợ quân sự mới trị giá 500 triệu USD cho Kiev. (Nguồn: AP)
Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden (giữa) trong chuyến thăm Namibia, ngày 23/2. Trong khuôn khổ chuyến thăm, bà Jill Biden khẳng định, Mỹ cam kết hỗ trợ các quốc gia châu Phi có thêm tiếng nói tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác. (Nguồn: Getty)
Quan chức ngoại giao cao cấp Trung Quốc Vương Nghị (trái) và Thư ký Hội đồng an ninh LB Nga Nikolai Patrushev gặp nhau tại Moscow, ngày 21/2. Trong cuộc gặp, hai bên đã thảo luận các cách thức cải thiện quản trị toàn cầu, đồng thời, nhất trí cần kiên quyết duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phản đối "tâm lý" chiến tranh lạnh. Reuters dẫn lời ông Vương Nghị nói với ông Patrushev rằng, "mối quan hệ của Bắc Kinh với Moscow 'vững chắc như đá' và sẽ chịu được bất kỳ thử thách nào trong tình hình quốc tế đang thay đổi". (Nguồn: Chinese Foreign Ministry)
Mọi người đứng bên một quán cà phê ở Mykolaiv, Ukraine, ngày 19/2 vào lúc chạng vạng tối, trong thời gian khu vực này bị mất điện giữa bối cảnh xung đột với Nga vẫn diễn ra căng thẳng. (Nguồn: Reuters)
Tháp Eiffel ở Paris được thắp sáng với màu quốc kỳ của Ukraine, ngày 23/2 nhân một năm ngày Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại quốc gia láng giềng Đông Âu (24/2/2022-24/2/2023). (Nguồn: Reuters)
Phi công của lực lượng không quân Mỹ nhìn xuống khinh khí cầu bị nghi là do thám của Trung Quốc khi nó bay lượn trên bầu trời thuộc miền Trung Mỹ, ngày 3/2, trước khi nó bị bắn hạ ở ngoài khơi bờ biển Nam Carolina, ngày 4/2. Bức ảnh do lực lượng không quân Mỹ thông qua Bộ Quốc phòng nước này công bố ngày 22/2. (Nguồn: Reuters)
Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15 được phóng tại Sân bay quốc tế Bình Nhưỡng, thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên, ngày 18/2. Theo KCNA, vụ phóng thử tên lửa này nằm trong cuộc diễn tập năng lực sẵn sàng chiến đấu trong tình trạng khẩn cấp được tổ chức bất ngờ theo quyết định của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un. Hwasong-15 đạt độ cao tối đa 5.768,5 km, bay được 989 km trong 4.015 giây trước khi rơi chính xác trúng khu vực được định trước ở vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên. (Nguồn: KCNA)
Người Palestine cầm quốc kỳ biểu tình phản đối cuộc đột kích của quân đội Israel vào thành phố Nablus bị chiếm đóng ở Bờ Tây. Cuộc đột kích của Israel đã khiến 11 người Palestine, trong đó có một thiếu niên, thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. (Nguồn: AP)
Những người ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chờ đợi bên ngoài sự kiện Ngày Tổng thống của Trump tại sân bay Hilton Palm Beach ở West Palm Beach, Florida, ngày 20/2. (Nguồn: Getty)
Khalil al-Sawadi nhìn Afraa, bé gái được giải cứu khỏi đống đổ nát của ngôi nhà ở miền Bắc Syria, ngày 20/2. Một người thân với gia đình bé cho biết, dây rốn của em vẫn còn dính với mẹ khi được tìm thấy. Mẹ bé đã thiệt mạng sau khi sinh con. (Nguồn: AP)
Các nghệ sĩ người Syria Aziz Asmar và Salam Hamed vẽ trên đống đổ nát của những tòa nhà bị hư hại sau trận động đất kinh hoàng hôm 6/2 tại thị trấn do quân nổi dậy kiểm soát Jandaris, Syria, ngày 22/2. (Nguồn: Reuters)
