Ảnh ấn tượng tuần (5-11/4): Biểu tình ở Myanmar; Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện vai trò trong quan hệ Nga-Ukraine và chuyện buồn Covid-19
Dương Liễu
06:28 | 12/04/2021
Biểu tình căng thẳng ở Myanmar, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine hội đàm, bàn về quan hệ với Nga, tình hình Covid-19, phu quân của Nữ hoàng Anh qua đời… là những ảnh ấn tượng trong tuần được NBC, CNN, Reuters… tổng hợp.
Bức ảnh ấn tượng chụp người dân mang hoa tới bên ngoài Cung điện Buckingham, London, Anh, ngày 9/4 để tưởng nhớ Hoàng thân Philip sau khi Nữ hoàng Anh thông báo về sự qua đời của phu quân, Công tước xứ Edinburgh, hưởng thọ 99 tuổi. (Nguồn: Getty)
Tại rạp xiếc Piccadilly ở London, Anh có treo một tấm pano lớn in ảnh và thông điệp về Hoàng thân Philip. (Nguồn: Reuters)
Tổng thống Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden xuất hiện cùng Chú thỏ Phục sinh tại Nhà Trắng, Washington D.C, Mỹ ngày 5/4. Năm nay, hoạt động kỷ niệm nhân Lễ Phục sinh đã bị hủy bỏ do đại dịch Covid-19. (Nguồn: Getty)
Những người phụ nữ mặc trang phục truyền thống của người Sorb, hát thánh ca vào sáng sớm ngày Phục sinh trước một nhà thờ ở Schleife, Đức, ngày 4/4. Người Sorb là một nhóm dân tộc Slavic ở Đức và Ba Lan. (Nguồn: Reuters)
Các thành viên của đoàn múa nghệ thuật dân gian Marcal Hungary té nước vào một phụ nữ, như một phần của nghi thức trong lễ kỷ niệm truyền thống "Thứ Hai ẩm ướt" vào ngày thứ Hai đầu tiên sau Lễ Phục sinh ở Gyor-Menfocsanak, Hungary, ngày 5/4. (Nguồn: Reuters)
Thủ tướng Anh Boris Johnson ăn kem khi thăm công viên nghỉ mát Haven Perran Sands ở Perranporth, Anh, ngày 7/4. Ông Johnson đang thực hiện chuyến thăm tới các doanh nghiệp trước khi quyết định mở cửa trở lại đất nước trong bối cảnh dịch Covid-19. (Nguồn: Getty)
Một số trong hàng trăm người không hẹn trước đứng xếp hàng bên ngoài địa điểm tiêm phòng Covid-19 tại Hagerstown Premium Outlets ở Hagerstown, Meryland, Mỹ, ngày 7/4. Địa điểm này được mở cửa để tiêm phòng cho những người không có hẹn trước sau khi họ đứng xếp hàng chờ đợi hàng tiếng đồng hồ. Được biết, chỉ có 200 người trong số họ được tiêm chủng trong ngày 7/4. (Nguồn: Getty)
Một bệnh nhân lớn tuổi mắc Covid-19 được đưa lên xe cấp cứu ở Duque de Caxias, trong khu vực đô thị Rio de Janeiro, Brazil, ngày 7/4. Brazil đang là tâm dịch Covid-19 của thế giới khi ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục và số ca tử vong vì Covid-19 riêng trong ngày 6/4 lên tới hơn 4.000 người. Tính đến tối 11/4, thế giới ghi nhận hơn 136,2 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 2,94 triệu người tử vong và hơn 109,5 triệu ca bình phục. Brazil là 1 trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, lần lượt gồm Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Pháp và Nga. (Nguồn: AP)
Leanne Montenegro, 21 tuổi, che mắt khi được tiêm vaccine ngừa Covid-19 của hãng Pfizer tại một trung tâm tiêm chủng ở Đại học Miami Dade, Mỹ, ngày 5/4. (Nguồn: AP)
Cụ bà ôm con thú nhồi bông Snoopy trong khi chờ để được tiêm vaccine Covid-19 của hãng Sinopharm tại nhà dưỡng lão San Ramon ở La Paz, Bolivia, ngày 5/4. (Nguồn: AP)
Người dân ngủ trên các bình oxy rỗng trong khi chờ đợi cửa hàng mở cửa để nạp oxy vào bình trong khu vực lân cận Villa El Salvador, Lima, Peru. Quốc gia châu Mỹ đang lâm vào tình trạng thiếu trầm trọng oxy để điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19. (Nguồn: AP)
Nhân viên xã hội chụp ảnh một người dân nhận tiền viện trợ của chính phủ ở Manila, Philippines. Theo quy định, mỗi người dân nước này được được nhận hỗ trợ 1.000 Peso (20 USD), tối đa 4.000 Peso (80 USD) cho mỗi hộ gia đình. Khoảng 24 triệu người ở Manila và các tỉnh lân cận vẫn đang chấp hành lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt, được cho là lâu nhất trên thế giới, do đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng tiếp tục gây áp lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước. (Nguồn: Getty)
Y tá chăm sóc cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại khu Etterbeek-Ixelles của bệnh viện Iris Sud ở Brussels, Bỉ. Kể từ ngày 5/4, các bệnh viện của Bỉ chuyển sang giai đoạn 2A, tức là 60% số giường chăm sóc đặc biệt được dành cho những người mắc bệnh Covid-19. (Nguồn: EPA)
