📞

Anh hùng Kostas Saratidis Nguyễn Văn Lập: Ngọn hải đăng sáng mãi

Thu Trang 14:00 | 13/08/2022
Hoàn thành di nguyện mang tro cốt của cha về Việt Nam, bà Foteini Sarantidou Nguyễn Bạch Tuyết, con gái Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập, vô cùng xúc động và an lòng. Vậy là cha bà đã được an nghỉ cùng với các đồng đội trên quê hương thứ hai, nơi ông đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, đam mê và nhiệt huyết.
Anh hùng Kostas Saratidis Nguyễn Văn Lập

Gặp phóng viên TG&VN sau những ngày bận rộn lo tang lễ và tiễn đưa cha là ông Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập - người ngoại quốc duy nhất được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, trở về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Quân khu 5, TP. Đà Nẵng, gương mặt bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết thấp thoáng nét mệt mỏi nhưng lại toát lên vẻ an yên.

Mệt mỏi vì hành trình dài đưa ông Nguyễn Văn Lập từ đất nước Địa Trung Hải xa xôi về tới mảnh đất hình chữ S, an yên vì đã hoàn thành di nguyện trở về quê hương thứ hai của cha.

Luôn hướng về Việt Nam

Trong bộ áo dài truyền thống nền nã, bà Tuyết cố gắng trò chuyện với chúng tôi bằng tiếng Việt dù bà nói không hẳn lưu loát và có sẵn phiên dịch tiếng Hy Lạp. Dường như đó chính là cái gene bà được thừa hưởng từ cha. Cứ yêu mến, cứ cố gắng hết mình và hướng về Việt Nam từ những điều nhỏ nhặt như vậy.

Bà Tuyết bộc bạch: “Bố tôi yêu Việt Nam lắm, tình yêu lớn lao không thể nói thành lời”.

Lúc sinh thời, ông Nguyễn Văn Lập từng nói: “Cả đời tôi, thức dậy từ sáng đến tối, ngủ cũng vẫn mơ Việt Nam”.

Bà cho biết trong phòng ngủ của ông Nguyễn Văn Lập luôn treo một tấm vải xanh thêu bằng chỉ vàng rằng: “Cơ thể tôi về Hy Lạp, linh hồn tôi ở lại Việt Nam”. Ông đã tự làm chiếc khăn đó khi về Việt Nam cách đây ít lâu, bằng cả tiếng Việt và tiếng Hy Lạp, để lưu trọn tình yêu lớn lao với quê hương thứ hai của mình.

Trên ban công nhà, quốc kỳ Việt Nam luôn được treo và tung bay trước gió. Trong nhà còn trưng bày đầy ắp kỷ vật, tranh ảnh về Việt Nam, nơi ông Nguyễn Văn Lập đã có một quãng đời trẻ trung, sôi nổi, cống hiến hết mình cho Cách mạng, cho chính nghĩa. Ông còn dành bức tường trang trọng nhất để treo bức hình Chủ tịch Hồ Chí Minh và những huân huy chương được Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam trao tặng.

Dù ở Hy Lạp, nhưng gia đình bà Tuyết vẫn luôn giữ nếp sống, phong tục tập quán Việt Nam. Bà Tuyết cùng các anh chị em được cha răn dạy phải “uống nước nhớ nguồn”, không được quên nguồn gốc Việt Nam của mình (mẹ bà là người gốc Hà Nội).

Bởi vậy ngay từ nhỏ, bà đã được học tiếng Việt, nấu các món ăn Việt và tổ chức các dịp lễ tết như người Việt. Lớn lên trong tình yêu mảnh đất hình chữ S lớn lao của cha, bà cùng các anh chị em dù ở Hy Lạp xa xôi nhưng cũng có trái tim luôn hướng về Việt Nam như vậy.

“Anh hùng Kostas Saratidis Nguyễn Văn Lập đã có quãng đời trẻ trung sôi nổi, cống hiến hết mình cho cách mạng Việt Nam. Ngay cả sau này khi trở về Hy Lạp sinh sống, trái tim ông luôn hướng về nước Việt. Người chiến sĩ Nguyễn Văn Lập nhiều lần chia sẻ yêu Việt Nam như quê hương, Tổ quốc của mình. Ông là tấm gương sáng về lòng dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì công lý, hòa bình, độc lập, tự do. Quan hệ hữu nghị Việt Nam - Hy Lạp sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ dựa trên nền móng vững chắc mà bác Lập là người đi đầu kiến tạo.” (Đại sứ Việt Nam tại Hy Lạp Lê Hồng Trường)

Di nguyện của người chiến sĩ da trắng

Theo bà Tuyết, cách đây nhiều năm, khi bắt đầu già yếu, ông Nguyễn Văn Lập đã bày tỏ nguyện vọng được an nghỉ cùng những đồng đội của mình ở Việt Nam nếu ông qua đời.

Bà nhớ lại trước khi trở về Việt Nam cùng cha năm 2013: “Khi đó sức khỏe bố tôi đã yếu rồi, bác sĩ khuyên đừng đi xa như vậy. Nhưng bố tôi không đồng ý và nói, nếu bị ông có mệnh hệ gì hãy để ông ở Việt Nam. Trước khi sang Việt Nam, bố tôi viết sẵn di chúc: Nếu có chết thì cũng nằm lại quê hương thứ hai”.

Con người ta lúc sinh ly tử biệt theo lẽ thường lá rụng về cội, nhưng anh hùng Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập lại khác. Mặc dù sinh ra và mang dòng máu Hy Lạp, nhưng khi trở về cõi vĩnh hằng, ông lại mong muốn tro cốt, thân xác mình được về Việt Nam, quê hương thứ hai, nơi ông đã sống và chiến đấu hết mình với tinh thần quốc tế vô sản.