Việc dọn dẹp vẫn được tiếp tục tại địa điểm xe lửa trật bánh ở Đông Palestine, Ohio, Mỹ, ngày 23/2. Giám đốc điều hành Norfolk Southern Alan Shaw cho biết, ngành đường sắt vận chuyển hàng hóa sẽ chi 6,5 triệu USD để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng do các hóa chất độc hại phát tán từ vụ tai nạn xảy ra hồi 3 tuần trước. (Nguồn: Reuters)
Người dân xem triển lãm hàng không ở Abu Dhabi, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), ngày 20/2. (Nguồn: Reuters)
Các nghệ sĩ biểu diễn của trường samba Beija Flor tham gia lễ hội Carnival ở Rio de Janeiro, Brazil, ngày 21/2. (Nguồn: AP)
Mọi người đứng bên ngoài phòng hòa nhạc Maraya, một công trình kiến trúc siêu thực được mệnh danh là tòa nhà nhân bản lớn nhất thế giới, ở AlUla, Saudi Arabia, ngày 19/2. (Nguồn: Getty)
Các máy bay phản lực của hãng Delta đỗ tại cổng sân bay quốc tế Denver Colorado, Mỹ trong cơn bão tuyết, ngày 22/2. Thời tiết mùa Đông khắc nghiệt đã làm gián đoạn hàng nghìn chuyến bay trên toàn nước Mỹ trong tuần qua. (Nguồn: Getty)
Người phụ nữ Tây Tạng chỉnh lại chiếc khăn đội đầu truyền thống khi đứng gần bức chân dung của nhà lãnh đạo tinh thần Đạt Lai Lạt Ma trong một buổi lễ kỷ niệm dịp “Losar” hay Năm mới của người Tây Tạng ở Kathmandu, Nepal, ngày 23/2. (Nguồn: Reuters)
Người dân mặc trang phục được gọi là “Gilles” ném cam trong lễ hội hóa trang Binche - sự kiện được tôn vinh là di sản thế giới của UNESCO, ở Binche, Bỉ, ngày 21/2. (Nguồn: Reuters)
Hàng chục nghìn con gà được nhốt trong lồng tại một trang trại ở Buenos Aires, Argentina, ngày 22/2 khi chính phủ nước này áp dụng các biện pháp mới để ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm gia cầm cũng như hạn chế thiệt hại tiềm ẩn đối với xuất khẩu khi các ca bệnh gia tăng trong khu vực. (Nguồn: Reuters)
Nhà bảo tồn động vật Rajendra Garawad kiểm tra sức khỏe con báo được tiêm thuốc an thần, ngày 17/2, trước khi nó và 11 con khác được đưa từ Nam Phi đến Ấn Độ theo một thỏa thuận giữa hai nước. 12 con báo là một phần trong nỗ lực hồi sinh loài động vật này sau nhiều thập niên tuyệt chủng ở quốc gia Nam Á. (Nguồn: Reuters)
Một con tê tê Trung Quốc non được cân tại sở thú Prague ở Czech, ngày 23/2. Đây là lần sinh con đầu tiên của loài động vật đang bị đe dọa nghiêm trọng ở lục địa châu Âu. (Nguồn: AP)
Bác sĩ thú y Giselle Rubio ôm con mèo nhân sư (Sphynx cat) ở Ciudad Juarez, Mexico, ngày 21/2. Con mèo được cảnh sát giải cứu khỏi một nhà tù, nơi nó được xăm dòng chữ "Made in Mexico". (Nguồn: Reuters)
Người phụ nữ đi ngang qua một biển quảng cáo lớn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 20/2. (Nguồn: AP)
Hình ảnh chụp sét đánh vào tay tượng Chúa cứu thế tại núi Corcovado ở Rio de Janeiro, Brazil. (Nguồn: Getty)
Trở lại Nhà Trắng một cách mạnh mẽ, áp đảo, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ 'đối đãi' với thế giới như thế nào trong nhiệm kỳ 2.0 vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Chuyên gia Trung Quốc: Bài viết 'Chống lãng phí' của Tổng Bí thư Tô Lâm nêu bật nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam trước cơ hội lịch sử của “kỷ nguyên vươn mình".