Nhân viên y tế thuộc bệnh viện từ thiện Bồ Đào Nha ở Belem, Brazil hát và cầu nguyện cho một bệnh nhân Covid-19 nhân ngày Lễ Phục sinh. (Nguồn: Getty)
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan trong cuộc hội đàm tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 10/4. Trong tuyên bố chung sau cuộc hội đàm, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nêu quan điểm ủng hộ ý định gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Kiev, xác nhận quyết định cơ bản của Thổ Nhĩ Kỳ là không công nhận “việc sáp nhập Crimea” (vào Nga). Ngày 11/4, Tổng thống Erdogan cho biết, Ankara đang nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho căng thẳng giữa Ukraine và Nga sau khi tình hình bạo lực gia tăng ở vùng Donbass và việc Moscow tăng cường quân sự ở biên giới giáp Ukraine. (Nguồn: Anadolu Agency)
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, thứ hai từ phải sang, tham dự phiên điều trần trong phiên tòa xét xử ông với cáo buộc tham nhũng ở Jerusalem, ngày 5/4. Ông Netanyahu đang phải đối mặt với cáo buộc trong 3 vụ án riêng biệt. Thủ tướng Israel đã không phát biểu trong quá trình tố tụng hôm 5/4 nhưng trước đó ông đã phủ nhận các cáo buộc. (Nguồn: AP)
Người biểu tình đốt lửa, ném bom xăng vào cảnh sát trong các cuộc đụng độ tại Cổng Hòa bình ở Belfast, Bắc Ireland, ngày 7/4. Bạo loạn tại vùng Bắc Ireland tiếp tục bùng phát bất chấp các lãnh đạo Anh, Cộng hòa Ireland và Liên minh châu Âu (EU) đều kêu gọi các bên kiềm chế. (Nguồn: Getty)
Những người biểu tình phản đối cuộc chính biến xếp thành đội hình với súng hơi tự chế trong cuộc biểu tình ở Yangon, Myanmar. Hãng tin AFP dẫn số liệu của Tổ chức Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết, tính đến ngày 11/4, số người biểu tình thiệt mạng ở Myanmar đã lên 701 người kể từ sau cuộc binh biến hồi đầu tháng 2. Con số này cao hơn nhiều so với số liệu mà chính quyền quân sự Myanmar đưa ra là 248 người. (Nguồn: AP)
Anastasia Vasilyeva, một thành viên thuộc tổ chức Alliance of Doctors và là bác sĩ riêng của chính trị gia đối lập Alexei Navalny, bị cảnh sát bắt tại lối vào khu vực nhà tù N2 ở Pokrov, Nga, nơi ông Navalny đang chấp hành bản án tù giam 2,5 năm. (Nguồn: AP)
Stephen Mudoga, 12 tuổi, xua đuổi một bầy châu chấu trong trang trại của gia đình ở Elburgon, Kenya, ngày 17/3. Mặc dù vụ mùa ở Kenya mới bắt đầu, nhưng những cơn mưa đến muộn đã mang lại hy vọng cho người dân trong cuộc chiến chống lại dịch cào cào, vốn gây ra những thiệt hại chưa từng có đối với mùa màng và rủi ro đối với an ninh lương thực ở khu vực Sừng châu Phi, bởi nếu không có mưa, châu chấu sẽ không có điều kiện để sinh sản. Ảnh được phát hành trong tuần qua. (Nguồn: AP)
Người trồng nho tại trang trại Daniel-Etienne Defaix thắp điện để chống tác hại của băng giá trong vườn ở gần Chablis, Burgundy, Pháp, ngày 7/4 khi nhiệt độ ban đêm xuống dưới mức đóng băng. (Nguồn: Getty)
Người nông dân bên những cây táo bị băng giá bao phủ tại một vườn cây ăn quả ở La Palazzetta, Italy, ngày 8/4. Để bảo vệ mùa màng khỏi bị ảnh hưởng bởi băng giá, người ta phải tưới nước cho cây để bảo đảm nhiệt độ ở vào khoảng 32 độ F (0 độ C) trong khi nhiệt độ môi trường xuống thấp hơn. (Nguồn: Getty)
Dòng nham thạch phun trào từ khe nứt mới của một ngọn núi lửa gần thủ đô Reykjavik của Iceland vào ngày 6/4. Đây là núi lửa đầu tiên phun trào tại khu vực này trong gần 800 năm qua. (Nguồn: Getty)
Người dân tới viếng thăm nghĩa trang Cape Collinson nhằm bày tỏ lòng kính trọng và thương nhớ đối với những người thân đã mất nhân dịp Lễ Thanh Minh ở Hong Kong, Trung Quốc, ngày 5/4. (Nguồn: Getty)
Tàu thám hiểm Perseverance của NASA chụp ảnh selfie cùng máy bay trực thăng Ingenuity sao Hỏa, ngày 6/4. Chiếc trực thăng nặng 4 pound (khoảng hơn 1,8kg) đang ở cách tàu thám hiểm khoảng 13 feet (gần 4m). (Nguồn: NASA)
Tại Saignelegier, Thụy Sỹ, 3 con ngựa được vận chuyển trong cuộc thử nghiệm của lực lượng quân đội Thụy Sỹ trong tình huống giả định là vận chuyển ngựa bằng máy bay, đưa chúng đến cơ sở chăm sóc thú y khi chúng bị thương. (Nguồn: Getty)
Trở lại Nhà Trắng một cách mạnh mẽ, áp đảo, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ 'đối đãi' với thế giới như thế nào trong nhiệm kỳ 2.0 vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.