Các đại biểu trao đổi bên lề buổi tập huấn. (Ảnh: British Council) |
Khóa tập huấn nằm trong chuỗi các hoạt động trong giai đoạn 2016-2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, về thí điểm các phương pháp tiếp cận giáo dục phổ thông theo hướng toàn diện, khuyến khích trải nghiệm và sáng tạo.
Hợp tác 3 bên lần này nhằm tập hợp kinh nghiệm quốc tế của Microsoft và Hội đồng Anh trong việc tổ chức trường học kiểu mới, với định hướng tối ưu hóa ứng dụng CNTT làm nền tảng cho dạy học dự án, phát triển kỹ năng chuyên sâu thế kỷ 21 và dạy học tích hợp Khoa học – Công nghệ - Kỹ thuật – Toán” (gọi tắt là STEM) trong khung chương trình đào tạo quốc gia do Bộ quy định. Chuyên gia của chương trình sẽ kết hợp cùng các trường tham gia thí điểm hiện thực hóa các phương pháp giáo dục mới trong thực tế hoạt động của học kỳ 2 tới.
Khóa học cung cấp cho giáo viên và cán bộ quản lý bậc trung học cách nhìn mới về ứng dụng CNTT và cách tận dụng tối đa khả năng của CNTT như một nền tảng thống nhất để kết nối và hiện đại hóa cách quản lý, phương thức truyền đạt kiến thức, tạo điều kiện khơi gợi hứng thú học tập của học sinh. Một nội dung quan trọng khác của khóa tập huấn là xây dựng mô hình giáo dục để phát triển những kỹ năng học tập chuyên sâu trong thế kỷ 21 và các kỹ năng sống trong môi trường kinh tế toàn cầu cho học sinh trung học.
“Kỹ năng học tập chuyên sâu thế kỷ 21” là chương trình được Hội đồng Anh xây dựng dựa trên các phương pháp sư phạm chuyên sâu, các kỹ năng chuyển đổi của UNESCO và sự tư vấn của các chuyên gia quốc tế về trường học. Chương trình gồm sáu nhóm cơ bản: Tư duy phê phán và Giải quyết vấn đề, Hợp tác và Giao tiếp, Sáng tạo và Tưởng tượng, Tinh thần công dân, Hiểu biết và sử dụng công nghệ số và Lãnh đạo tuổi học sinh.
Khóa tập huấn đặc biệt do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng Anh và Microsoft thực hiện. (Ảnh: British Council) |
Đặc biệt, khóa tập huấn giới thiệu khái niệm mới - STEM. Mục đích của STEM là thu hút học sinh tăng cường giải quyết vấn đề trong đời sống thực, bằng cách áp dụng những kiến thức, hiểu biết và kỹ năng từ các môn học. Bên cạnh kết quả học tập, STEM hướng tới mục tiêu cao hơn là định hướng cho học sinh yêu thích và phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Tại buổi tập huấn, Giáo sư Mark Windale - chuyên gia giáo dục STEM từ Đại học Sheffield Hallam (Anh) đã giới thiệu sáng kiến “Đại sứ STEM” và “Câu lạc bộ STEM”. Giáo sư dẫn một thống kê tại Anh cho thấy, các môn học STEM nằm trong nhóm gây ít hứng thú nhất cho học sinh lớp 7 và lớp 9, trong khi các em rất hào hứng với môn thể thao và nghệ thuật. Theo ông, từ kinh nghiệm triển khai STEM tại Anh và nhiều nước như Thái Lan và Malaysia, chiến lược đưa STEM vào hệ thống giáo dục cần sự kết hợp của các bộ ngành, hệ thống giáo dục đại học, khối doanh nghiệp và các trường phổ thông ứng dụng STEM trong chương trình đào tạo.
“Vương quốc Anh là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, với những sáng kiến độc đáo về ứng dụng đổi mới trong giáo dục. Qua khóa tập huấn này, chúng tôi hy vọng các nhà lãnh đạo giáo dục và giáo viên THCS tại Việt Nam sẽ cùng nhìn nhận giá trị mà STEM mang lại, trong đó bao gồm việc đào tạo một thế hệ tương lai có niềm đam mê với sự nghiệp trong lĩnh vực Khoa học – Công nghệ - Kỹ thuật – Toán”, Bà Cherry Gough, Giám đốc Hội đồng Anh, nhấn mạnh.
Bà cũng tin rằng, thông qua việc đóng góp vào các diễn đàn giáo dục, phát triển hệ thống và hỗ trợ cho giáo viên và lãnh đạo giáo dục, Việt Nam sẽ biết thêm những điển hình kinh nghiệm và tư duy mới mẻ toàn cầu. Và đây là cách hiệu quả nhất để đầu tư cho tương lai của Việt Nam và của thế giới.
Được biết, chương trình hợp tác sẽ được triển khai qua 2 giai đoạn. 10 trường sẽ được lựa chọn để triển khai trong giai đoạn thí điểm và nhân rộng khi mô hình thể hiện được tính khả thi.