Có lẽ bởi sức hấp dẫn, “hữu xạ tự nhiên hương” của con người, đất nước, dân tộc Việt Nam đối với Anh hùng Nguyễn Văn Lập quá mạnh mẽ và lớn lao, thậm chí còn lớn hơn cả quy luật tự nhiên.

Thể theo di nguyện đó, khi ông Nguyễn Văn Lập từ trần ngày 25/6/2021 (theo giờ Việt Nam), hưởng thọ 94 tuổi, gia đình ông đã tổ chức tang lễ trang nghiêm theo nghi thức của Quân đội nhân dân Việt Nam và đưa đi hỏa táng.

Sau khi đại dịch Covid-19 lắng xuống, đầu tháng Tám vừa qua, gia đình ông với sự giúp đỡ của Đại sứ quán hai nước, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và các bên liên quan đã đưa tro cốt anh hùng Nguyễn Văn Lập trở về Việt Nam, tổ chức lễ truy điệu tại Nhà tang lễ Quân khu 5 và tiễn ông về an nghỉ tại Nghĩa trang Quân khu 5, TP. Đà Nẵng.

Trong chia sẻ của mình, bà Tuyết bày tỏ sự cảm kích vô cùng đối với Đảng, Nhà nước, Chính phủ và người dân Việt Nam vì luôn mở rộng vòng tay ấm áp với gia đình bà. Bà cho biết khi Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm gia đình bà nhân chuyến thăm Hy Lạp vào tháng 10/2021, gia đình bà đã chia sẻ về di nguyện của ông Nguyễn Văn Lập và đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình, ân cần từ các cấp, các bộ, ban, ngành để hoàn thành di nguyện này.

Thay mặt gia đình, bà Tuyết cũng gửi lời cảm ơn tới Đại sứ Lê Hồng Trường và Đại sứ quán Việt Nam tại Hy Lạp vì đã đồng hành với gia đình bà trong quá trình đưa tro cốt anh hùng Nguyễn Văn Lập trở về quê hương thứ hai.

“Nhờ ơn Đảng và Nhà nước Việt Nam, bố tôi đã được đưa về nằm cạnh đồng đội, thỏa tâm nguyện của ông. Gia đình tôi hạnh phúc và yên tâm lắm!”, bà nói đầy xúc động.

Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu trong buổi gặp gỡ gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Lập và Đại sứ Việt Nam tại Hy Lạp Lê Hồng Trường. (Ảnh: Quang Đào)

Biểu tượng của quan hệ song phương

Anh hùng Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập đã ra đi nhưng những cống hiến của ông, người mang quốc tịch Việt Nam - Hy Lạp, cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam và quan hệ song phương vẫn còn đó.

Trong các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo các cấp hai nước đều bày tỏ trân trọng và nhắc đến anh hùng Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập như một biểu tượng cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Hy Lạp.

Bài điếu văn của Thiếu tướng Trương Thiên Tô, Phó Chính ủy Quân khu 5 tại lễ truy điệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Kostas Nguyễn Văn Lập nhấn mạnh: “Người chiến sĩ cộng sản Kostas Nguyễn Văn Lập đã sống một cuộc đời vẻ vang, trở thành tấm gương sáng về lòng dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì công lý, vì hòa bình, độc lập, tự do, vì chính nghĩa và tinh thần quốc tế vô sản cao đẹp”.

Sau tất cả, bà Tuyết tin tưởng rằng những đóng góp của cha bà cho quan hệ hai nước sẽ là cầu nối, động lực để quan hệ hai nước tiếp tục gắn bó, phát triển bền vững hơn nữa.

“Đối với tôi, ông là tấm gương quên mình vì tinh thần chiến đấu, là ngọn hải đăng sáng mãi của quan hệ Việt Nam - Hy Lạp”, bà Tuyết nhấn mạnh.

Với tư cách là người Việt Nam ở nước ngoài, bà Tuyết cùng gia đình mong muốn sẽ tiếp tục góp sức cho sự phát triển mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Hy Lạp trong tương lai, nối tiếp nỗ lực của cha mình trong quá khứ.

Ông Kostas Saratidis sinh năm 1927 tại Hy Lạp. Năm 1943, ông bị bắt đi lính phục vụ trong Đức quốc xã, sau đó ba năm, bị đưa tới Việt Nam phục vụ trong quân đội Lê dương Pháp.

Chứng kiến tội ác của thực dân Pháp, ông đã giác ngộ, tham gia Việt Minh với tên Nguyễn Văn Lập. Trong chín năm tham gia kháng chiến chống Pháp, ông được giao nhiều nhiệm vụ trong các đơn vị quân chính quy Liên khu 5, có mặt trong nhiều trận chiến đấu ác liệt ở “khúc ruột miền Trung” và ghi nhiều chiến công hiển hách.

Năm 1958, ông lập gia đình cùng cô gái Hà thành Đỗ thị Chung. Bốn người con của ông lần lượt ra đời với những cái tên tiếng Việt đầy ý nghĩa: Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Nguyễn Thị Bạch Nga và Nguyễn Thị Tự Do. Năm 1965, ông rời Việt Nam về Hy Lạp theo nguyện vọng của mẹ.

Ông được Đảng và Nhà nước Việt Nam tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Hữu nghị, Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.

Năm 2010, ông được công nhận quốc tịch Việt Nam. Năm 2013, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trở thành người nước ngoài đầu tiên đến nay được phong tặng danh hiệu cao quý này.