Ảnh ấn tượng tuần (8-14/3): Căng thẳng Myanmar, gói cứu trợ 1.900 tỷ USD tham vọng của Mỹ, Hoàng tử Harry và 'cú ấn nút bom hạt nhân'
Dương Liễu
06:40 | 15/03/2021
TGVN. Căng thẳng Myanmar, Mỹ thông qua gói cứu trợ 1.900 tỷ USD, nỗi đau Covid-19, Hoàng tử Harry và cú ‘ấn nút bom hạt nhân’… là những ảnh ấn tượng trong tuần được NBC, CNN, Reuters… tổng hợp.
Bức ảnh ấn tượng cho thấy khoảnh khắc Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành gói cứu trợ kinh tế do Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD, ngày 11/3. Đây là ưu tiên lập pháp đầu tiên và cấp bách nhất của ông Biden kể từ khi nhậm chức vào tháng 1. Theo Reuters, gói cứu trợ này bao gồm, 400 tỷ USD dùng để hỗ trợ trực tiếp người dân Mỹ (1.400 USD/người), trừ những người có thu nhập hằng năm trên 75,000 USD; trợ cấp thất nghiệp dành cho 9,5 triệu người Mỹ với mức cộng thêm 300 USD/tuần. (Nguồn: Getty)
Hannah Boulder, thành viên thuộc đội Vệ binh Quốc gia Michigan, hát trong khi chơi guitar tại Điện Capitol ở Washington, Mỹ, ngày 10/3. (Nguồn: Reuters)
Tiến sĩ Mayank Amin chuẩn bị tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer cho người dân tại phòng khám Skippack Pharmacy ở Collegeville, Pennsylvania, Mỹ, ngày 7/3. Amin, được biết đến với cái tên Tiến sĩ Mak, đôi khi mặc một bộ trang phục Halloween của "siêu nhân" để tiêm chủng cho người dân. Được biết, đã có khoảng 3.000 người dân được tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Skippack Pharmacy kể từ đầu tháng 2. (Nguồn: Reuters)
Người phụ nữ được tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Lalitpur, Nepal, ngày 7/3. (Nguồn: Reuters)
Nicky Clough ôm mẹ, bà Pam Harrison, tại Nhà chăm sóc gia đình Alexander ở London, Anh, ngày 8/3. Đây là lần đầu tiên 2 mẹ con Nicky được gặp nhau kể từ khi những hạn chế đi lại do Covid-19 được nới lỏng tại Anh. (Nguồn: Reuters)
Người thân khóc trong lễ tang Tereza Santos, người đã qua đời vì bệnh Covid-19, tại nghĩa trang Vila Formosa ở Sao Paulo, Brazil, ngày 9/3. (Nguồn: Reuters)
Nhạc sĩ Albert Skuratov (bên phải) và Samuel Palomino biểu diễn những bản nhạc của Mozart tại phòng chăm sóc đặc biệt các bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện Nurse Isabel Zendal ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 11/3. (Nguồn: AP)
Nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey phỏng vấn Hoàng tử Anh Harry và vợ Meghan Markle, Nữ công tước xứ Sussex. Cuộc phỏng vấn của vợ chồng Hoàng tử Harry trên kênh CBS vào tối 7/3 (giờ Mỹ) gây chấn động khắp thế giới khi cặp đôi cáo buộc Hoàng gia Anh phân biệt chủng tộc, tiết lộ mức độ rạn nứt của họ với Nữ hoàng Elizabeth II và các thành viên Hoàng gia cao cấp khác. Những người trong Cung điện Buckingham mô tả tâm trạng “sốc và buồn bã”, rằng Hoàng tử Harry đã nhấn nút “bom hạt nhân cho gia đình của mình”. (Nguồn: Reuters)
Hoàng tử William của Anh gặp gỡ báo chí khi đến thăm một trường học ở London, ngày 11/3. Trước dư luận từ cuộc phỏng vấn của Hoàng tử Harry và vợ trên truyền hình Mỹ, Hoàng tử William đưa ra nhận xét công khai đầu tiên: "Chúng tôi không phải là một gia đình phân biệt chủng tộc". (Nguồn: AP)
Người phụ nữ tham gia cuộc biểu tình ở Rome, Italy, một trong số nhiều cuộc biểu tình được tổ chức trên khắp thế giới nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và phản đối nạn bạo lực đối với nữ giới. (Nguồn: Shutterstock)
Những người phụ nữ tham gia cuộc biểu tình phản đối luật nông nghiệp vào Ngày Quốc tế Phụ nữ tại Bahadurgar gần biên giới Haryana-Delhi, Ấn Độ, ngày 8/3. Mang những chiếc khăn màu vàng tươi tượng trưng cho màu của cánh đồng hoa cải, những người phụ nữ hô khẩu hiệu, tổ chức các cuộc tuần hành nhỏ và phát biểu qua loa phóng thanh. (Nguồn: Reuters)
