Ông Nguyễn Hữu Động. |
Có cơ hội học “trường Tây” từ nhỏ, lớn lên, ông Động theo học kinh tế ở Thụy Sỹ và Pháp. Tại Pháp, ông từng có thời gian làm việc trong phòng thông tin của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, sau đó trở thành phòng thông tin của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Pháp.
Là người Việt hiếm hoi biết tiếng Pháp trước cả tiếng mẹ đẻ, nên ông Động thường được bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng phái đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, gọi là “Tây con”.
Sau khi đất nước thống nhất, ông Động được điều về Phòng Kinh tế của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp. Năm 1982, triển khai chính sách ngoại giao kinh tế, ông được Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch giới thiệu vào làm việc tại LHQ.
Tự hào là người Việt Nam
Vào LHQ, ông làm công tác tổ chức, giám sát bầu cử và hỗ trợ xây dựng thể chế ở các nước kém phát triển hay bất ổn về an ninh. Ông từng đến khoảng 40 quốc gia trên thế giới với hành trang là tấm giấy thông hành chỉ ghi họ tên, ngày sinh chứ không có quốc tịch và mấy cuốn băng cassette nhạc Trịnh Công Sơn.
Nhớ lại thời gian ở Trung Mỹ, ông rất lâu không được gặp người Việt, nói tiếng Việt, nên trên những quãng đường hàng vạn dặm nơi đất khách, ông chỉ có thú vui là bật nhạc Trịnh nghe để vơi đi nỗi nhớ quê hương.
Trong quá trình làm nhiệm vụ ở nhiều quốc gia, ông Nguyễn Hữu Động luôn tự hào khi giới thiệu mình là một “anh Việt Nam”. Đối với ông, chính cái nguồn gốc Việt đấy đã đem đến cho ông cơ hội làm việc ở LHQ và giúp ông có những bài học quý giá về chiến tranh và hòa bình.
Một trong những kỷ niệm mà ông Động nhớ mãi là vào tháng 2/2003, khi công tác ở Kabul (Afghanistan), ông có nhiệm vụ gặp lãnh đạo các đảng phái chính trị. Trong phòng có khoảng 15 người cầm súng AK47, ngồi trên nệm tròn đặt dưới đất. Khi ông Động bước vào, một người trung niên to lớn để râu quai nón, đứng lên hỏi: “Ông từ đâu đến?”. Ông Động đáp: Tôi do LHQ phái tới và tôi là người Việt Nam.
Vừa nghe thấy thế, đối phương gỡ bỏ hoàn toàn vẻ đề phòng, đặt súng xuống đất và chìa tay chào mừng ông Động. Người này chia sẻ cách đây mấy tháng, khi đang truy tìm mục tiêu ở vùng núi Tora Bora và chỉ còn cách mục tiêu chừng 20 km, họ sợ hãi “sởn tóc gáy” khi thấy bom B52 trải xuống núi. Họ bảo nhau rằng không biết làm thế nào mà người Việt Nam chống cự được cảnh bom đạn này suốt bao nhiêu năm trời.
Người đàn ông xúc động bắt tay ông và nói: “Ông là người Việt Nam đầu tiên tôi được gặp, tôi xin bắt tay ông một cái”. Không ai bảo ai, những người khác cũng đứng dậy bắt tay ông Động.
Một câu chuyện rất “đời” khác là khi ông Động đến Iraq vào thời điểm nước này tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên sau chiến tranh vào năm 2005. Tình hình tại Iraq lúc bấy giờ rất phức tạp, lúc nào bên cạnh ông Động cũng có hai nhân viên bảo vệ người Mỹ. Nếu có bất kỳ vấn đề gì nguy hiểm thì có lẽ hai người kia hy sinh trước tiên.
Sau khoảng 2-3 tuần làm việc, đến khi họ chuẩn bị rời Iraq, một nhân viên bảo vệ đề nghị chụp ảnh kỷ niệm cùng ông Động. Ông đồng ý và hỏi lý do thì người này trả lời: “Tôi chụp ảnh để gửi cho bố tôi. Bố tôi hồi xưa là thủy quân lục chiến của Mỹ đánh nhau ở Việt Nam gần ba năm trời. Tôi gửi bức ảnh này để nói cho ông ấy biết thủ trưởng của tôi là một người Việt Nam”.
Ông Động nói: “Tôi còn đi theo Việt Cộng đấy! Trước đây, bố anh từng lùng những người như tôi để diệt mà bây giờ anh lại là người lấy thân mình để che chở cho tôi, anh thấy cuộc đời này có hay không?”.
Người bảo vệ này đáp: “Thưa ông, cuộc đời là như vậy đấy!”.
Ông Nguyễn Hữu Động (ngoài cùng, bên trái) khi là cán bộ chính trị kiêm Phó Trưởng Ban bầu cử, Phái bộ Quan sát tại Haiti cùng Tổng thống Haiti đắc cử Jean - Bertrand Aristide (thứ hai, từ phải) năm 1991. (Ảnh: NVCC) |
Dấn thân vì hình ảnh quốc gia
Nhắc về quá khứ lại ngẫm đến tương lai, giờ đây khi đã về hưu và cộng tác với LHQ với tư cách cố vấn, ông Động luôn mong mỏi thế hệ trẻ Việt Nam có thể tiếp bước những người như ông làm việc tại tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này.
