📞

Áo dài trên hành trình trở thành di sản

Hà Anh 10:00 | 18/04/2021
Với chủ đề Thế giới trong áo dài Việt, những sắc màu văn hóa của 15 nước trở thành cảm hứng sáng tạo của các nhà thiết kế và được chuyển tải lên tà áo dài qua các bộ sưu tập gồm 600 mẫu thiết kế.
Những trang phục áo dài mang tinh thần hội nhập. (Ảnh: Hà Anh)

PGS.TS Trần Đức Ngôn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long cho rằng: “Đến nay chưa có một công trình công phu nào nghiên cứu kỹ lưỡng về giá trị của áo dài và đây là việc trước mắt chúng ta phải làm trên hành trình dài đưa áo dài trở thành di sản của Việt Nam và thế giới”.

Cuối tuần qua, một chương trình nghệ thuật đặc biệt đã được Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long và tạp chí Tinh hoa Đất Việt tổ chức tại không gian trang trọng của Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội. Với chủ đề Thế giới trong áo dài Việt, những sắc màu văn hóa của 15 nước trở thành cảm hứng sáng tạo của các nhà thiết kế và được chuyển tải lên tà áo dài qua các bộ sưu tập gồm 600 mẫu thiết kế.

Chương trình càng đặc biệt hơn khi có sự tham gia trình diễn của phu nhân các đại sứ tại Việt Nam, các nghệ sĩ gạo cội và người khuyết tật trong vai trò người mẫu. Có thể nói, công chúng như được trải nghiệm một chuyến du lịch vòng quanh thế giới qua tà áo dài truyền thống của Việt Nam.

Mang tinh thần hội nhập

Đây chỉ là 15 bộ sưu tập áo dài đầu tiên đầu tiên trong 100 bộ sưu tập lấy cảm hứng từ bản sắc văn hóa của 100 nước mà các nhà thiết kế Việt Nam và quốc tế sẽ giới thiệu trong năm nay. Theo nhà thiết kế Minh Hạnh, tổng đạo diễn của chương trình thì sự kiện muốn truyền đi thông điệp: Áo dài của người Việt rất dễ thích nghi, kể cả với những nền văn hóa rất khác biệt, áo dài không chỉ được yêu thích trong nước mà có thể lan tỏa mạnh hơn ở quốc tế.

Chia sẻ về thông điệp ấy, PGS.TS Trần Đức Ngôn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long nói: “Áo dài không chỉ là hình thức vật chất, mà chứa đựng bên trong đó là cả một truyền thống gắn liền với dân tộc Việt Nam.

Tôn vinh áo dài còn là sự tôn vinh tinh thần và phẩm chất của phụ nữ Việt nên giá trị tinh thần của áo dài rất phong phú. Vẻ đẹp của áo dài đã được khẳng định, nhưng trong tương lai, giá trị này cần phải được khẳng định cao hơn nữa để áo dài có thể trở thành di sản phi vật thể quốc gia và tiến tới của nhân loại”.

Là nhà thiết kế dành tình yêu và tâm huyết cho tà áo dài Việt Nam, bà Minh Hạnh cũng cho rằng với thời điểm này, gìn giữ một chiếc áo dài truyền thống rất khó khăn, bởi vậy những giá trị truyền thống được đẩy lên theo tinh thần của thời đại, hữu hiệu với thời đại. Sự hữu hiệu này không phải lời tâng bốc hay ca tụng về chiếc áo truyền thống mà chính là sự hữu hiệu về mặt đời sống tinh thần của người Việt.

Đáng chú ý, toàn bộ các thiết kế đều sử dụng chất liệu hoàn toàn của Việt Nam như lụa, vải gai - một chất liệu truyền thống bị lãng quên nhiều năm và được làm sống lại, nhưng không còn độ thô cứng, xù xì mà đã trở nên thanh thoát, mỏng nhẹ hơn.

Nói về tính thích nghi của áo dài Việt, nhà thiết kế Minh Hạnh khẳng định: “Áo dài có thể mặc cùng những trang phục năng động hơn, thoải mái hơn, nhất là với những người Việt trẻ, những người cần hiểu được những giá trị truyền thống này, được tiếp biến trong thời đại này và những người Việt trẻ sẽ tiếp nhận nó với một tinh thần mới, năng lượng mới. Ngoài ra, cấu trúc áo dài truyền thống được định vị từ những thế hệ trước cũng rất thích nghi với những nền văn hóa khác nhau”.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam: “Di sản áo dài cực kỳ đa dạng, đa sắc thái. Xung quanh di sản phi vật thể này có chuỗi sản phẩm độc đáo: trồng dâu, nuôi tằm, dệt, may đo, thiết kế… Áo dài cũng hiện diện khắp nơi, dành cho mọi người ở mọi lứa tuổi trong các thời kỳ. Vì vậy, việc làm hồ sơ cho di sản này phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng”.

Giá trị dân tộc

Áo dài Việt Nam xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể là lời khẳng định của rất nhiều chuyên gia tại Hội thảo Tham vấn về lấy ý kiến chuyên gia về việc lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến Áo dài do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức vào cuối năm 2020.

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng rất tích cực trong việc hoàn thiện các thủ tục để Áo dài được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ cuối năm 2019, Hội đã khởi xướng và nỗ lực triển khai nhiều hoạt động chủ đề Áo dài - di sản văn hóa Việt Nam nhằm khơi dậy niềm tự hào với trang phục dân tộc trong mỗi phụ nữ, mỗi người dân Việt Nam, để quảng bá văn hóa và qua đó làm nên sức sống của áo dài.

Hội đã cùng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch gửi công văn đến các tỉnh thành trong cả nước và đã nhận được phản hồi trong việc lựa chọn những giá trị nào của áo dài ở địa phương để hoàn thành hồ sơ, cũng như làm căn cứ để tiến hành các thủ tục trong việc công nhận Áo dài là di sản văn hóa phi vật thể.

Bà Bùi Thị Hòa – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: “Trong thế giới phẳng và hội nhập cao độ như hiện nay, việc khẳng định, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trở nên đặc biệt cần thiết. Tuy nhiên, để một di sản văn hóa thực sự trường tồn, thì di sản ấy phải là một di sản “sống”, phải mang hơi thở cuộc sống, phải phát triển trong cuộc sống thường ngày và phát triển cùng với sự phát triển chung của đất nước”.

Hiện tại, ngày càng có thêm di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được nhận diện, bảo vệ ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Với áo dài, theo các chuyên gia, để nhận diện chính xác khía cạnh di sản văn hóa phi vật thể liên quan và thành công trong việc xây dựng hồ sơ đưa vào danh mục quốc gia, tiến tới đệ trình ghi danh tại danh sách của UNESCO, cần có cách tiếp cận nghiên cứu, quản lý, bảo vệ phù hợp để bảo đảm sức sống của di sản theo tinh thần Công ước 2003 và Luật Di sản văn hóa.