Ảnh ấn tượng tuần (25-31/7): Nga ‘thức thời’ khi lấy lòng châu Phi, Mỹ tìm cách ‘thoát Trung Quốc' về chất bán dẫn, châu Âu mất ngủ vì cháy rừng
Dương Liễu
06:22 | 01/08/2022
Xung đột Nga-Ukraine, Tổng thống Mỹ họp với doanh nghiệp bàn cách tự chủ về chất bán dẫn, Ngoại trưởng Nga thăm 4 nước châu Phi, nắng nóng kỷ lục gây cháy rừng ở châu Âu, Covid-19 ở Trung Quốc… là những ảnh ấn tượng trong tuần do CNN, The Guardian, Reuters… tổng hợp.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp trực tuyến với các CEO vào ngày 25/7 để thảo luận về tầm quan trọng của việc thông qua một dự luật thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn ở nền kinh tế số 1 thế giới. Một ngày sau khi vượt qua "ải" Thượng viện, Hạ viện Mỹ đã chính thức thông qua dự luật vào thứ Năm. Trong cuộc họp, ông Biden nêu rõ, nước Mỹ đã phát minh ra chất bán dẫn nhưng lại dần trở nên phụ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. (Nguồn: Getty)
Giáo hoàng Francis ban phép lành cho nước biển Lac Ste. Anne trong chuyến thăm tỉnh Alberta của Canada, ngày 26/7. Trong chuyến thăm này, Giáo hoàng đã xin lỗi về vai trò của Giáo hội Công giáo liên quan vụ việc lạm dụng trẻ em bản địa trước đây tại các trường học ở địa phương. (Nguồn: Getty)
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp CH Congo Jean-Claude Gakosso trong cuộc họp báo chung tại thành phố Oyo, CH Congo, ngày 25/7. Tuần qua, từ ngày 24-28/7, ông Lavrov có chuyến công du 4 nước châu Phi gồm: Ai Cập, Ethiopia, Uganda và CH Congo. Theo giới phân tích, chuyến đi “thức thời” của Ngoại trưởng Lavrov tới các nước này chứng tỏ rằng, châu Phi đang trở thành ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga. (Nguồn: AFP)
Người phụ nữ ở Buenos Aires cầm bức ảnh của Maria Eva Duarte de Perón, Đệ nhất phu nhân nổi tiếng nhất của Argentina, khi chờ đợi để viếng thăm lăng mộ của Đệ nhất phu nhân đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày mất của bà, ngày 26/7. Bà Eva Perón, được nhiều người biết đến với nickname Evita, ủng hộ quyền của người nghèo, thúc đẩy nhiều chương trình cải cách xã hội và đấu tranh cho quyền bầu cử của phụ nữ. Bà qua đời vì bệnh ung thư ở tuổi 33. (Nguồn: AP)
Các thành viên của Đội cận vệ Hoàng gia đứng dưới mưa trong lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của Vua Maha Vajiralongkorn tại Bangkok, Thái Lan, ngày 28/7. (Nguồn: Reuters)
Lực lượng Ukraine nã pháo về phía đối phương ở khu vực Kharkov, Ukraine, ngày 27/7. (Nguồn: AP)
Constantine Semeniuk mang hoa và bóng bay đi đón con trai - Daniel và vợ - Lesia tại nhà ga tàu hỏa ở Lvov, Ukraine trong lần gặp mặt đầu tiên kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine. (Nguồn: AP)
Một người đi xe đạp thực hiện các trò chơi tại bãi biển Kavouri Athens, Hy Lạp, ngày 24/7, trong đợt nắng nóng kỷ lục. (Nguồn: Reuters)
Hình ảnh những ngôi nhà bị lửa thiêu rụi ở Wennington, phía Đông London, Anh do nắng nóng và nhiệt độ lên tới mức kỷ lục từng được ghi nhận ở xứ sở sương mù. (Nguồn: Getty)
Lính cứu hỏa nỗ lực dập tắt đám cháy giữa hai thị trấn Pinos Puente và Atarfe, Tây Ban Nha. Thời tiết nóng bức với nhiệt độ cao kỷ lục đã gây ra nhiều vụ cháy rừng trên khắp quốc gia châu Âu này. Ước tính từ đầu năm đến nay, gần 200.000 ha rừng đã bị thiêu rụi. (Nguồn: Getty)
