Hàng trăm nghìn sinh viên và học sinh khắp Vương quốc Anh sắp bước vào mùa thi cuối kỳ. Thomas Lancaster, một phó trưởng khoa tại Đại học Staffordshire cho biết chúng ta đang sống tại một “thế giới nguy hiểm” khi sinh viên có thể dễ dàng kiếm được “thuốc thông minh”. Ông kêu gọi các trường đại học cần có những buổi “thảo luận thẳng thắn” với sinh viên và xây dựng các chính sách về việc sử dụng chúng.
“Các trường đại học cần nghiêm túc xem xét làm thế nào để phản ứng lại với sự xâm nhập hàng loạt của thuốc thông minh trong trường. Điều quan trọng là ta cần phải giáo dục sinh viên về thuốc thông minh và liệu chúng có thấy việc sử dụng loại thuốc này là gian lận trong thi cử hay không”, ông Lancaster nói.
Thuốc thông minh là những loại thuốc được kê theo đơn giúp học sinh, sinh viên tăng khả năng tập trung, trí nhớ và tinh thần để tăng cường khả năng học tập. Những loại thuốc được sử dụng nhiều bao gồm Modafinil, Ritalin và Adderall. Những loại thuốc tăng nhận thức thường được dùng để chữa trị một số căn bệnh rối loạn như chứng ngủ rũ (narcolepsy) hay rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).
Adderall, một trong những loại thuốc giúp tăng cường trí tuệ phổ biến. (Nguồn: Getty Images) |
Không nên sử dụng tràn lan
Tháng 5/2016, báo sinh viên Cherwell của Đại học Oxford có đăng một bài khảo sát cho thấy, 15,6% sinh viên trường này sử dụng các loại thuốc thông minh mà không được kê đơn.
Theo các chuyên gia, phần lớn sinh viên thấy việc sử dụng thuốc thông minh là hoàn toàn bình thường. Ước tính khoảng 10 – 15% (khoảng 230.000) sinh viên châu Âu tìm cách tăng khả năng học tập bằng cách sử dụng các loại thuốc tăng cường trí tuệ, đồ uống có cồn hoặc các chất kích thích khác ít nhất 1 lần.
Chưa có nghiên cứu nào cho thấy ảnh hưởng về lâu dài của thuốc thông minh đối với sức khỏe con người, tuy nhiên các nhà khoa học không khuyến khích việc sử dụng chúng. Ngoài ra, một số phản ứng phụ không mong muốn có thể xảy ra chẳng hạn như tăng lo âu và nhịp tim.
Giáo sư Dominique Thompson, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe sinh viên tại Đại học Bristol, nói rằng bà gặp khá nhiều sinh viên đến khám trong tình trạng bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của các loại thuốc tăng cường trí tuệ, ví dụ như mất ngủ.
Bà Thompson cho biết sinh viên chịu khá nhiều áp lực về mặt điểm số và tài chính, cũng như muốn được khác biệt so với các bạn khác. Đó cũng có thể là một lý do vì sao họ lại muốn sử dụng các loại thuốc này đến vậy.
Một sinh viên năm thứ 2 tại Đại học Cambridge cho biết: “Tôi biết khá nhiều người sử dụng thuốc thông minh để giúp đỡ việc học vì khối lượng bài tập quá nhiều và đòi hỏi chất lượng quá cao. Họ đều thích dùng Modafinil hơn là Ritalin hay Adderall”.
Sinh viên Đại học Oxford được cho là thường sử dụng các loại "thuốc thông minh". (Nguồn: Alamy) |
Tìm mua không quá khó
Một số sinh viên khẳng định họ đã giả vờ mắc các triệu chứng của bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý để được kê đơn thuốc Ritalin hoặc Adderall. Một sinh viên trường Đại học London thừa nhận rằng bạn của cô đã kiếm Ritalin bằng cách học thuộc những triệu chứng của bệnh ADHD và thuyết phục một bác sĩ đa khoa kê đơn thuốc.
Năm ngoái, Vương quốc Anh đã ra lệnh cấm 1 loại thuốc có tên là Noopept, loại bột màu trắng mịn mà các nhà sản xuất khẳng định có khả năng tăng cường hoạt động của não bộ. Tuy nhiên, loại thuốc này lại xuất hiện tràn làn trên một số trang web bán hàng trực tuyến.
Modup, một trang web chuyên bán thuốc Modafinil, thừa nhận rằng đến mùa thi, số lượng Modafinil được chuyển đến Vương quốc Anh tăng lên gấp đôi. Hầu hết chúng được chuyển đến Đại học Oxford và Cambridge, tiếp theo đó là Trường Đại học Hoàng gia London và Đại học Kinh tế London.
Mặc cho tình hình sinh viên sử dụng thuốc thông minh, các trường đại học dường như không có kế hoạch nào để ngăn chặn vấn đề này. Họ có cấm việc sử dụng chất kích thích, ma túy tại khuôn viên trường, nhưng luật này không áp dụng với các loại thuốc.
Neal Patel, phát ngôn viên của Hiệp hội Dược phẩm Hoàng gia Anh cho biết: “Thật không may, những người được kê đơn thuốc có thể dễ dàng mua thuốc theo toa rồi bán lại cho những kẻ bán hàng trực tuyến vô đạo đức”.