Nuôi trồng thủy sản công nghệ cao ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình). |
Phát triển chưa xứng tiềm năng
Trải qua chín lần quai đê lấn biển, cùng hàng nghìn tỷ đồng do Nhà nước đầu tư đắp đê, xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi như: Ðắp đê Bình Minh (BM)1 năm 1959 - 1960; đắp đê BM2 năm 1981; đắp đê BM3 năm 2008 và năm 2020 đắp đê BM4... đã tăng diện tích tự nhiên của huyện Kim Sơn lên bốn lần. Nhiều xã mới được hình thành trên vùng bãi bồi như: Kim Trung, Kim Hải, Kim Ðông.
Phó Chủ tịch UBND xã Kim Trung Trần Ðức Thiện cho biết: Ðịa hình xã Kim Trung thấp dần ra biển. Người dân khai khẩn vùng đất mới này đến từ 56 xã, thuộc bảy tỉnh trong nước.
Mang ý chí tiếp nối người xưa mở đất, người Kim Trung năng động lợi dụng thủy triều để chuyển đổi 277 ha đất bãi bồi, đất trồng cói trước đây kém hiệu quả sang nuôi tôm sú, nuôi tôm thẻ chân trắng, theo hình thức quảng canh, nuôi công nghiệp và nuôi theo dự án VietGAP. Ðến nay, Kim Trung có 548 cơ sở nuôi trồng thủy sản.
Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp - thủy sản Kim Trung Phạm Văn Kiệm cho rằng: Nuôi trồng thủy sản ở vùng mép biển, nhất là nuôi tôm như "đánh bạc" với trời vì tôm hay bị chết do khí hậu khắc nghiệt, dịch bệnh hoặc do ô nhiễm môi trường nước. Có năm Kim Trung thiệt hại tới 35% diện tích nuôi tôm; năm 2020, tỷ lệ này là 15% diện tích.
Mặc dù vậy, nhiều hộ trong xã vẫn quyết tâm khắc phục khó khăn, phát triển nuôi trồng thủy sản, mạnh dạn chuyển sang nuôi hàu giống, ngao giống, đem lại thu nhập khá ổn định như gia đình ông Trần Văn Thế ở xóm 1; ông Ðinh Văn Hào ở xóm 3; các ông Ðinh Công Khanh, Ðinh Văn Kiên, Nguyễn Văn Tuyên ở xóm 4...
Trước đây sản xuất ở vùng ven biển Kim Sơn chủ yếu là trồng cói. Cây cói chịu được mặn và đất chua phèn cho nên ra phía biển là gặp đồng cói xanh rờn. Một thời cói là "vàng" ở vùng đất này, vì sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cói đã vươn tới thị trường nhiều nước trên thế giới, mang lại nguồn thu không nhỏ cho người dân địa phương.
Ðến năm 2006, nghề chế biến cói dần bị mai một vì giá trị kinh tế thấp. Từ đây, nhiều diện tích đất bãi bồi từ thị trấn Bình Minh ra phía biển được người dân chuyển sang nuôi trồng thủy sản nước mặn; một số xã như: Quang Thiện, Như Hòa, Kim Chính, Văn Hải, Kim Tân chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả thành vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt tập trung, nâng tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện lên hơn 4.370 ha.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn Trần Anh Khiêm cho biết: "Bình quân sản lượng nuôi trồng thủy sản của huyện ước đạt 28.000 tấn/năm. Sản lượng ngao giống đạt 30 tỷ con/năm; hàu giống đạt 12,5 tỷ con/năm. Năm 2020, nhiều hộ nuôi hàu giống có thu nhập từ 800 triệu đồng đến một tỷ đồng/vụ.
Cùng với sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các hoạt động dịch vụ ngày càng mở rộng, góp phần tạo cho kinh tế huyện Kim Sơn tăng trưởng ổn định. Huyện đạt 15 trong số 16 chỉ tiêu Ðại hội Ðảng bộ huyện nhiệm kỳ trước đề ra. Kết quả đó là niềm tin, là động lực để Kim Sơn vững bước trên con đường đổi mới".
Song, việc phát triển nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế biển của Kim Sơn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Báo cáo tại Ðại hội Ðảng bộ huyện Kim Sơn lần thứ 24, nhiệm kỳ 2020 - 2025 khẳng định: Kim Sơn chưa tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế; nuôi trồng thủy sản chưa bền vững, còn gây ô nhiễm môi trường. Nhất là chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế vùng ven biển.
Ngoài những tồn tại nêu trên, qua tìm hiểu thực tế cho thấy: Khu vực bãi bồi ven biển Kim Sơn đang có hiện tượng một số hộ dân mua bán, chuyển nhượng đất đầm bãi trái phép. Nhiều hộ lợi dụng lúc vắng lực lượng chức năng, tùy tiện xây dựng công trình nuôi giống hàu, giống ngao, xây dựng nhà ở, cầu cống trái phép, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự.
