📞

Anh - EU: “Li hôn” trong nước mắt

13:47 | 25/01/2019
​Tiến trình Brexit của Vương quốc Anh ngày càng trắc trở khi nhiều khả năng London sẽ phải rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không đạt được thoả thuận nào.

Kế hoạch Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May tuần trước đã bị bác bỏ trước Quốc hội khi vấp phải sự phản đối mạnh mẽ với tỷ lệ 432 phiếu chống và chỉ có 202 phiếu thuận.

Trong một nỗ lực mới nhằm “hồi sinh” thoả thuận Brexit, Bà đầm thép của “xứ sở sương mù” đã nhanh chóng đưa ra “kế hoạch B” cho dù phương án này được cho là “bình mới rươụ cũ” khi không có quá nhiều thay đổi đột phá và quan trọng.

Giới lập pháp của Anh vẫn đang loay hoay tìm kiếm lối ra giữa mối tơ vò hiện tại trong khi thời hạn từ nay cho đến khi Anh chính thức rời EU chỉ còn hơn 60 ngày. Điều mà người ta có thể chắc chắn nhất ở thời điểm này là nếu các nhà lập pháp không thể thống nhất về một kế hoạch cụ thể, Brexit vẫn sẽ diễn ra mà không có bất kỳ thỏa thuận nào định hình mối quan hệ giữa Anh và phần còn lại của EU. 

Giờ phút Anh chính thức rời Liên minh châu ÂU (EU) sắp tới. (Nguồn: The Guardian)

Trong trường hợp kịch bản “Brexit không có thoả thuận” diễn ra, Ngân hàng Trung ương Anh dự báo nền kinh tế nước này sẽ sụt giảm khoảng 8% trong vòng 1 năm, và GDP tính tới 2023 sẽ giảm 10% so với thời điểm trước Brexit.

Trong bối cảnh các nhà lãnh đạo EU nhiều lần khẳng định bản thoả thuận “ly hôn” 585 trang là không thể thương lượng lại, song EU cho biết tổ chức này “đang chờ đợi các bước đi tiếp theo của Anh”, đồng thời vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán thêm về 20 trang của tuyên bố chính trị đi kèm thoả thuận này, dù rằng những thay đổi này sẽ không có tính ràng buộc về mặt pháp lý.

Trên thực tế, thỏa thuận này đã đáp ứng 3 trường hợp then chốt: Thứ nhất, bảo toàn vị thế của gần 5 triệu kiều dân châu Âu cũng như người Anh sau ngày 29/3; Thứ hai, đảm bảo rằng Vương quốc Anh tiếp tục thanh toán phần ngân sách trong nhiều năm của EU như đã cam kết; Thứ ba, giữ nguyên thỏa thuận hòa bình "thỏa thuận thứ Sáu tốt lành" giữa Bắc Ireland của Anh và Cộng hòa Ireland.

Phần “biên giới cứng” giữa Bắc Ireland và Cộng hoà Ireland được cho là điểm khúc mắc nhất của thỏa thuận, song Thủ tướng May khẳng định sẽ tiếp tục các cuộc tham vấn nhằm “tìm kiếm sự đồng thuận khả thi nhất có thể” trước khi đi vào thảo luận và bỏ phiếu cho nội dung mới trong tuần tới. 

Giới phân tích dự đoán rằng “kế hoạch B” của bà May cuối cùng cũng sẽ vượt qua cửa ải Quốc hội, khi thời hạn ngày 29/3 ngày càng đến gần. Sau sự thất bại của kế hoạch A, Thủ tướng May cho biết sẽ làm việc với các nhà lập pháp từ tất cả chính đảng để phá vỡ thế bế tắc trong tiến trình Brexit, đồng thời tìm kiếm sự hậu thuẫn của những nhân vật cứng rắn ủng hộ Brexit trong đảng Bảo thủ - những người cho rằng các đề xuất mà bà đưa ra là chưa đủ thỏa đáng đối với tiến trình rời bỏ EU, cũng như các thành viên đảng Liên hiệp Dân chủ (DUP), một nhóm nhỏ các chính trị gia Bắc Ireland có mặt trong chính quyền. 

Trong thời gian tới, nhiệm vụ của nhà lãnh đạo nước Anh sẽ càng chông gai hơn và được cho là “phi thường” khi vừa phải thuyết phục EU mở lại tiến trình đàm phán, vừa phải đảm bảo đủ thay đổi cần thiết để có phương án mới thuyết phục được ít nhất 115 nghị sĩ chuyển sang ủng hộ thỏa thuận. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, London sẽ tiếp tục bị giằng xé xung quanh mối quan hệ của Anh, hay việc không có mối quan hệ nào với EU, cho dù kết quả của Brexit có là thế nào đi chăng nữa.