Các trụ chứa uranium được vận chuyển từ Nga được dỡ xuống cảng Dunkirk, Pháp, hồi tháng 3/2023. (Nguồn: AFP) |
AFP dẫn tuyên bố từ Bộ An ninh Năng lượng và Phát thải ròng bằng 0 của Anh nêu rõ, việc triển khai chương trình HALEU sẽ cho phép nước này cung ứng cho toàn thế giới nhiên liệu hạt nhân chuyên dụng để “thay thế” Nga khỏi thị trường năng lượng toàn cầu.
Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), hiện nay, duy nhất chỉ có một công ty của Nga sản xuất loại nhiên liệu chuyên dụng này ở quy mô thương mại.
Claire Coutinho nói rằng, bằng cách tự triển khai sản xuất HALEU, Vương quốc Anh hy vọng sẽ thay thế Nga ở vị trí nhà sản xuất thương mại duy nhất trên thế giới về loại nhiên liệu này.
Dự kiến, nhà máy sản xuất HALEU sẽ đi vào hoạt động vào đầu những năm 2030 tại vùng England.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình đối với an ninh năng lượng trong nước cũng như cấp độ quốc tế, Bộ trưởng bộ trên Claire Coutinho khẳng định rằng, chương trình được xây dựng dựa trên những lợi thế cạnh tranh của Anh.
Khoản đầu tư mang tính bước ngoặt trị giá 300 triệu Bảng này là một phần trong kế hoạch giúp cung cấp tới 24 GW năng lượng điện hạt nhân vào năm 2050, tương đương với 25% nhu cầu tiêu dùng điện tại Vương quốc Anh.
HALEU có nồng độ đồng vị phân hạch U-235 ở mức từ 5%-20%, phù hợp cho các nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới sử dụng các lò phản ứng module nhỏ (SRM).
Việc tăng cường đầu tư cho nhiên liệu hạt nhân được xem là một phần trong chiến lược chuyển đổi năng lượng hướng tới mục tiêu 95% điện năng của Anh là từ các nguồn phát thải carbon thấp vào năm 2030 và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2035.
Nước Anh cũng là một trong số hơn 20 quốc gia, trong đó có Mỹ, Pháp và Hàn Quốc, đã cam kết đến năm 2050 tăng 3 lần năng lượng điện hạt nhân toàn cầu như một phần trong nỗ lực cắt giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.