Theo ông, việc Việt Nam khẳng định vị thế tại LHQ là hình thức tốt nhất để tuyên truyền chính nghĩa, bảo vệ đất nước. Ông cho rằng Việt Nam cần tiếp tục chính sách đa phương, trong đó bao gồm việc đào tạo cán bộ có năng lực, trình độ và dám hy sinh để thi vào LHQ. Hy sinh ở đây không phải là tính mạng, mà là sự chấp nhận rời xa gia đình, rời xa quê hương, cộng đồng người Việt để kiên trì độc lập tác chiến trên “mặt trận” quốc tế.
Làm công chức của LHQ, sống như một công dân toàn cầu, nhưng ông Động vẫn luôn tâm niệm mình là người Việt Nam và nỗ lực cống hiến cho đất nước theo cách của riêng mình. Theo ông, mỗi người làm việc ở LHQ đại diện cho hình ảnh của quốc gia họ. Làm tốt thì quốc tế đánh giá tốt về năng lực của người Việt, làm không tốt họ sẽ mất thiện cảm với người Việt. Cứ thế, ông nỗ lực làm việc để giữ gìn hình ảnh người Việt Nam tại LHQ một cách đẹp đẽ, trọn vẹn nhất có thể.
Ông Nguyễn Hữu Động (hàng trên, thứ ba, từ trái) khi là Điều phối viên khu vực, Phái bộ quan sát tại El Salvador, Phái bộ gìn giữ hòa bình và nhân quyền LHQ, năm 1992 tại El Salvador. (Ảnh: NVCC) |
Trong những năm tháng sống xa Tổ quốc, điều khiến ông Động luôn lo lắng là có sống xứng đáng là người Việt Nam không, có xứng đáng với lịch sử của dân tộc, với các thế hệ đi trước và với bạn bè, người thân của mình ngày hôm nay hay không?
Tháng 9/2018, ông được Tổ chức quốc tế các Hệ thống bầu cử (IFES) trao giải thưởng Joe. C. Baxter 2018 vì những đóng góp cho bầu cử, dân chủ, nhân quyền và hòa bình. Khi lên nhận giải ở Washington (Mỹ), ông Động chia sẻ: “Con người ta không còn cái ham mê gì khác cao hơn ham mê độc lập, tự chủ cho đất nước… Tôi là người Việt Nam, nhưng đối với tôi, việc sống xứng đáng là công dân Việt Nam mới quan trọng”. Sau cùng, ông gửi lời cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã cho ông bài học là trong cuộc sống có những lý tưởng vượt qua rất nhiều lần tham vọng cá nhân.
Theo ông Động, tình cảm dân tộc là thứ có thể vượt qua mọi hàng rào chiến tranh. Ông rất tâm đắc lời của một nhà sử học Pháp rằng: “Chúng ta là con của thời đại nhiều hơn là con của cha ông chúng ta”.
Đối với ông, những con đường dẫn tới kháng chiến, những con đường hướng về đất nước đã nuôi dưỡng những “đứa con” Việt Nam như ông, cho ông ước mơ, cho ông trải nghiệm. Ông tin tưởng thiết tha rằng, những con đường ấy vẫn đang rộng mở cho mọi người và lời khuyên của ông dành cho thế hệ trẻ Việt Nam là: “Hãy dấn thân để nảy nở, phát huy bản thân và tìm thấy sự an lạc cho chính mình”.
| Một buổi họp báo tại Trại Davis Buổi sáng một ngày cuối năm 1973, do đã được phân công từ trước, tôi ra cổng Trại Davis, trụ sở của hai đoàn đại ... |
| Bà Michelle Bachelet và 'khoảnh khắc tuyệt vời' cùng Việt Nam Trong lần trở lại này, nguyên Tổng thống Chile đã dành thời gian chia sẻ với phóng viên báo chí Việt Nam về mối liên ... |
| Viết tiếp hành trình ‘ngoại giao di sản’ Công tác ngoại giao văn hóa của Việt Nam đang tranh thủ hiệu quả tri thức, nguồn lực, sự ủng hộ của UNESCO để bảo ... |
| Cựu Đại sứ Anh Mark Kent: Whisky, Arsenal và cơ duyên Việt Nam Cựu Đại sứ Anh Mark Kent đã có chia sẻ về ngày trở lại Việt Nam, cùng nỗ lực thúc đẩy triển vọng hợp tác ... |
| Chiến tranh và Hòa bình: 5 năm đàm phán Hiệp định Paris Ngày 31/01/1968, tối ngày mùng hai Tết, Mặt trận Dân tộc Giải phóng mở chiến dịch tổng tấn công, đánh vào Đại sứ quán Mỹ ... |