Ảnh ấn tượng tuần (30/1-5/2): Nga tuyên bố đủ sức đáp trả mọi đe dọa, điểm nóng Bakhmut-Ukraine, Pháp nói chương trình hạt nhân Iran ‘hấp tấp'
Dương Liễu
08:15 | 06/02/2023
Xung đột Nga-Ukraine, ông Putin tuyên bố Moscow sẵn sàng đáp trả tất cả mối đe dọa, gồm cả xe tăng gần biên giới, biểu tình tại Pháp, đánh bom thánh đường Hồi giáo ở Pakistan… là những ảnh ấn tượng trong tuần do CNN, Reuters, The Guardian… tổng hợp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự lễ đặt vòng hoa trong sự kiện kỷ niệm 80 năm Trận chiến Stalingrad trong Thế chiến II, tại khu tưởng niệm Mamayev Kurgan ở Volgograd, Nga, ngày 2/2. Theo nhà lãnh đạo Nga, Moscow sẵn sàng đáp trả tất cả mối đe dọa, bao gồm cả xe tăng gần biên giới, và có mọi nguồn lực cho việc này, không chỉ bằng xe bọc thép. (Nguồn: Sputnik)
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev ngày 2/2. Giới chức Liên minh châu Âu (EU) tới Kiev để tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU-Ukraine, ngày 3/2, nhằm khẳng định cam kết hỗ trợ Kiev. Đây là lần thứ 4 bà von der Leyen đến Kiev kể từ khi xảy ra xung đột tại Ukraine gần một năm trước (24/2/2022). (Nguồn: Reuters)
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trước Điện Elysee ở Paris, ngày 2/2. Tại cuộc gặp, ông Netanyahu kêu gọi Paris ủng hộ các biện pháp trừng phạt và răn đe tăng cường đối với Iran cùng các lực lượng ủy nhiệm của nước Cộng hòa Hồi giáo. Trong khi đó, sau bữa tối với ông Netanyahu, Tổng thống Macron đã chỉ trích "sự hấp tấp liều lĩnh" của chương trình hạt nhân của Iran. (Nguồn: AFP)
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Stoltenberg và Thủ tướng Nhật Bản Kishida tại họp báo chung ngày 31/1 ở Tokyo, Nhật Bản. Trong tuyên bố chung sau hội đàm, hai bên nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác hơn nữa trong bối cảnh môi trường chiến lược hiện nay có nhiều biến động, cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với những thay đổi mang tính thời đại và cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt. (Nguồn: AFP)
Tổng thống Palestine Abbas (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Blinken trong cuộc gặp ở Ramallah, Palestine, ngày 31/1. Trong cuộc hội đàm, Tổng thống Abbas cáo buộc Israel gây ra tình trạng bạo lực nghiêm trọng tại Bờ Tây, đồng thời kêu gọi “hoàn toàn chấm dứt các hành động đơn phương của Israel vốn vi phạm các thỏa thuận đã ký kết và luật pháp quốc tế”. Về phần mình, ông Blinken kêu gọi hai bên giảm leo thang căng thẳng, ngăn chặn bạo lực và cố gắng tạo nền tảng cho các hành động tích cực hơn trong tương lai. (Nguồn: LA Times)
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy trả lời phỏng vấn báo chí sau khi gặp Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng, Washington, ngày 1/2. Hai nhà lãnh đạo không đạt được thỏa thuận nhằm giải quyết giới hạn nợ quốc gia, nhưng ông McCarthy tỏ ra lạc quan khi cho rằng hai người có thể đạt được sự đồng thuận "rất lâu trước khi" Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ. (Nguồn: Getty)
Người dân Kinshasa, CHDC Congo, chào đón Đức giáo hoàng Francis khi ông tới thăm nước này, ngày 31/1. Tuần qua, Đức giáo hoàng có chuyến công du 6 ngày đến CHDC Congo và Nam Sudan. (Nguồn: Reuters)
Quân nhân Ukraine đào hào gần thành phố Bakhmut, ngày 1/2 trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine vẫn tiếp diễn. (Nguồn: Getty)
Binh sĩ Ukraine trở về từ tiền tuyến tại Bakhmut ở vùng Donbass. Từ cuối tháng 1 vừa qua, lực lượng Nga đã tiến hành cuộc tấn công mới xung quanh thị trấn Vuhledar ở phía Nam Donbass, khiến xung đột càng thêm căng thẳng. (Nguồn: Getty)
Oleksiy Storozh vác một cây thánh giá để đặt trước mộ người bạn thân quá cố của mình, Oleksandr Korovniy, một quân nhân của tiểu đoàn Azov tử trận ở Bakhmut, trong lễ tang tại một nghĩa trang ở Sloviansk, Ukraine. (Nguồn: Getty)