Hỏa hoạn nhấn chìm ngôi nhà khi đám cháy Oak lan rộng ở hạt Mariposa, bang California, Mỹ. Dưới sự nỗ lực của lực lượng cứu hỏa, tốc độ lan truyền của đám cháy bùng nổ gần công viên quốc gia Yosemite này đã chậm lại đáng kể, nhưng hàng nghìn người dân địa phương vẫn phải sơ tán. (Nguồn: AP)
Người đàn ông đứng trong hang động ở sông băng Sardona, Vaettis, Thụy Sỹ. Sông băng tan chảy đã làm lộ ra nơi này. (Nguồn: AP)
Người dân di tản khỏi một khu vực bị ngập lụt ở Lasbella, Pakistan, ngày 26/7. Tuần qua, mưa xối xả kéo theo lũ lụt đã gây thiệt hại về người và cơ sở hạ tầng tại địa phương. (Nguồn: AP)
Các phương tiện di chuyển theo con đường ngoằn ngoèo để băng qua biên giới đất liền quốc tế "Los Libertadores" giữa Chile và Argentina, nơi đã bị đóng cửa do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, ở Los Andes, Chile. (Nguồn: Reuters)
Những tảng đá rơi xuống gần chiếc xe ở Bauko, Philippines, trong trận động đất mạnh 7,0 độ Richter vào ngày 27/7. Theo giới chức địa phương, trận động đất khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và 130 người khác bị thương. (Nguồn: AP)
Lực lượng an ninh đứng trước tòa nhà trụ sở Quốc hội Iraq sau khi hàng trăm người biểu tình trung thành với giáo sĩ Muqtada al-Sadr xông vào Vùng Xanh được bảo vệ nghiêm ngặt của Baghdad, ngày 27/7, nhằm phản đối việc đề cử thủ tướng mới. Giáo sĩ Al-Sadr nói với những người biểu tình rằng, "thông điệp" của họ đã được nhận và họ nên trở về nhà. (Nguồn: Getty)
Người dân xếp hàng tại một điểm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 23/7. Biến thể phụ BA.5 có khả năng lây nhiễm cao đang lan truyền nhanh chóng trên toàn thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng. (Nguồn: Getty)
Các cậu bé Afghanistan thất lạc gia đình chơi trên xe tải tại một trung tâm phân phối viện trợ cho những người phải di tản ở Kabul, Afghanistan, ngày 28/7. (Nguồn: Reuters)
Người dân đốt hình nộm của quỷ Ghantakarna trong lễ hội Ghantakarna ở Bhaktapur, Nepal, ngày 26/7. Việc này tượng trưng cho sự tiêu diệt cái ác và xua đuổi tà ma. (Nguồn: Reuters)
Khách tham quan khiêu vũ ở Van Gogh Alive - một cuộc triển lãm tranh đa phương tiện được tổ chức tại Rio de Janeiro, Brazil, ngày 27/7. (Nguồn: Getty)
Đôi gấu trúc khổng lồ được tắm mát tại vườn thú Trùng Khánh, Trung Quốc, ngày 26/7. (Nguồn: Getty)
Em bé Zarah Ann Gladys, 6 tuổi, biểu diễn ván trượt ở Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), ngày 26/7. (Nguồn: Reuters)
Tay đua Jonas Vingegaard, người chiến thắng Tour de France năm nay, cùng bạn gái -Trine Marie Hansen và con gái của họ - Frida vẫy tay chào người hâm mộ ở Copenhagen, Đan Mạch, ngày 27/7. (Nguồn: Getty)
Người thân và bạn bè của vận động viên Ấn Độ Neeraj Chopra ăn mừng ở Panipat, Ấn Độ, sau khi anh giành được huy chương bạc trong môn ném lao tại Giải vô địch điền kinh thế giới ở Oregon, Mỹ, ngày 24/7. Chopra là người Ấn Độ thứ hai từng giành được huy chương tại giải Vô địch điền kinh thế giới. (Nguồn: Getty)
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm, hai bên đã nâng cấp quan hệ Việt Nam-Malaysia lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Trở lại Nhà Trắng một cách mạnh mẽ, áp đảo, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ 'đối đãi' với thế giới như thế nào trong nhiệm kỳ 2.0 vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Chuyên gia Trung Quốc: Bài viết 'Chống lãng phí' của Tổng Bí thư Tô Lâm nêu bật nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam trước cơ hội lịch sử của “kỷ nguyên vươn mình".