Việc nuôi trồng thủy sản cũng còn nhiều bất cập như: Công tác kiểm dịch, kiểm tra, cảnh báo dịch bệnh hạn chế; nhiều hộ nuôi trồng thủy sản chưa quan tâm nguồn gốc giống thủy sản và yêu cầu kiểm dịch, tạo điều kiện cho một số cá nhân cung cấp con giống vi phạm quy định về nuôi trồng thủy sản; phần lớn hệ thống công trình ao nuôi chưa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật; nhiều hộ vận hành theo lối sản xuất cũ là lấy nước trực tiếp từ kênh mương chung, không xử lý nước trước khi đưa vào ao nuôi; diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt nhỏ lẻ, không tập trung gây khó khăn cho việc quy hoạch vùng nuôi...
Ðánh thức "Núi vàng"
Kim Sơn có 18km bờ biển nằm giữa hai cửa sông Ðáy, sông Càn. Hệ thống sông ngòi ở Kim Sơn không chỉ phục vụ tưới tiêu trồng lúa, dẫn nước mặn, nước lợ nuôi trồng thủy sản mà còn là hệ thống giao thông đường thủy, giúp người dân có thể di chuyển bằng thuyền đến các làng, xã trong huyện.
Thiết kế bờ sông đồng thời là tuyến đường bộ đã tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại và phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, diện tích bãi bồi của Kim Sơn là hơn 9.445 ha, được chia thành bốn tiểu vùng. Các tiểu vùng đều có tiềm năng nuôi trồng thủy sản, nhất là ở tiểu vùng 4 từ đê BM3 ra Cồn Nổi có khoảng 1.814 ha có thể nuôi ngao.
Hơn nữa, vùng sinh cảnh gồm đảo Cồn Nổi và hơn 511 ha rừng phòng hộ ngập mặn, hơn 919 ha đất rừng phòng hộ chưa có rừng và nhiều đầm lầy hoang sơ, là nơi cư trú của 200 loài chim. Trong đó có gần 60 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước, nhiều loài quý hiếm như rẽ mỏ thìa, cò trắng, mòng biển ghi trong Sách đỏ... được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ðó là "Núi vàng" của huyện Kim Sơn.
Tuy nhiên, dù có tiềm năng, lợi thế lớn, được Nhà nước đầu tư 480 tỷ đồng đắp đê BM4; hàng trăm tỷ đồng làm đường vượt biển ra đảo Cồn Nổi và thực hiện dự án chống xói lở ở đảo Cồn Nổi, cùng nhiều dự án khác, song từ nhiều năm nay, vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn không chỉ gặp khó khăn về quản lý đất đai mà còn chưa tạo ra được nguồn thu vào ngân sách, Bí thư Huyện ủy Kim Sơn Hoàng Văn Thắng chia sẻ.
Nguyên nhân chính, trước hết là do hệ thống chính sách của các cơ quan chức năng về quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển, đất có mặt nước ven biển, chậm được ban hành. Một số văn bản trong đó có nội dung còn bất cập.
Mặt khác, khu vực bãi bồi ven biển nêu trên, mấy năm trước là vùng được tỉnh Ninh Bình lựa chọn triển khai một số dự án nhưng đến nay, không thực hiện. Do vậy, nhiều diện tích đất bãi bồi bị các chủ đầm lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép phục vụ nuôi trồng thủy sản, làm biến dạng mặt bằng, tạo khó khăn cho công tác quản lý đất đai.
Ðể giải quyết các bất cập nêu trên, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 890/QÐ-UBND ngày 22/7/2020, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng khu vực ven biển từ đê BM2 đến đảo Cồn Nổi.
Theo đó, UBND huyện Kim Sơn được giao là chủ đầu tư thực hiện đồ án quy hoạch chung xây dựng khu vực nêu trên trở thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế ven biển của huyện và tỉnh Ninh Bình.
Khu vực này được xác định: Có cơ cấu kinh tế tổng hợp; hình thành trung tâm dịch vụ, du lịch biển; phát triển các khu chức năng hỗn hợp bao gồm: Nông nghiệp sạch, công nghệ cao; công nghiệp, cảng tổng hợp, du lịch sinh thái, đô thị Cồn Nổi.
Do vậy, giải pháp trước mắt đối với huyện Kim Sơn là khẩn trương hoàn thành công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính khu vực từ đê BM2 đến Cồn Nổi. Ðó là cơ sở xác định quy mô đất xây dựng, quy mô phát triển không gian các khu chức năng; thực hiện phương án điều chỉnh địa giới hành chính các xã vùng mép nước như Kim Ðông, Kim Trung, Kim Hải, khi được cấp có thẩm quyền cho phép; là cơ sở tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuê đất sản xuất, nuôi trồng thủy sản, khắc phục tình trạng mua bán, chuyển nhượng trái phép đất đầm bãi bồi.
Tích cực phối hợp các ngành chức năng của tỉnh sớm hoàn thiện quy hoạch chung xây dựng đô thị Cồn Nổi để kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững.
Từ những bất cập trong quản lý đất đai ở vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn, các bộ, ngành chức năng ở Trung ương cần tham mưu với Chính phủ quy định rõ hơn việc miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước sử dụng cho hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khu vực trong đê biển, ngoài đê biển.
Thực hiện đồng bộ những giải pháp nêu trên sẽ là "đòn bẩy" đánh thức tiềm năng "Núi vàng", đưa Kim Sơn trở thành vùng kinh tế năng động, trọng điểm ở Ninh Bình.