Hàng chục xe tăng Leopard 1 do Đức sản xuất được cất giữ trong một nhà xưởng ở Tournais, Bỉ, ngày 31/1. Số xe tăng này thuộc sở hữu của Freddy Versluys, Giám đốc điều hành công ty quốc phòng Bỉ OIP Land Systems. Ông Versluys cho biết có thể chuyển số vũ khí này cho Ukraine nếu nhận được giấy phép xuất khẩu từ chính quyền vùng Wallonia của Bỉ và từ Đức. (Nguồn: Reuters)
Cảnh sát mặc thường phục tập trung tại hiện trường vụ thánh đường Hồi giáo bị đánh bom ở Peshawar, Pakistan, ngày 1/2. Thánh đường nằm trong khu vực an ninh cao, nơi đặt trụ sở của cảnh sát và đơn vị chống khủng bố tỉnh Khyber Pakhtunkhwa. Vụ việc khiến 101 người thiệt mạng và gần 160 người bị thương. Một quan chức cấp cao cho biết, thủ phạm là một thành viên của lực lượng Taliban ở Pakistan cải trang thành cảnh sát. (Nguồn: Getty)
Lực lượng an ninh người Kurd Asayish đứng gác bên ngoài một ngôi nhà trong cuộc đột kích chống lại các chiến binh bị tình nghi thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Raqa, Syria. Sau khi các chiến binh thánh chiến mất đi những vùng lãnh thổ cuối cùng vào tháng 3/2019, các thành viên còn lại của tổ chức này ở Syria hầu hết đã rút lui vào nơi ẩn náu trên sa mạc ở phía Đông đất nước. Kể từ đó, họ đã sử dụng các vị trí này để phục kích các lực lượng do người Kurd lãnh đạo và quân đội chính phủ Syria khi tiến hành các cuộc tấn công ở Iraq. (Nguồn: Getty)
Người biểu tình đá vào hộp hơi cay trong cuộc đụng độ với cảnh sát ở Paris, Pháp, ngày 31/1. Các công đoàn tổ chức một cuộc đình công lớn nhằm phản đối kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu đối với hầu hết người lao động của chính phủ. Do ảnh hưởng của cuộc biểu tình, các trường học và mạng lưới giao thông của Pháp bị gián đoạn nặng nề. (Nguồn: Getty)
Người phụ nữ nằm trên quầy ở chợ Canape Vert, vài ngày sau khi cảnh sát Haiti chặn đường và tiến hành kiểm tra tại sân bay trong một cuộc ra quân sau vụ các sĩ quan cảnh sát bị một số băng đảng vũ trang sát hại, ở Port-au-Prince, Haiti, ngày 30/1. (Nguồn: Reuters)
Người dân chụp ảnh cùng với những xiên kẹo hồ lô bọc đường bên ngoài Tháp Trống ở Bắc Kinh, Trung Quốc trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023 khi các hạn chế phòng dịch Covid-19 đã được dỡ bỏ. Tuần qua, giới chức nước này tuyên bố, làn sóng Covid-19 'sắp kết thúc', và không có dấu hiệu gia tăng ca mắc mới từ kỳ nghỉ Tết, mặc dù lượng khách du lịch tăng mạnh so với năm ngoái. (Nguồn: AP)
AJ Dereume giơ cao chú sóc đất, được gọi là Phil, để dự đoán xem mùa Đông sẽ kéo dài bao lâu trong Lễ hội Ngày loài sóc đất, tại Gobblers Knob ở Punxsutawney, Pennsylvania, Mỹ, ngày 2/2. (Nguồn: Reuters)
Tín đồ ở Salvador, Brazil, tung hoa cúng dường Nữ Thần biển Lemanjá, ngày 1/2. Nữ thần Lemanjá được tôn kính trong nhiều tín ngưỡng ở Brazil. (Nguồn: Getty)
Nhân viên phục chế tại công viên khảo cổ Appia Antica, Sara Iovine làm sạch bức tượng hoàng đế La Mã có kích thước thật đóng giả anh hùng cổ đại Hercules sau khi nó được phát hiện trong quá trình sửa chữa hệ thống cống rãnh gần Appian Way cũ, đường cao tốc đầu tiên của La Mã cổ đại, ở Rome, Italy, ngày 1/2. (Nguồn: Reuters)
Ảnh chụp cảnh thiệt hại do lở đất gây ra bên dưới một ngôi nhà ở Auckland, New Zealand, ngày1/2. Lượng mưa lớn chưa từng thấy đã gây ra lũ lụt tàn khốc cho Auckland và buộc hàng trăm người phải sơ tán khỏi thành phố. (Nguồn: Getty)
Hình ảnh sao chổi màu xanh lục có tên C/2022 E3 (ZTF), lần cuối cùng đi ngang qua hành tinh của chúng ta cách đây khoảng 50.000 năm, được nhìn thấy từ Pico de las Nieves, thuộc đảo Gran Canaria, Tây Ban Nha, ngày 1/2. (Nguồn: Reuters)
Con sư tử cái trên ngọn cây keo gai tại Masai Mara ở Kenya. (Nguồn: Getty)
Lực lượng chức năng tiến hành xử lý xác con cá voi lưng gù dạt vào bờ biển Lido Beach, New York, Mỹ, ngày 31/1. (Nguồn: AP)
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 đã thu hút sự chú ý lớn từ truyền thông quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trong hợp tác quốc phòng toàn cầu.