Người phụ nữ phá cửa sổ ở lối vào ga tàu điện ngầm Hidalgo trong cuộc tuần hành kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 ở Mexico City, Mexico. (Nguồn: Getty)
Linh mục cầu xin những người biểu tình chống chính phủ cho ông đi qua rào chắn tạm thời bằng những chiếc lốp xe ô tô ở Zouk Mosbeh, Lebanon. Những người biểu tình phản đối việc giảm giá đồng nội tệ và chất lượng cuộc sống ngày càng đi xuống. (Nguồn: Getty)
Người dân tham gia cuộc diễu hành Mardi Gras dành cho người đồng tính dọc theo phố Oxford ở Sydney, Australia nhằm vận động cho quyền của người đồng tính. Các nhà tổ chức diễu hành đã được giới chức cho phép tổ chức sự kiện, tối đa 1.500 người tham gia, trong bối cảnh Covid-19. (Nguồn: Getty)
Một nữ tu cầu xin cảnh sát không làm hại những người biểu tình ở Myitkyina, Myanmar, trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối chính biến ngày một lan rộng. (Nguồn: Getty)
Marbelis Brito bế con gái 7 tháng tuổi, Antonela, tại bãi rác Pavia ở ngoại ô Barquisimeto, Venezuela, nơi gia đình cô tìm kiếm những món đồ còn giá trị để bán. Người mẹ 35 tuổi của 8 đứa trẻ lớn lên ở đây cùng mẹ, người cũng kiếm sống bằng nghề nhặt rác. (Nguồn: AP)
Trẻ em phân loại phế liệu tại một bãi chứa kim loại ở ngoại ô thị trấn Maaret Misrin, Syria. Một gia đình người Syria, rời khỏi làng Latamneh cách đây 4 năm, đã tìm kế sinh nhai bằng cách thu thập và bán sắt vụn, bao gồm đạn pháo chưa nổ và vỏ đạn đã qua sử dụng. (Nguồn: Getty)
Lực lượng chức năng của bang Texas, Mỹ yêu cầu Edith và con trai cô, bé Harbin Ordonez, những người tị nạn, ra khỏi nơi ẩn náu sau khi phát hiện những người mang quốc tịch Honduras băng qua sông Rio Grande để vào Mỹ từ Mexico trên một chiếc bè. (Nguồn: Reuters)
Ảnh chụp toàn cảnh trại di cư Las Raices ở Santa Cruz de Tenerife, Tây Ban Nha. Theo nhà chức trách, có tới 23.000 người di cư đã đến quần đảo Canary từ bờ biển phía Tây của Bắc Phi vào năm ngoái. Tính từ đầu năm đến nay, cũng đã có vài nghìn người di cư tới đây. Nhằm hạn chế sự lây lan dịch Covid-19, Chính phủ Tây Ban Nha đã hạn chế việc đưa người di cư tới đất liền. Thay vào đó, chính quyền xây dựng một loạt các trại tập trung lớn ở Gran Canaria và Tenerife. (Nguồn: Getty)
Giáo hoàng Pope Francis gặp Đại giáo chủ Hồi giáo Shiite Sayyid Ali Al-Husayni Al-Sistani ở Najaf, Iraq, ngày 6/3. Đây là cuộc gặp lịch sử khi lần đầu tiên một vị giáo hoàng gặp gỡ đại giáo chủ của Hồi giáo Shiite. Cuộc gặp diễn ra trong 45 phút, nhiều hơn 15 phút so với dự kiến. (Nguồn: Getty)
Du khách chụp ảnh những chiếc đèn lồng bằng giấy tại "Vườn nến Washi", ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 11/3 trong lễ tưởng niệm 10 năm ngày xảy ra trận động đất mạnh 9 độ richter gây ra sóng thần và thảm họa hạt nhân. Hơn 20.000 người chết và mất tích, trong đó có hơn 3.000 người nữa tử vong vì những nguyên nhân có liên quan đến thảm họa này, bao gồm tự tử hay chết vì bệnh tật. (Nguồn: Getty)
Mây bao phủ bầu trời khu nhà ở Ernst-Taehlmann-Park sau cơn dông ở Berlin, Đức, ngày 11/3. (Nguồn: AP)
Sân chơi khúc côn cầu trên mặt hồ Baikal đóng băng ở làng Bolshoye Goloustnoye, Nga, ngày 8/3. (Nguồn: Reuters)
Các công nhân đi khắc phục sự cố liên quan đến điện lưới do thời tiết khắc nghiệt ở Hakkari, Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: Getty)
Con chó có bệnh ở chân đang được điều trị trong bồn nước tại một bệnh viện thú cưng ở Thẩm Dương, Trung Quốc, ngày 11/3. (Nguồn: Getty)
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 đã thu hút sự chú ý lớn từ truyền thông quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trong hợp tác quốc phòng toàn cầu.