📞

Anh đang nhích đến FTA đầu tiên hậu Brexit?

Nguyễn Hoàng 00:02 | 23/05/2021
Nhật báo The Australian ngày 21/5 đưa tin, nội các của Thủ tướng Anh Boris Johnson đồng ý với yêu cầu của Australia về mức thuế quan bằng không đối với hàng hóa trong thỏa thuận thương mại tự do (FTA) giữa hai nước.

Điều đó có nghĩa là chính quyền ông Boris Johnson đã không chấp nhận ý kiến phản đối của nông dân Anh, những người theo chủ nghĩa dân tộc Scotland và chính quyền xứ Wales.

Việc gỡ bỏ thuế đối với thực phẩm nhập khẩu từ Australia buộc nông dân ở xứ sở sương mù phải cạnh tranh nhiều hơn trên chính sân nhà của mình.

Rõ ràng là người đứng đầu chính phủ Anh rất muốn thúc đẩy ký kết FTA với Australia để tạo đà cho các cuộc đàm phán thương mại tương tự khác với Mỹ.

Thủ tướng Anh rất muốn thúc đẩy ký kết FTA với Australia để tạo đà cho các cuộc đàm phán thương mại tương tự khác với Mỹ. (Nguồn: Getty)

Theo thỏa thuận giữa hai nước, Australia cũng sẽ ủng hộ Anh tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Tuy nhiên, Anh đề nghị chưa áp dụng các điều khoản thương mại tự do đối với các mặt hàng nông nghiệp như thịt bò và thịt cừu trong một thời gian dài, có thể lên tới 15 năm, để nông dân nước này có thời gian thích nghi với sự cạnh tranh gia tăng.

Trong khi đó, Australia được cho là đã đề nghị một thời hạn ngắn hơn, chỉ là 5 năm.

Các nhà đàm phán thương mại Anh cũng đề nghị FTA giữa hai nước sẽ chỉ áp dụng đối với thịt không chứa hormone, tương tự như FTA mà Australia đã ký với Trung Quốc, đồng thời quy định các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm khác, trong đó có việc sử dụng vi sinh.

Ngoài ra, Anh đề nghị Australia đưa ra một cam kết mạnh mẽ về lượng khí thải carbon và công bố tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), sẽ được tổ chức tại Glasgow, Anh vào tháng 11 tới.

Theo The Guardian, Anh và Australia bắt đầu đàm phán FTA từ tháng 6/2020 và nếu kết thúc đàm phán vào tháng tới, đây sẽ là FTA lớn đầu tiên mà Anh đạt được với các nước kể từ khi nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit).